Sacombank (STB) bổ sung tờ trình, xin chia cổ tức sau 10 năm và mua lại công ty chứng khoán

Sacombank (mã STB – sàn HOSE) vừa công bố bổ sung hai tờ trình quan trọng vào tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 25/04 tới đây. Đáng chú ý là tờ trình về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 10 năm chờ đợi của cổ đông và tờ trình xin chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán.

Theo tài liệu bổ sung, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank dự trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Ngân hàng.

Động thái này được Sacombank lý giải là nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời đáp ứng lợi ích của cổ đông sau một thời gian dài không nhận cổ tức. Nguồn vốn thực hiện kế hoạch này sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.

Theo tờ trình, sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết này sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai.

Trước đó, trong tài liệu họp ban đầu, Sacombank vẫn để ngỏ kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024. Kết quả kinh doanh năm 2024 của Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, lợi nhuận còn lại của Sacombank là hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại từ các năm trước, tổng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của Sacombank tính đến cuối năm 2024 là hơn 25.352 tỷ đồng. Đây là nguồn dồi dào đủ để Ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Nếu kế hoạch chia cổ tức được ĐHĐCĐ thông qua và NHNN chấp thuận, đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên cổ đông Sacombank nhận được cổ tức sau tròn một thập kỷ. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là vào tháng 10/2015. Tại các kỳ ĐHĐCĐ trước, lãnh đạo Sacombank luôn khẳng định mong muốn được chia sẻ lợi ích với cổ đông nhưng do Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt nên việc phân phối lợi nhuận phải chờ sự chấp thuận của NHNN. Việc trình kế hoạch chia cổ tức lần này cho thấy tiến trình tái cơ cấu của Sacombank đang có những bước tiến đáng kể, tạo điều kiện để Ngân hàng thực hiện quyền lợi cho cổ đông.

Bên cạnh tờ trình về cổ tức, Sacombank còn bổ sung tờ trình xin chủ trương về việc góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán. Sacombank đánh giá hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking) đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho các ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai hiệu quả mảng này thông qua việc sở hữu công ty chứng khoán nhằm cung cấp sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng.

Với mong muốn gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh, Sacombank trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần một công ty chứng khoán để trở thành công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ/cổ phần. Tổng giá trị đầu tư tối đa cho thương vụ này dự kiến là 1.500 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Sacombank dự trình ĐHĐCĐ mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả năm 2024. Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng tài sản của Ngân hàng sẽ đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10%. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2024.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động của Sacombank là công tác xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong năm 2024, Ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu là 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án đã giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Đáng chú ý, đối với khoản nợ tại Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ này trong năm 2023 với giá bán 7.934 tỷ đồng, cao hơn nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Ngân hàng đã thực thu 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024 Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng và sử dụng 2.061 tỷ đồng để xử lý rủi ro (bao gồm xử lý rủi ro tín dụng và xử lý trái phiếu VAMC). Sacombank đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động trong tương lai.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/sacombank-stb-bo-sung-to-trinh-xin-chia-co-tuc-sau-10-nam-va-mua-lai-cong-ty-chung-khoan-82430.html