Hành trình xây nhà vệ sinh tặng thầy cô và các em nhỏ tại điểm trường miền núi Na Khê dịp 1/6

Lựa chọn lên vùng cao, gắn bó với vùng cao… là quyết định không dễ dàng đối với những cô giáo đang cõng từng con chữ lên bản nghèo ở tỉnh Hà Giang. Dù cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề nhưng động lực giúp các cô vững bước đó là tình yêu thương con trẻ.

Xúc động hành trình xây nhà vệ sinh tặng cô trò điểm trường miền núi Na Khê, Hà Giang dịp 1/6

Trước dịp 1/6 (Quốc tế Thiếu nhi) nhóm thiện nguyện VAECO HAN đã xây 2 “nhà vệ sinh” đúng nghĩa dành tặng thầy cô và các em nhỏ tại điểm trường miền núi Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Điểm đến mà nhóm thiện nguyện VAECO HAN chọn làm nơi dừng chân để thực hiện chương trình “Nhà vệ sinh cho em” là trường mầm non xã Na Khê. Trong đó, tập trung xây nhà vệ sinh cho 2 điểm trường Bản Na Pô và Bản Rào xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Hầu hết học sinh ở đây là người dân tộc Dao, hành trang đến trường của các em không phải cặp sách, bút vở mà chính là cơm, muối ớt và măng rừng. Do lớp học không có bán trú hay cơm trưa nên hầu hết các bạn nhỏ đều đi bộ về nhà hoặc ở lại trường đến tối.

Xây ước mơ bằng những hành động thiết thực cho trẻ em nghèo Hà Giang trước dịp 1/6

Xây ước mơ bằng những hành động thiết thực cho trẻ em nghèo Hà Giang trước dịp 1/6

Một điều đặc biệt tại Hà Giang, hầu hết các trường học/ điểm trường đều được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất còn khá mới vì được nhà nước đầu tư 100%. Thế nhưng có một thực tế trớ trêu, con đường vào điểm trường chưa được rải nhựa bê tông, chỉ có đường mòn bằng đất được san lấp dang dở. Thêm nữa tình trạng thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt vẫn là vấn đề nhức nhối vì quanh các bản này đang phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên là suối.

Từ đường lớn muốn vào tới điểm trường phải mất ít nhất 45 phút đi xe máy nếu gặp thời tiết thuận lợi, trời nắng, đường khô.

Còn khi mưa xuống, nước về, toàn bộ quãng đường vào điểm trường đều trơn trượt, rất nguy hiểm. Đất dính quanh bánh xe không tài nào nhấc nổi. Có người còn để xe giữa đường cùng con đi bộ vào hoặc để con tự đi cùng bạn vào lớp.

Các cô ngoài việc dạy học và cập nhật chương trình theo giáo án điện tử còn vừa là người phiên dịch bản địa, vừa là mẹ, là cha của những đứa trẻ vùng cao.

Tuổi trẻ có nhiều lựa chọn, nhưng lựa chọn lên vùng cao, gắn bó với vùng cao thì không phải ai cũng đủ can đảm và dũng khí quyết định.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai… và dù núi cao, vực sâu đến mấy nhưng ở đâu có sự hy sinh, san sẻ thì ở đó có hy vọng thoát nghèo.

Những đôi chân bé nhỏ vẫn tiếp tục đi tìm con chữ và khao khát thoát nghèo… Hi vọng một ngày không xa bằng những đóng góp tích cực từ cộng đồng các em sẽ vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng những dãy núi trập trùng… Mặc dù không thể chọn được nơi sinh ra, nhưng các em có quyền chọn cách mình sẽ sống.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-xay-nha-ve-sinh-tang-thay-co-va-cac-em-nho-tai-diem-truong-mien-nui-na-khe-dip-1-6-169230531162530639.htm