Hành trình xanh từ sản xuất đến tiêu dùng

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang là xu thế tất yếu trong quá trinh hướng tới sự phát triển bền vững. Nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường luôn tăng cao, tuy nhiên, hành trình từ sản xuất đếu tiêu dùng xanh cần giải quyết được bài toán cốt lõi là công nghệ.

Việt Nam với nhiều nỗ lực xanh hóa

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, nơi giá trị kinh tế không thể tách rời giá trị môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức, mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia.

“Chúng ta đều biết rằng mỗi hành vi tiêu dùng dù nhỏ đều để lại dấu vết. Dấu vết đó có thể là khí nhà kính, rác thải nhựa, lãng phí thực phẩm, hay suy giảm tài nguyên. Nhưng cũng có thể nếu chúng ta hành động đúng là dấu vết của sự thay đổi tích cực; Là những sản phẩm có vòng đời dài hơn, ít rác thải hơn, công bằng hơn, và mang theo trách nhiệm với cộng đồng” - ông Đỗ Tiến Sỹ nói.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, thông qua: Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021 về Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050; Mới đây là Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – tạo nền tảng cho một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, sáng tạo và có trách nhiệm.

“Để các chiến lược này đi vào cuộc sống, chúng ta cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nói cách khác, chuyển “tiêu dùng xanh” từ lý tưởng thành lối sống phổ biến, từ khẩu hiệu thành hành vi hằng ngày” - ông Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc "xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời đạt tốc độ phát triển vượt bậc.

Sản phẩm xanh ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Sản phẩm xanh ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Công nghệ xanh tạo thế mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp

Sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều đơn vị còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, công nghệ tiên tiến không chỉ là “chiếc gậy phép” hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Sự minh bạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng là lợi thế để doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng.

“Việc thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng bền vững, việc hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý và chế tài để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định là yếu tố then chốt và không thể thiếu, đảm bảo một thị trường công bằng, minh bạch và phát triển bền vững mà doanh nghiệp phải chú trọng” - ông Trịnh Anh Tuấn nêu ý kiến.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đánh giá cao quá trình hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững, nêu lên nét tương đồng giữa Việt Nam và Na Uy khi cả 2 có nền kinh tế mở, phụ thuộc vào thương mại và có mối liên hệ sâu sắc với đại dương.

“Giống như Việt Nam, Na Uy là nước xuất khẩu hải sản lớn. Chúng tôi luôn ưu tiên tính bền vững trong các thực hành nuôi trồng thủy sản thông qua các quy định của chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân. Các công nghệ nuôi trồng như lồng nuôi ngoài khơi, lồng nuôi tự động khép kín và các công cụ giám sát với sự hỗ trợ của AI giúp giảm thiểu chất thải, ngăn ngừa bệnh tật và bảo vệ hệ sinh thái biển. Ví dụ, việc phát triển vaccine cho cá đã giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh xuống gần bằng 0” - bà Hilde Solbakken nêu ví dụ.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cũng chia sẻ, tiêu dùng và sản xuất bền vững - không chỉ là một chính sách đơn thuần, đó còn là sự chuyển đổi của toàn hệ thống. Nó đòi hỏi tầm nhìn, ý chí chính trị và hợp tác quốc tế. Công nghệ xanh cũng là cốt lõi đem lại nhiều giải pháp về môi trường.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến Kỷ nguyên xanh" do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức.

Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững năm 2025” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/hanh-trinh-xanh-tu-san-xuat-den-tieu-dung-post1211913.vov