Hành trình 'vượt nắng, thắng mưa', 'hồi sinh' vùng đất khó

48 năm khai thác và phát triển vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) là một cuộc hành trình đầy gian lao, vất vả với nhiều thử thách. Thế nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã đoàn kết, ý Đảng, lòng dân quyện chặt, cùng chung một ý chí, quyết tâm 'vượt nắng, thắng mưa', 'chỉ tiến không lùi', chung tay góp sức 'đào kinh dẫn nước, xả lũ, rửa phèn', buộc vùng đất 'bàng, năn chắn lối, cỏ phủ đầu người' phải hồi sinh. Đến hôm nay, kỷ niệm chặng đường 30 năm thành lập (27-8-1994 - 27-8-2024), Tân Phước vững bước đi lên huyện nông thôn mới (NTM)...

Khi có ô đê bao, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật, năng suất và chất lượng của trái khóm cũng tăng lên, dần khẳng định thương hiệu khóm Tân Phước trên thị trường trong khu vực. Ảnh: Tư liệu

Khi có ô đê bao, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật, năng suất và chất lượng của trái khóm cũng tăng lên, dần khẳng định thương hiệu khóm Tân Phước trên thị trường trong khu vực. Ảnh: Tư liệu

ĐÁNH THỨC “CON HỔ NGỦ”

ĐTM là vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” lâu đời, có diện tích 700.000 ha, bao gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, trong đó riêng phần Tiền Giang quản lý được quy hoạch với diện tích tự nhiên 92.500 ha thuộc 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Đây là vùng đất được mệnh danh “con hổ ngủ”, có điều kiện thổ nhưỡng, thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Do đất nhiễm phèn nặng nên năng suất lúa chỉ đạt khoảng 700 kg/ha. Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, chỉ dựa vào khai thác thiên nhiên là chính. Từ thời Pháp thuộc đến chính quyền Sài Gòn, đã có nhiều công trình nghiên cứu và khai thác vùng này nhưng đều thất bại. Ngay cả sau giải phóng, khi đến ĐTM, các chuyên gia nước ngoài cũng từng khẳng định: ĐTM không thể trồng lúa!

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, thấy được tiềm năng của vùng ĐTM, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định khai hoang, quyết tâm xây dựng vùng đất này thành nơi phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, năm 1976, UBND tỉnh Tiền Giang ký ban hành Chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) đến xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Phước) dài gần 20 km, mở màn cho chiến dịch khai phá ĐTM. Tiếp theo đó là thực hiện chủ trương đào tiếp kinh Hai Hạt song song với kinh Trương Văn Sanh, kinh Bắc Đông dài hơn 40 km và 7 tuyến kinh sườn, tổng chiều dài 70 km.

Diện mạo của huyện Tân Phước đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại. Ảnh: Tư liệu

Diện mạo của huyện Tân Phước đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại. Ảnh: Tư liệu

Cùng với đó, tỉnh cho thành lập Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng rồi vận động nhân dân các huyện đến khai hoang, vỡ đất, vùng ĐTM phèn chua bắt đầu chuyển mình. Khi đất có dấu hiệu “hồi sinh” thì người dân đến bám trụ trên vùng đất ĐTM ngày càng đông. Trước thực tế đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ V (năm 1991) xác định vai trò của 5 tiểu vùng kinh tế, trong đó có tiểu vùng kinh tế khai hoang ĐTM. Chính tiểu vùng kinh tế khai hoang ĐTM có vị trí đặc biệt quan trọng trong kinh tế nông nghiệp dẫn đến phải thành lập huyện Tân Phước để có sự chỉ đạo một cách cụ thể hơn, phân bố lại dân cư toàn tỉnh và khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn của vùng ĐTM.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, được sự khuyến khích của chính quyền, đã có nhiều hộ dân đến định cư, khai hoang, không khí sản xuất diễn ra sôi nổi, số hộ đến định cư ngày càng đông. Từ đó, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng càng trở nên cấp bách, phải tiến hành khẩn trương vừa để phục vụ nhân dân, vừa xây dựng cơ sở vật chất, từng bước hình thành đơn vị hành chính cấp huyện. Trên tinh thần đó, Tiền Giang đề nghị và đã được Chính phủ cho thành lập huyện mới Tân Phước. Ngày 27-8-1994 là mốc “lịch sử” đánh dấu bước ngoặt quan trọng: Tỉnh tổ chức Lễ công bố Nghị định 68/NĐ-CP ngày 11-7-1994 của Chính phủ về thành lập huyện Tân Phước, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới về kinh tế - xã hội cho vùng đất khó nhưng giàu tiềm năng này.

HÌNH THÀNH VÙNG SẢN XUẤT CHUYÊN CANH VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Khi hệ thống kinh nội đồng được xây dựng hoàn thiện, nước ngọt luồn sâu vào vùng “rốn lũ, rốn phèn”, từ đó độ phèn giảm dần, cây lúa và cây khóm đã lấn dần vào các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phước. Cùng lúc đó, cây khoai mỡ cũng được khuyến khích bà con trồng, vì đây là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất nhiễm phèn nặng. Ngành Nông nghiệp đã nỗ lực tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo… để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; từ đó năng suất, chất lượng của hạt lúa, củ khoai, quả khóm dần được nâng lên.

Năng suất và chất lượng của trái khóm cũng tăng lên, dần khẳng định thương hiệu khóm Tân Phước. Ảnh Tư liệu

Năng suất và chất lượng của trái khóm cũng tăng lên, dần khẳng định thương hiệu khóm Tân Phước. Ảnh Tư liệu

Để ngăn lũ, bảo vệ cây khóm, huyện bắt tay vào thực hiện chủ trương xây dựng ô đê bao. Đến năm 2014, hệ thống ô đê bao chống lũ cơ bản hoàn thiện, với 134 ô, tổng chiều dài hàng trăm km, bảo vệ an toàn cho 14.718/18.991 ha khóm của toàn huyện. Khi có ô đê bao, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật, năng suất và chất lượng của trái khóm cũng tăng lên, dần khẳng định thương hiệu khóm Tân Phước trên thị trường trong khu vực. Công tác triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp của huyện khi mới thành lập gần như không có gì. Song, phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, sự hỗ trợ của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của huyện trong thu hút đầu tư, công nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Khu công nghiệp Long Giang được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD, đến nay đã lấp kín 85% diện tích, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Hiện nay, huyện đã lập quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2 được phê duyệt để mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp. Huyện cũng đã tranh thủ, phối hợp ngành chức năng tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm như: Khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước, Cụm công nghiệp Thạnh Tân, các khu vực quy hoạch chăn nuôi tập trung. Phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục mời gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2; tiếp tục xúc tiến, mời gọi đầu tư dự án thứ cấp Khu công nghiệp Long Giang.

Khi hệ thống kinh nội đồng được xây dựng hoàn thiện, nước ngọt luồn sâu vào vùng “rốn lũ, rốn phèn”, từ đó độ phèn giảm dần, cây lúa từ 1 vụ tăng lên 2 rồi 3 vụ/năm, năng suất, chất lượng không ngừng tăng lên.

Khi hệ thống kinh nội đồng được xây dựng hoàn thiện, nước ngọt luồn sâu vào vùng “rốn lũ, rốn phèn”, từ đó độ phèn giảm dần, cây lúa từ 1 vụ tăng lên 2 rồi 3 vụ/năm, năng suất, chất lượng không ngừng tăng lên.

Doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, riêng trong năm 2023 thành lập mới 37 doanh nghiệp, nâng toàn huyện hiện có 321 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 54 doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp Long Giang. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hàng năm, tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt khoảng 26.780 tỷ đồng, tăng bình quân 8,68%/năm. Nếu như năm 1995, huyện chỉ thu ngân sách khoảng hơn 3 tỷ đồng, thì đến năm 2018 đạt trên 70 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần năm 1995; còn năm 2023 thu ngân sách đạt 136,112 tỷ đồng, gấp 44,8 lần so với năm 1995.

“RỐN LŨ, RỐN PHÈN” CHUYỂN MÌNH ĐI LÊN HUYỆN NTM

Từ một huyện mới thành lập, giai đoạn đầu, hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, hệ thống giao thông của huyện đã cơ bản hoàn chỉnh, tạo động lực cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Hiện nay, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2025, tập trung lãnh đạo công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt; đánh giá thực trạng, dự báo khả năng phát triển và lập mới các quy hoạch, kế hoạch phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh; phân kỳ nhu cầu đầu tư các hạng mục, công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo thứ tự ưu tiên.

Khu công nghiệp Long Giang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ảnh: Ngô Tông

Khu công nghiệp Long Giang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ảnh: Ngô Tông

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, sau thời gian tập trung triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, hiện toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, 3/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Mỹ Phước đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao.

Khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, diện mạo của huyện Tân Phước đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thay da đổi thịt, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được tăng lên, đến cuối năm 2023 đạt khoảng 63,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,59%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện sinh hoạt và nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%.

Khu công nghiệp Long Giang được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD, đến nay đã lấp kín 85% diện tích. Ảnh Tư liệu

Khu công nghiệp Long Giang được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD, đến nay đã lấp kín 85% diện tích. Ảnh Tư liệu

Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư, xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 29 trường, trong đó có 23 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục củng cố, 100% trạm y tế có bác sĩ, 100% ấp, khu phố có tổ y tế hoạt động thường xuyên, 12/12 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Qua đó, tỷ lệ người dân hài lòng khi huyện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt 99,97%.

***

Từ thành quả trên, có thể đúc kết: Khai hoang ĐTM nói chung và vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước nói riêng là chủ trương đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang, mang lại hiệu quả to lớn, biến vùng đất hoang hóa ngàn đời nay thành cơ hội làm giàu và đổi đời cho người dân.

Vài thập kỷ là một chặng đường không dài so với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất hoang vu ĐTM, nhưng đó là khoảng thời gian hào hùng và sôi nổi từ tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang và huyện Tân Phước để có được ngày hôm nay. Phát huy những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Phước sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới.

HUY LÊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/ky-niem-30-nam-thanh-lap-huyen-tan-phuoc-27-8-1994-27-8-2024-hanh-trinh-vuot-nang-thang-mua-hoi-sinh-vung-dat-kho-1019436/