Hành trình vươn xa của cây cao su ViệtBài 1: Gần 20 năm bén duyên trên xứ 'Chùa Tháp'

Từ vùng đất hoang vu, ít cư dân, không điện nước sạch nhưng qua bàn tay, khối óc của cán bộ kỹ sư, tới nay những cánh rừng cao su bạt ngàn đã bén rễ trên ở Vương quốc Campuchia, nơi mệnh danh là xứ sở 'Chùa Tháp'...

Gần 20 năm trước, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã thực hiện hóa chủ trương đúng đắn này bằng cách đưa cây cao su vươn xa sang Vương quốc Campuchia. Những đoàn cán bộ kỹ sư đầu tiên từ các công ty như Phước Hòa, Chư Sê, Tân Biên, Bà Rịa... với kiến thức, kỹ năng, tâm huyết được trao nhiệm vụ giúp cây cao su bén rễ trên vùng đất mới. Những công ty cao su này đều bắt đầu từ năm 2007-2009 với việc thăm dò, tìm vị trí thuê đất, san lấp mặt bằng, ươm trồng, chăm sóc cao su... Sau gần 20 năm, các công ty đều tạo ra hàng ngàn việc làm cho cư dân địa phương, có doanh thu ổn định, gửi tiền về nước cũng như tô thắm thêm tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia láng giềng. Nhưng đằng sau đó là một hành trình dài với nhiều khó khăn, thử thách, vượt lên và cả những đóng góp thầm lặng mà ít người biết tới.

Những rừng cao su bạt ngàn ở xứ sở "Chùa Tháp" Campuchia. (ảnh Đoàn Xá).

Những rừng cao su bạt ngàn ở xứ sở "Chùa Tháp" Campuchia. (ảnh Đoàn Xá).

Nhìn ra hàng cao su bạt ngàn trước mặt, ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cao su Tân Biên-Kampong Thom vẫn còn chút ngỡ ngàng. Ông Thắng là một trong 10 cán bộ kỹ sư đầu tiên đặt chân lên mảnh đất vào năm 2009, khi nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang vu, cư dân sinh sống rải rác ở huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia. Điều kiện đi lại khó khăn, điện nước sạch chưa có, những ngày đầu phải dựng lán trại, ra suối lấy nước sinh hoạt với mục đích ươm mầm cây cao su trên vùng đất này. Dần dần, những hàng lối cây cao su thẳng tắp đã được các cán bộ kỹ sư đi đầu ấy gầy dựng bằng tất cả tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm mang từ Việt Nam qua. Thiên nhiên phù hợp, lòng người quyết tâm đã giúp cây cao su nhanh chóng phát triển, phủ xanh vùng đất đỏ rộng lớn.

Chia sẻ về thời gian đầu đi mở đất trồng cao su, ông Thắng bồi hồi nhớ lại. "Những ngày đầu tiên ấy, anh em chúng tôi di chuyển bằng xe gắn máy, mang theo định vị, bản đồ để đo đạc thì gặp người dân địa phương. Dù có phiên dịch nhưng bất đồng ngôn ngữ nên ban đầu cũng khá khó khăn. Chính quyền địa phương phải giải thích để người dân hiểu, và ngày nay, chính những người dân nơi đây đã làm việc, gắn bó với công ty vì công việc thu nhập tốt", ông Thắng kể.

Ông Nguyễn Hoàng Thắng (áo trắng) kiểm tra quy trình thu hoạch mủ cao su. (ảnh Đoàn Xá).

Ông Nguyễn Hoàng Thắng (áo trắng) kiểm tra quy trình thu hoạch mủ cao su. (ảnh Đoàn Xá).

Nằm ở cùng địa bàn và cách Công ty Tân Biên-Kampong Thom chỉ vài cây số là Công ty cao su Bà Rịa-Kampong Thom, với một hành trình cũng tương tự. Bắt đầu từ năm 2009, cùng với việc trồng cao su trên nước bạn, công ty cũng tìm cách "lấy lòng" cộng đồng cư dân địa phương bằng những việc làm thiết thực. Đó là, ngoài tạo công ăn việc làm có chế độ lương thưởng tốt cho công nhân người Campuchia, công ty còn xây dựng trường học cho con em công nhân, chùa chiền cho đồng bào. Ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Bà Rịa-Kampong Thom cho biết ngay từ năm 2010, công ty đã cùng với 2 đơn vị khác quyên góp tiền của để xây dựng chùa mới. Theo ông Tuấn, trong đời sống văn hóa người Campuchia, chùa có vai trò vô cùng quan trọng nên song song với việc ươm mầm cây, các công ty đã trú trọng tới việc chăm lo đời sống tinh thần của người lao động. Tại khu đất trước đó có một nơi thờ tự nhỏ nên sau khi được xây dựng chùa theo đúng lối kiến trúc, văn hóa của cộng đồng, những công nhân và cư dân ở đây rất vui mừng và phấn khởi. Điều đặc biệt trong văn hóa cộng đồng Campuchia là các ngôi chùa được xây dựng "không ngừng". Nghĩa là sau khi xây dựng nhà thờ chính, các hạng mục khác như tượng thờ, nơi sinh hoạt, nghĩa trang... vẫn tiếp tục xây dựng. Thậm chí việc xây dựng này còn kéo dài cho các đời sau. Đó là nguyên nhân khi ngôi chùa nhìn rất khang trang nhưng chúng tôi quan sát thấy vẫn có thêm các hạng mục được xây dựng tiếp. Ngoài ra, ở một số công ty cao khác cũng có những ngôi chùa khang trang được xây dựng, với màu sắc sặc sỡ nổi bật giữa rừng cao su xanh ngát để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng công nhân, cộng đồng.

Những ngôi chùa khang trang giữa rừng cao su xanh ngát. (ảnh Đoàn Xá).

Những ngôi chùa khang trang giữa rừng cao su xanh ngát. (ảnh Đoàn Xá).

Theo quy trình sản xuất cây cao su sẽ cho thu hoạch mủ sau 5 năm, từ năm 2014 thì lứa cao su trồng đầu tiên bắt đầu cho ra những dòng "vàng trắng" trong niềm vui của tập thể cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, phải tới năm 2018-1019, các công ty mới bắt đầu khai thác toàn bộ diện tích do cao su được trồng gối đầu các năm vì diện tích quá lớn và phải tuân thủ các quy trình sản xuất. Hiện nay, các công ty đều cho sản lượng ổn định với quy mô như cao su Phước Hòa-Kampong Thom (khoảng 7.600 ha), Tân Biên-Kampong Thom (khoảng 7.200 ha) trong khi công ty Bà Rịa-Kampong Thom có hơn 5.400 ha.

Đặc biệt nhất trong các thành viên của VRG ở Campuchia phải kể đến Công ty Chư Sê-Kampong Thom, đơn vị được ví như "anh cả" của ngành cao su xứ "Chùa Tháp". Nằm cách cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) khoảng 300 cây số, công ty Chư Sê-Kampong Thom hiện quản lý hơn 16.000 ha. Ngay trong năm đầu tiên tới đây (năm 2009), công ty đã trồng được 2.000 ha, một kỳ tích mà các đơn vị khác không bắt kịp. Tới năm 2014, toàn bộ hơn 16.000 ha cao su đã được trồng (vượt kế hoạch) trong khi những cây đầu tiên (trồng năm 2009) thì bắt đầu cho khai thác mủ. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Chư Sê-Kampong Thom cho biết ngay từ khi thành lập, công ty luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu mà Tập đoàn giao phó, trở thành "điểm sáng" toàn ngành. Nói về kết quả kinh doanh năm 2025 này, ông Dũng cho biết trong 6 tháng vừa qua, công ty đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu mà tập đoàn giao. Trong đó doanh thu đạt 63% kế hoạch (1.400 tỉ đồng), lợi nhuận đạt 72% kế hoạch (311 tỉ đồng)... Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2025, công ty chắc chắn sẽ đạt và vượt các kế hoạch mà tập đoàn giao.

Công ty cao su Chư Sê-Kampong Thom, đơn vị được coi là "anh cả" ngành cao su xứ "Chùa Tháp" Campuchia. (ảnh Phạm Nguyễn- Đoàn Xá).

Công ty cao su Chư Sê-Kampong Thom, đơn vị được coi là "anh cả" ngành cao su xứ "Chùa Tháp" Campuchia. (ảnh Phạm Nguyễn- Đoàn Xá).

Đối với chiến lược phát triển những năm tới, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết công ty đang tập trung vào chủ trương tái canh và phát triển rừng bền vững, với mục tiêu mỗi năm tái canh khoảng 950 ha. Cùng với đó là mục tiêu đạt sản lượng 50.000 tấn/năm, dẫn đầu toàn ngành cao su của VRG. Ngoài ra, công ty cũng đang xúc tiến kế hoạch thực hiện dự án mới với quy mô tới 37.000 ha tại Campuchia... Đặc biệt thời gian qua công ty tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) với việc đầu tư công nghệ quản lý vườn cây, quy trình khai thác giúp các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU (giá cao hơn nhưng tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn). Hướng đi xuất vào thị trường EU mà Chư Sê-Kampong Thom thời gian qua cũng là hướng đi của nhiều đơn vị thời gian tới.

Gần 20 năm chưa phải là một quãng thời gian quá dài đối với ngành cao su, nhưng với những gì mà các công ty cao su của VRG đã làm được trên xứ sở "Chùa Tháp" thực sự là một kỳ tích. Đó không chỉ đơn thuần là con số kinh doanh, lợi nhuận được tính toán mà còn là giá trị bền vững lâu dài mà cây cao su mang lại cho cộng đồng cư dân địa phương cũng như gắn kết mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

Những cánh rừng cao su ở Campuchia. (Clip: Phạm Nguyễn-Đoàn Xá).

Đoàn Đại Trí

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hanh-trinh-vuon-xa-cua-cay-cao-su-viet-bai-1-gan-20-nam-ben-duyen-tren-xu-chua-thap-10310531.html