Hành trình vượt chông gai của 33 anh tài khiến khán giả khóc, cười trong rạp
Bộ phim concert 'Mưa lửa' chính thức ra rạp, ghi dấu hành trình trọn vẹn một năm của chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai 2024. Trong 125 phút, bộ phim mang đến những thước phim đầy cảm xúc, làm sống dậy mùa hè rực rỡ nhất của 33 nghệ sĩ cùng hàng triệu khán giả.
Hành trình chứng minh "gừng càng già càng cay"
Anh trai vượt ngàn chông gai từng là chương trình truyền hình gây hoài nghi khi mới phát sóng: nghệ sĩ quá tuổi, thiếu sức hút, “hết thời”, “sến”, “già”... Nhưng bằng sự kiên định và thuyết phục qua từng tập, chương trình đã vươn lên trở thành hiện tượng văn hóa đại chúng, tạo hiệu ứng lan tỏa chưa từng có trong lịch sử giải trí Việt. Qua từng tập phát sóng, chương trình chứng minh rằng “gừng càng già càng cay” - nghệ sĩ kỳ cựu vẫn có thể tạo nên làn sóng yêu thương và lan tỏa văn hóa bằng chính sự từng trải, chân thành và đam mê cháy bỏng.
Và giờ đây, khi được “đóng gói” lại thành “Mưa lửa” - bộ phim mang cả concert, hậu trường lẫn linh hồn của chương trình - hành trình ấy lại một lần nữa làm dậy sóng cảm xúc trong lòng công chúng.

Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư lựa chọn hướng đi táo bạo: không khởi đầu bằng ánh đèn sân khấu rực rỡ, mà bằng những hình ảnh tư liệu giản dị, thậm chí thô ráp. Những thước phim CCTV, cảnh quay hậu trường, góc máy ghi lại những cuộc trò chuyện lặng lẽ, những phút ngập ngừng chia sẻ từ nghệ sĩ - tất cả cùng mở ra bức tranh đa chiều về hành trình của 33 Anh tài.
Ngay từ phần mở đầu, bộ phim không né tránh các mâu thuẫn và nỗi sợ của nghệ sĩ: Duy Khánh bật khóc vì từng cảm thấy cô độc trong showbiz. Đăng Khôi hoang mang không biết “liệu có ai còn nhớ đến tên Đăng Khôi hay không”.
Điểm đặc biệt của “Mưa lửa” là việc không tô hồng hình ảnh bất kỳ ai. Từ sự lạnh lùng của Soobin Hoàng Sơn đến khoảng cách thế hệ giữa Tuấn Hưng và Trọng Hiếu, hay sự bức xúc của Tự Long, tất cả đều được trình bày nguyên vẹn, chân thật và không can thiệp. Chính điều đó tạo nên chiều sâu cho phim - nơi mỗi người không chỉ là một “nghệ sĩ biểu diễn” mà là một con người đang học cách tha thứ, chia sẻ, kết nối với đồng đội và với chính khán giả.
Một trong những đoạn phim cảm xúc nhất là cảnh “cái đêm hôm đó” - buổi tiệc đầu tiên mà các anh tài đã cùng “trút hết nỗi lòng”, gạt bỏ mọi hiểu lầm. Soobin, tưởng chừng lạnh lùng, lại là người cười to nhất, say thật nhất và cũng là người xúc động nhất khi nhắc đến “mùa hè không thể nào quên”. Mối quan hệ giữa Tiến Luật - Duy Khánh, vốn từng lạnh nhạt suốt 8 năm, đã thực sự “tan băng” sau đêm ấy.

Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư tiết chế âm nhạc và phỏng vấn để dành thời lượng cho những hình ảnh thầm lặng: cái ôm vội sau hậu trường, ánh mắt lo lắng trước giờ công diễn, bàn tay run run khi cầm micro... Người xem sẽ thấy thương lắm những nỗ lực âm thầm của Duy Khánh, của Tăng Phúc, và cả nhiều nghệ sĩ khác - những người không ồn ào nhưng luôn hết mình vì tập thể, vì một điều gì đó lớn lao hơn chính họ. Những chi tiết nhỏ nhưng đủ để bóc trần nỗi lo, sự cô đơn, và cả nỗ lực không tên mà các nghệ sĩ đã dành cho hành trình này.
Mỗi ánh mắt lo âu trong hậu trường, mỗi bước chân run rẩy trước giờ diễn, mỗi nụ cười bừng nở khi ánh đèn sáng lên… đều cho thấy một điều: khi trái tim nghệ sĩ gặp được trái tim khán giả, cảm xúc là thật. Và những giọt mồ hôi rơi trên sàn tập, những giọt nước mắt hạnh phúc trên sân khấu - tất cả đều xứng đáng.
Chương trình được ví như “chiếc hộp ký ức” - đóng gói mùa hè rực rỡ nhất của 33 nghệ sĩ và hàng triệu khán giả. Hà Lê thẳng thắn cho rằng: “Những lời chê bai, miệt thị ban đầu là một chiêu khích tướng hiệu quả”. Còn Bằng Kiều nói: “Tiếc cho những ai được mời mà không tham gia. Họ đã bỏ lỡ một hành trình đáng nhớ nhất của đời mình”.
Nửa sau của phim là chuỗi những màn trình diễn đỉnh cao, ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc huy hoàng nhất của concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Từ “Trống Cơm”, “Mưa trên phố Huế”, “Chiếc khăn piêu”, “Đào Liễu” đến các tiết mục iconic như “Nét”, “Khiến nó ngầu”, “Quá là trôi”, “Superstar”… mỗi tiết mục không chỉ là một màn trình diễn, mà là một tuyên ngôn về nghệ thuật dân tộc, được tái sinh trong nhịp điệu hiện đại, qua phong cách trình diễn táo bạo và ý tưởng dàn dựng mang tầm quốc tế.
Bộ phim cũng truyền tải thông điệp rằng văn hóa chính là điểm tựa của Anh trai vượt ngàn chông gai, nhưng được thể hiện theo một cách rất mới mẻ - khi tinh thần trẻ trung, hiện đại được thổi vào những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Như chia sẻ của Cường Seven: “Mình bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa châu Âu, châu Mỹ, mình bị cố giống họ mặc dù không phải văn hóa của mình. Sau chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Tại sao mình không làm văn hóa của mình tiệm cận cả thế giới và để cho thế giới nhìn âm nhạc của mình, những màn trình diễn của mình với con mắt ngưỡng mộ”.

Và anh không đơn độc. Hàng trăm nghìn khán giả, từ những người lớn tuổi đến Gen Z, đã cùng nhau hát “Mưa trên phố Huế”, học hát vọng cổ, múa xòe hay hô vang chèo giữa concert. Đó là điều chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ show âm nhạc nào trước đó tại Việt Nam.
Những cú máy dolly mượt mà, flycam ôm trọn sân khấu, cận cảnh biểu cảm rực cháy của nghệ sĩ - mọi yếu tố hình ảnh và âm thanh trong “Mưa lửa” đều góp phần làm sống dậy không khí concert như thật. Nhiều khán giả bật dậy theo nhịp, tay giơ cao, miệng lẩm nhẩm hát theo - như thể đang sống lại giây phút đêm nhạc.
Khán giả khóc, cười cùng “Mưa lửa”
Hiếm có bộ phim concert nào khiến rạp chiếu trở nên sôi động như một đêm diễn thực thụ. Trong các suất chiếu “Mưa lửa”, khán giả đã không chỉ ngồi xem - họ sống lại mùa hè của mình. Nhiều người mang theo lightstick, áo, tự trang điểm theo concept concert để “đi xem phim mà như đi show”.
Tại những phân cảnh cao trào như “Trống Cơm”, “Khiến nó ngầu”, “Superstar”, không khí trong rạp vỡ òa. Tiếng vỗ tay vang lên bất chấp ranh giới giữa điện ảnh và sân khấu. Có người ngồi rưng rưng suốt 20 phút đầu phim khi nghe lại những chia sẻ rất thật từ nghệ sĩ. Rạp chiếu trở thành nơi khán giả được quyền cười thật to, khóc thật lớn, hò reo theo từng bước nhảy quen thuộc. Khán giả không chỉ là người xem, họ là một phần của hành trình.
Khi ánh đèn rạp vụt tắt, những tràng vỗ tay vang lên - không phải cho 125 phút phim, mà là cho một năm yêu thương, đồng hành và tin tưởng giữa khán giả và 33 người nghệ sĩ - những người đã dũng cảm vượt ngàn chông gai để đi đến tận cùng của đam mê.

Nhiều khán giả mang theo lightstick, áo...đi xem phim mà như đi xem show
Như lời Rhymastic trong phim: “Các anh tài đã được tận hưởng một cơn mưa đẹp - tận hưởng cả những vị mặn chát, những lúc xót xa nhất, khi cơn mưa vẫn xối vào mình để cảm thấy đau nhất, thê thảm nhất. Nhưng rồi chính cơn mưa ấy lại mang đến những tia hy vọng, mang đến niềm an ủi khi tìm lại được người đồng đội, có được một cái kết hạnh phúc, những “cơn mưa” lời khen. Tất cả, chúng tôi đón nhận bằng niềm kiêu hãnh, sự chân thành - không lo sợ, không e ngại. Chúng tôi được đóng gói trọn vẹn những ký ức ấy trong tim mình một cách hoàn hảo”.
“Mưa lửa” là một chiếc hộp ký ức, nơi 33 người đàn ông được sống lại những tháng ngày nhiệt huyết nhất. Cơn mưa là những giọt mồ hôi rơi trên sàn tập của các anh tài, những giọt nước mắt hạnh phúc của các anh tài, của khán giả. Hành trình này giúp 33 anh tài tìm lại được lửa nghề của mình.
Như chia sẻ của Soobin: “Mùa hè 2024 là mùa hè rực rỡ và ý nghĩa nhất cuộc đời tôi”. Và với hàng trăm nghìn khán giả tự gọi mình là Gai Con, đó cũng là mùa hè mà họ "được sống lại cảm xúc thời thanh xuân, được tin vào điều đẹp đẽ, tử tế trong showbiz Việt".
Một khán giả viết: “Gai Con được gọi là ‘đối tác gieo hạt’. Nhưng chính các anh mới là người gieo lại lòng tin, sự tử tế và cảm xúc chân thành vào lòng chúng tôi - những người từng nghĩ rằng showbiz Việt chỉ toàn giả tạo.
Bạn đã bao giờ thấy cảnh hàng trăm nghìn người già trẻ lớn bé mọi thế hệ cùng ở trong một không gian và đồng thanh hát “Mưa trên phố Huế” hay những câu chèo, tập tành hát theo một bài vọng cổ, câu hò. Quẩy hết mình với tình ca Tây Bắc, cháy đỉnh điểm với dân ca Bắc Bộ “Trống Cơm”. Bạn đã thấy có một chương trình âm nhạc hiện đại nào mang Việt phục lên concert và đưa nó vào Kỷ Lục Guinness chưa?
Những điều chưa ai dám làm, chưa ai làm thành công mà họ làm được đấy. Vượt lên vô vàn những chông gai, họ cùng với chúng tôi thật sự đã làm được”.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” là một minh chứng cho việc văn hóa truyền thống và tinh thần đương đại có thể hòa quyện, tạo nên những tác phẩm vừa giàu bản sắc, vừa đầy sức sống thời đại. Nó không chỉ kể một câu chuyện âm nhạc, mà còn mở ra một con đường - nơi âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, nơi khán giả quốc tế nhìn thấy bản sắc Việt Nam trong một diện mạo mới.