Đằng sau việc ngân hàng chạy đua 'đốt tiền' cho các Anh trai
Một số ngân hàng Việt Nam đang chuyển hướng marketing qua các sân khấu âm nhạc với nhiều 'sao' nội, sao quốc tế. Nhà băng được gì, khách hàng thấy sao qua các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi và concert K-Pop sắp diễn ra?
Đổi chiêu marketing
Giữa lúc thị trường ngày càng cạnh tranh, nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính không ngừng tìm kiếm những chiến lược marketing mới để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng.
Một xu hướng đáng chú ý là việc các ngân hàng tích cực tài trợ cho các sự kiện giải trí quy mô lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc này không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng, từ đó xây dựng lòng trung thành và mở rộng thị phần.
Mới đây, mạng xã hội sôi động khi concert VPBank K-Star Spark 2025 được công bố có sự tham gia của những tên tuổi đình đám K-Pop như G-Dragon, CL, DPR IAN, Tempest và tripleS, diễn ra vào ngày 21/6 tới.
Hoạt động marketing chính của sự kiện âm nhạc nói trên là đặc quyền mua vé sớm và các ưu đãi giảm giá hấp dẫn cho chủ thẻ visa của ngân hàng này.

Các chương trình ca nhạc do ngân hàng tài trợ mang lại nhiều nguồn thu.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu và sự tương tác của khách hàng với ngân hàng. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng có tiềm năng thu hút một lượng lớn khách hàng mới, đặc biệt là giới trẻ.
Năm 2024, Techcombank đổ tiền vào chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Các chương trình ưu đãi đạt một số tiêu chí về tài sản, giảm giá 20% khi mua vé bằng thẻ ngân hàng cũng có hiệu quả. Kết thúc năm 2024, đây là một trong những nhà băng có tỷ lệ huy động không kỳ hạn (CASA) cao nhất.
Cũng trong năm ngoái, chương trình “Anh trai say hi” có bóng dáng của VIB, mục tiêuxoay quanh về xu thế thẻ và mở rộng tệp khách hàng trẻ. Ngân hàng này ghi nhận số lượng thẻtăng trưởng kép 44%/năm, trong khi chi tiêu qua thẻ với mức 56%/năm.
Không dễ làm "mờ mắt" khách hàng
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Đặng Thanh Vân - chuyên gia tư vấn chiến lược dẫn đầu dành cho cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty THANHS - cho biết, các hoạt động marketing và truyền thông của ngân hàng thông qua các sân khấu âm nhạc thường có tính dài hạn và hướng đến đại chúng chứ không chỉ nhắm vào khách hàng hiện tại.
Theo đó, lợi ích từ các hoạt động này gồm gia tăng nhận biết và uy tín thương hiệu: Làm cho thương hiệu trở nên quen thuộc và đáng tin cậy hơn với công chúng. Các sự kiện âm nhạc, sự kiện lớn sẽ tác động đến sở thích của nhóm khách hàng mục tiêu, tăng sự gắn kết của họ với thương hiệu. Các sự kiện lớn sẽ tạo ra nhiều bài viết, thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, gia tăng nhận diện thương hiệu.
Tuy nhiên, theo bà Vân, việc chuyển đổi từ sự chú ý và yêu thích của khách hàng sang gia tăng doanh thu, lợi nhuận là một quá trình dài hơi. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải tung ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu, gắn liền với các sự kiện. Đồng thời, theo dõi và đo lường được sự thay đổi về chỉ số như số lượng khách hàng mở tài khoản, gửi tiết kiệm, đăng ký thẻ tín dụng... trước và sau sự kiện.
"Việc xây dựng uy tín và giá trị thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông đại chúng này cũng cần một quá trình dài, thường khoảng 2-3 năm. Trong ngắn hạn, các ngân hàng sẽ chủ yếu được hưởng lợi về mặt nhận diện thương hiệu, danh tiếng và doanh thu của các sản phẩm liên quan", bà Vân nói.