Hành trình 'xóa trắng' đảng viên ở 26 bản người Mông
Từ chỗ 26 bản người Mông ở Mường Lát (Thanh Hóa) không có đảng viên, sau 15 năm kiên trì, toàn bộ các bản đã có tổ chức đảng và đảng viên, tạo nên những đổi thay sâu sắc trong đời sống và nhận thức của người dân.
Từ kết luận, đến ‘xóa trắng’ đảng viên
Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, khu vực miền núi của tỉnh có 11 huyện, diện tích gần 8.000km2, dân số hơn 1 triệu người, trong đó có khoảng 700 nghìn người dân tộc thiểu số.
Trước những năm 2010, cuộc sống của người dân ở các huyện miền núi rất khó khăn. Đặc biệt là ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông di cư tự do, chưa thông thạo tiếng Việt, trình độ dân trí thấp và vẫn còn một số hủ tục.

Một góc thị trấn ở huyện Mường Lát. Ảnh: Lê Dương
Thời điểm đó, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 thôn, bản chưa có đảng viên và 8 thôn, bản chỉ có 1-2 đảng viên chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Đặc biệt, huyện có 26 bản (người Mông) di cư từ các tỉnh phía Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… vào từ những năm 1989 đến năm 1997, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tam Chung, Trung Lý, Mường Lý.
Ngày 20/4/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 50-KL/TU về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa”.
Sau 15 năm (2010-2025) nỗ lực, Thanh Hóa đã xóa "vùng trắng" đảng viên và tình trạng ghép chi bộ, tạo bước chuyển biến trong tư duy, xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông ở Mường Lát.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương
Tiêu chí xét đảng viên theo Kết luận số 50 có nhiều điều kiện, tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên, xét về tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất giảm đi một số thủ tục, tiêu chí nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác đảng viên.
Cụ thể, về trình độ văn hóa, để có thể kết nạp đảng viên ở mức biết đọc, biết viết thành thạo (trình độ văn hóa càng cao càng tốt). Quần chúng công tác, sinh sống ở Mường Lát trên 10 năm thì được thẩm tra trực tiếp tại nơi sinh sống, lao động.
Cũng theo ông Hùng, thời gian đầu, công tác kết nạp đảng viên mới ở vùng đồng bào Mông còn gặp khó khăn do nhiều quần chúng di cư vào Thanh Hóa không báo cáo chính quyền địa phương. Việc xác minh quê quán của người xin vào Đảng, công tác thẩm tra hồ sơ gặp nhiều trở ngại, phải về tận bản, làng, thôn, xóm tại các tỉnh phía Bắc. Nhiều trường hợp còn không tìm được đến quê của quần chúng… Kết luận 50 đã hỗ trợ kinh phí cho các chi bộ, đảng bộ trong việc cử cán bộ, đảng viên viên đi thẩm tra lý lịch quần chúng ưu tú xin vào Đảng.

Cuộc sống người ở các huyện miền núi ngày càng phát triển. Ảnh: Lê Dương
Bài toán phát triển đảng viên trẻ
Ngoài kết quả đạt được, Kết luận 50-KL/TU còn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Công tác xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng chi bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng đối với các hoạt động của địa phương ở một số chi bộ còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác quản lý đảng viên ở một số chi bộ hiệu quả chưa thực sự cao...
Theo ông Hùng, để làm tốt công tác phát triển đảng viên, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh cần bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành.

Học sinh ở các trường nội trú tham gia trồng rau cải thiện bữa ăn. Ảnh: Lê Dương
Phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò cấp ủy, người đứng đầu các chi bộ, đảng bộ. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, gắn bó với nhân dân giúp người dân thấy được vai trò thực sự của đảng viên và của tổ chức đảng trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải làm tốt công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, giải quyết việc làm tại chỗ cho lực lượng thanh niên trong độ tuổi, giúp họ có điều kiện tham gia công tác và lao động sản xuất ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Hiện nay, Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có dân số hơn 40 nghìn người, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 43%. Tập quán của người Mông là sống trên núi cao, dựa vào thiên nhiên, khi rừng hết thú săn, đất trên nương đã bạc thì họ chọn di cư.

Các bản làng ở huyện Mường Lát giờ đã phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Lê Dương
Để giữ chân được người Mông ở lại với bản làng, thay đổi được các tập tục và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch… để Mường Lát vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Gần đây nhất, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.
“Các quần chúng ưu tú sau khi được kết nạp Đảng, bằng nỗ lực phấn đấu của cá nhân, sự quan tâm của các cấp ủy và hệ thống chính trị từ cơ sở đến tỉnh, đều có cơ hội phát triển ở các vị trí công tác trong hệ thống chính trị của tỉnh”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết.