Hành trình về quê hương của người Hải Dương ở Ukraine

Sau một hành trình dài di tản khỏi vùng chiến sự Ukraine, nhiều người con Hải Dương đã trở về quê nhà an toàn.

Người Việt Nam dán những lá cờ Tổ quốc lên cây ở Ukraine để dễ dàng tìm nhau, nhận hỗ trợ, giúp đỡ nhau di tản sang các nước khác an toàn

Người Việt Nam dán những lá cờ Tổ quốc lên cây ở Ukraine để dễ dàng tìm nhau, nhận hỗ trợ, giúp đỡ nhau di tản sang các nước khác an toàn

Khao khát trở về quê hương

“Ngày 24.2, khi nghe tiếng pháo nổ mở đầu chiến sự, hai vợ chồng tôi bắt đầu bất an và lo lắng nhưng vẫn chưa muốn rời đất nước xinh đẹp này. Ukraine đã trở thành quê hương thứ hai bởi tôi đã từng học tập, lập gia đình và có cuộc sống ổn định ở đây. Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhiều người đã phải rời bỏ thành phố để sang các nước châu Âu. Lúc đó, vợ chồng tôi mới quyết định di chuyển sang Ba Lan để tìm cơ hội về Việt Nam. Hành trình di tản đối với người bình thường đã rất mệt mỏi và với gia đình có con nhỏ mới 5 tháng tuổi như tôi còn gian nan hơn”. Đó là câu chuyện của chị Bùi Thị Vân Thư ở xóm 3, thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) kể về chuyến hành trình của mình để về quê mẹ Việt Nam.

Chị Thư là 1 trong 300 người Việt Nam may mắn được về nước trong chuyến bay đầu tiên hôm 10.3 vừa qua. Để về được quê nhà chị Thư và chồng đã phải lái xe ô tô từ TP Kiev sang Ba Lan mất 4 ngày. Chị Thư cho biết: “Từ Kiev sang đến cửa khẩu của Ba Lan chỉ khoảng 800 km nhưng vì đi trong vùng chiến sự nên không thể nhanh hơn. Tôi không nghĩ chiến tranh Nga - Ukraine lại đến nhanh như vậy. Mọi thứ đều diễn ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khao khát duy nhất của tôi lúc đó là sớm được về Việt Nam".

Sinh sống ở TP Kharkov gần 20 năm qua, gia đình bà Phạm Thị Trường ở phố Đào Duy Từ, phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã phải bỏ lại toàn bộ tài sản để sang Ba Lan lánh nạn và tìm cách để được trở về Việt Nam. Bà Trường kể bình thường gia đình bà lái xe sang Ba Lan chỉ mất gần chục tiếng đồng hồ nhưng vì chiến tranh nên di chuyển rất chậm, phải mất gấp ba số thời gian đó. Chưa kể các cây xăng trên đường di chuyển chỉ bán cho người dân nhiều nhất 20 lít.

Để tiết kiệm nhiên liệu, tránh phải bỏ xe giữa đường, gia đình bà Trường cũng như nhiều gia đình khác đành không bật máy sưởi trong xe. Mọi người chấp nhận co ro dưới thời tiết lạnh cóng -3 độ C. “Với chúng tôi con số đếm hằng ngày lúc đó chỉ là đã bao nhiêu ngày nổ ra chiến sự bởi ai cũng muốn hòa bình để chúng tôi được trở lại cuộc sống bình thường”, bà Trường nói.

Sau khi rời Ukraine, chị Bùi Thị Vân Thư đã được về quê nhà ở xã Chi Lăng Nam an toàn

Sau khi rời Ukraine, chị Bùi Thị Vân Thư đã được về quê nhà ở xã Chi Lăng Nam an toàn

Bình yên

Sau hành trình dài di chuyển bằng đường bộ từ Kiev sang Ba Lan rồi được đi máy bay về Việt Nam an toàn chưa bao giờ chị Thư thấy yêu hòa bình đến vậy. Ngày đầu tiên trở về nhà, chị dậy thật sớm hít hà không khí trong lành của quê hương. Bà Vũ Thị Lá, mẹ chị Thư cho biết, từ ngày xảy ra chiến sự tại Ukraine ngày nào gia đình bà cũng mong ngóng tin tức của con và mong các con sớm được trở về nhà. Niềm vui vỡ òa khi bà đón được con gái và cháu về nhà bình an. “Cảm ơn Chính phủ đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được đoàn tụ. Hiện tại còn con rể tôi chưa thể về được vì trong chuyến bay trước phải nhường cho người già, phụ nữ và trẻ nhỏ”, bà Lá nói.

Với anh Hà Văn Trịnh ở xã Thái Dương (Bình Giang) được trở về nhà an toàn là niềm hạnh phúc. Anh luôn biết ơn cộng đồng người Việt, Đại sự quán Việt Nam tại Ukraine, Ba Lan đã giúp đỡ rất nhiệt tình để gia đình anh cũng như nhiều người Việt Nam di tản an toàn khỏi vùng chiến sự. Anh Trịnh kể, những người già, phụ nữ, trẻ em được ưu tiên trong chuyến bay đầu tiên về Việt Nam. Trong chuyến bay vì có nhiều người già và trẻ nhỏ nên mọi người đã hỗ trợ nhau rất nhiều.

“Những bà mẹ có con nhỏ đã được nhường chỗ cho ngồi ở hàng ghế hạng thương gia rộng rãi. Người già đều được tiếp viên của hàng hàng không hỏi han thường xuyên về tình hình sức khỏe. Trong hoạn nạn mới thấy được tinh thần đùm bọc, đoàn kết ấm áp của người Việt đáng quý biết nhường nào”, anh Trịnh cho biết.

Hiện tại nhiều người Việt Nam sinh sống tại Ukraine tiếp tục di tản sang các nước châu Âu để đăng ký về Việt Nam trong thời gian sớm nhất

Hiện tại nhiều người Việt Nam sinh sống tại Ukraine tiếp tục di tản sang các nước châu Âu để đăng ký về Việt Nam trong thời gian sớm nhất

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine hiện đã có khoảng 5.000 người Việt ở Ukraine được sơ tán sang các nước lân cận như Romania, Hungary, Ba Lan… nhiều nhất là Ba Lan. Đại sứ quán các nước đang tích cực phối hợp nhà chức tránh các địa phương và Hội, đoàn người Việt để sắp xếp chỗ ở cũng như phê duyệt danh sách những người Việt có nhu cầu trở về quê hương. Các cơ quan đại diện tại Ba Lan và Romania tiếp tục nhận danh sách đăng ký của công dân có nguyện vọng về nước cho các chuyến bay tiếp theo. Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Đỗ Xá, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) may mắn được về Việt Nam an toàn mong muốn Nhà nước có nhiều chuyến bay hơn nữa đón những người Việt khác muốn rời Ukraine về Việt Nam như chị.

Người Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu sơ tán khỏi khu vực chiến sự, về nước có thể liên hệ, đăng ký thông tin với Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước như sau:

+ Bộ Ngoại giao: +84-965411118, +84-981848484; Email: baohocongdan@gmail.com

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine: +380 (63) 8638999

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga: +79916821617

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan: 0048782257359

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Romania: 0040744645037

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia: +421 2 5245 1263, +421 915 044 329, +421 915 419 568

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary: +36 308 385 699.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/hanh-trinh-ve-que-huong-cua-nguoi-hai-duong-o-ukraine-198020