Hành trình vượt khó ở Hải Sơn
Những ngày tháng 2 lịch sử này, dòng người nối nhau đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trong niềm tôn kính và biết ơn sâu sắc các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Một ngày đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, chúng tôi có chuyến công tác về xã biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái, được gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn và đến thăm xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của thành phố Móng Cái.
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI, VƯƠN LÊN

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp đỡ người dân xã Hải Sơn xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Hải Sơn đã nỗ lực vượt khó tạo nên sức sống mới cho vùng cao biên giới, với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư như: hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa.
Từ một xã đặc biệt khó khăn với số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao của tỉnh, đến nay xã Hải Sơn đã vươn mình mạnh mẽ, không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025.
Điều này giúp đồng bào các dân tộc nơi đây từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.
Từ một xã đặc biệt khó khăn với số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao của tỉnh, đến nay xã Hải Sơn đã vươn mình mạnh mẽ, không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025. Người dân yên tâm bám bản, bảo vệ biên giới, với các mô hình kinh tế nông nghiệp, dịch vụ du lịch có hiệu quả, giúp duy trì mức thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm.
Được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, đến nay xóm họ Đặng và thôn Pò Hèn đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Kinh tế đồi rừng gắn với du lịch cộng đồng đã giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Người dân Hải Sơn và các đại biểu trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của xã
Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn Vũ Văn Hoan chia sẻ: “Xã luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt của địa phương. Đáng chú ý, xã tập trung phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nhiệm vụ xây dựng Hải Sơn trở thành trọng điểm du lịch cộng đồngtrải nghiệm của thành phố, với mục tiêu từng bước nâng cao thu nhập người dân...”.
Cảnh đẹp tự nhiên, có đường biên giới, lối mở, cặp chợ Pò Hèn-Thán Sản, Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xóm Họ Đặng, Cột mốc 1347... chính là những điểm đến tiềm năng để thúc đẩy du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng của xã Hải Sơn.
Chị Lỷ Thị Hoa ở thôn Thán Phún, cho biết: “Từ khi được mọi người trong thôn và xã giúp đỡ, hỗ trợ, gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định từ du lịch và phát triển kinh tế. Chúng tôi cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, duy trì đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo”.
LINH THIÊNG PÒ HÈN

Đồn Biên phòng Pò Hèn phối hợp trao quà tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi trên địa bàn xã Hải Sơn.
Lịch sử của dân tộc sẽ mãi mãi không bao giờ quên trên dải biên cương đông bắc của Tổ quốc cách đây đúng 46 năm, sau trận đánh khốc liệt, Đồn biên phòng Pò Hèn cũ bị xóa sổ.
Trên nền doanh trại cũ của Đồn Pò Hèn xưa, một đài tưởng niệm đã được dựng lên giữa miền biên viễn nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Pò Hèn ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, là nơi yên nghỉ của 86 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc trong ngày 17/2/1979.
Tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, Trung tá Bùi Quang Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn xúc động chia sẻ: “Ở dải đất biên cương này đã có những con người đi vào bất tử. Đó chính là câu chuyện mùa xuân năm 1979 ở Pò Hèn, nơi các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn và cán bộ, công nhân nông lâm trường Hải Sơn, nhân viên ngành thương nghiệp đã ngã xuống”.
Một trong những động lực không nhỏ cho sự đổi mới vươn lên của xã vùng cao Hải Sơn phải kể đến công sức của những người lính biên phòng.
Những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Không chỉ chủ động triển khai các biện pháp quản lý đường biên cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, duy trì hiệu quả công tác đối ngoại, các anh còn tích cực hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất kinh tế, xây dựng thành công năm khu vườn kiểu mẫu và duy trì đỡ đầu ba cháu có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể khẳng định, tình đoàn kết quân dân ngày càng được thắt chặt đã tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, là “phên giậu” bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng đông bắc của Tổ quốc.
Đã 46 năm trôi qua, nhưng cứ đến ngày mồng 1 hằng tháng, luôn có rất nhiều cựu chiến binh, thanh, thiếu niên, học sinh và người dân các xã biên giới tìm về đây để tưởng nhớ những người lính mang quân hàm xanh đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.
Nổi bật giữa màu xanh của núi rừng đông bắc, Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn sừng sững, hiên ngang với hình dáng ba bàn tay chụm vào nhau tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, cũng là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc.
Xã Hải Sơn hôm nay bừng sáng, vươn mình đi lên ngày càng tươi đẹp hơn, minh chứng cho sức sống trường tồn của những người dân nơi biên cương của Tổ quốc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-vuot-kho-o-hai-son-post860276.html