Hành trình 'xuất khẩu' tri thức của tác giả 8X
Võ Minh Quân được nhiều người biết tới với cuốn sách tiếng Việt mang tên 'Digital Marketing cho Nhà quản lý' bán được 5.000 bản sau hơn 1 năm ra mắt.
Tháng 3/2024, anh Võ Minh Quân (37 tuổi) ra mắt “Profit-Driven Digital Marketing” - phiên bản tiếng Anh cuốn sách “Digital Marketing cho Nhà quản lý” của bản thân trước đó. Đặc biệt, sau một tháng xuất bản, sách đạt danh hiệu Top New Releases rồi sau đó đạt Top 1 Best Seller trong lĩnh vực Global Marketing (Tiếp thị toàn cầu) trên Amazon.
Độc giả đón nhận
Năm 2022, Võ Minh Quân được nhiều người biết tới với bút danh Quân Võ đã ra mắt cuốn sách tiếng Việt mang tên “Digital Marketing cho Nhà quản lý” và bán được 5.000 bản sau hơn 1 năm ra mắt. Cuốn sách này có mặt trên các kênh thương mại điện tử, hệ thống nhà sách lớn tại Việt Nam và vào vòng đề cử của bình chọn “5 quyển sách doanh nhân Việt được yêu thích” và “10 quyển sách kinh doanh đáng đọc năm 2023” do tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức. Sách cũng có mặt tại thư viện của 20 trường đại học tại Việt Nam.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm và bán sách ở Việt Nam cũng như thế giới, tác giả Quân Võ cho biết: “Tôi kỳ vọng giúp những bạn có tham vọng giống mình đưa được sách Việt ra thế giới không phải mò mẫm như tôi cách đây nửa năm. Đó không phải việc dễ dàng, nhưng hoàn toàn không phải chuyện không thể”.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 3/2024, tác giả cho ra mắt sách có tên “Profit-Driven Digital Marketing”, là phiên bản tiếng Anh của quyển sách “Digital Marketing cho Nhà quản lý”. Sách có ba phiên bản sách ebook, bìa mềm và bìa cứng.
Phiên bản sách nói tiếng Anh ra mắt cuối tháng 6 và đang có mặt trên nhiều nền tảng toàn cầu khác nhau như Google Play, Barnes&Noble, Libro.fm, Kobo, Audiobooks.com.
“Profit-Driven Digital Marketing” của tác giả Quân Võ là sách phi hư cấu, có đối tượng độc giả khá cụ thể. Sau một tháng xuất bản, cuốn sách đã đạt danh hiệu Top New Releases rồi sau đó đạt Top 1 Best Seller trong lĩnh vực Global Marketing (Tiếp thị toàn cầu) trên Amazon.
Với phiên bản quốc tế giống khoảng 90 - 95% so với bản tiếng Việt, sách đã tiếp cận độc giả trên toàn thế giới, cụ thể như thị trường Mỹ, Anh, Ireland, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Canada… Phiên bản toàn cầu này cũng chính thức được đưa vào thư viện 12 trường đại học tại Ireland. Sách đã phân phối khắp nơi qua nền tảng Amazon.
“Việc xuất bản sách tiếng Anh vốn nằm trong dự định ngay từ ban đầu của tôi. Từ khi quyết định làm sách, tôi đã có định hướng không chỉ dừng lại ở phiên bản tiếng Việt, mà đưa cuốn sách đến độc giả quốc tế. Tất nhiên việc đưa sách thành phiên bản toàn cầu không dễ dàng. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nền tảng cho tác giả trong việc quảng bá, tôi phải vượt qua nhiều thử thách để quốc tế hóa sách tiếng Việt sao cho phù hợp thị hiếu độc giả nước ngoài và giúp sách không bị lạc hậu, lỗi thời”, tác giả Quân Võ chia sẻ.
Với Quân Võ, viết sách không chỉ đơn giản nêu những gì mình biết, mà cần nghĩ về sản phẩm một cách nghiêm túc, từ cách đặt tên, thiết kế bìa sách, viết mô tả, định giá bán… Tất cả những điều trên cần sự đầu tư về thời gian và nhân sự chuyên môn cao. Về nội dung, anh cho rằng cần hay, gần gũi là điều quan trọng nhất. Người đọc sách phải tìm thấy giá trị cho mình, đọc vào dễ liên tưởng tới những tình huống họ đã trải qua, có thể áp dụng trong cuộc sống.
“Tôi chưa có một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ ở thị trường toàn cầu nên để đưa sách ra sân chơi nước ngoài phải chuẩn bị kỹ càng, xem nó như sản phẩm nghiêm túc, có sự nghiên cứu thị trường và xác định đối tượng độc giả nước ngoài rõ ràng mới mong được đón nhận. Bởi trên kênh thương mại điện tử như Amazon, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Người mua sách - một phần phải dựa trên thương hiệu cá nhân tác giả, người đó nổi tiếng hay không, có uy tín để mình tin tưởng hay không. Trong khi thị trường nước ngoài cực kỳ lớn, đa dạng, vô vàn chuyên gia ở các lĩnh vực. Sự cạnh tranh của một tác giả mới như tôi càng phức tạp hơn”, tác giả Quân Võ bộc bạch.
Sử dụng hiệu quả nền tảng tự xuất bản
Tại Việt Nam, Quân Võ làm việc cùng đội ngũ công ty sách Giver Books. Như các đơn vị xuất bản khác, Giver Books hỗ trợ tác giả biên tập nội dung, thiết kế bìa, xin giấy phép xuất bản, in ấn, phát hành, quảng bá cuốn sách. Nhưng để xuất bản cuốn sách tiếng Anh, thay vì tìm một đơn vị phát hành hỗ trợ “trọn gói” như trên tại nước ngoài cũng không dễ dàng gì, anh Quân chọn cách xây dựng đội ngũ riêng giúp mình làm bìa, thiết kế, biên tập để đảm bảo cuốn sách phù hợp thị trường quốc tế.
Cùng đó, anh mày mò tìm hiểu nền tảng Kindle Direct Publishing (KDP) hỗ trợ tác giả tự xuất bản của Amazon. Nền tảng này ra đời từ năm 2007 và đến nay có nhiều tác giả trên khắp thế giới sử dụng, nhưng còn tương đối xa lạ với tác giả Việt. Trên website của KDP có những hướng dẫn chi tiết cho tác giả: Cách tạo tài khoản; thông tin về thuế; format cuốn sách theo các định dạng khác nhau như bìa mềm, bìa cứng, sách điện tử và bản đọc thử sách theo yêu cầu của Amazon; thông tin về nhuận bút, đánh giá của khách hàng. Thậm chí, KDP còn có bộ công cụ hướng dẫn tác giả quảng bá cuốn sách, mở rộng hệ thống phân phối...
“Mức nhuận bút của tác giả tùy thuộc vào hình thức cuốn sách bán được là bìa mềm, bìa cứng hay sách điện tử, dao động từ 35% đến 70% giá niêm yết. Nhuận bút Amazon chi trả cho người dùng được tính bằng cách lấy tổng doanh thu bán sách trừ đi chi phí in ấn (với trường hợp sách in) và thuế tùy theo quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nếu muốn Amazon hỗ trợ phân phối đến các nhà bán lẻ, tác giả cũng có thể trả thêm một khoản phí. Lợi nhuận mà tác giả nhận được cho mỗi cuốn sách không cao, nhưng bù lại chỉ cần làm các bước đưa file sách, file thiết kế bìa lên nền tảng thì Amazon sẽ đảm trách phần còn lại”, tác giả Quân Võ nói.
Theo đó, tự xuất bản trên Amazon cho phép cách thức phân phối sách print-on-demand (in theo lượng đặt mua). Chỉ cần có người đặt mua cuốn sách bản in, dù chỉ là một cuốn, Amazon sẽ cho in theo số lượng file được tác giả gửi lên hệ thống và giao hàng tận nơi. Cách làm này giúp tác giả chủ động được lượng sách in ra phù hợp với nhu cầu người mua, từ đó tiết kiệm chi phí in ấn.
Ngoài ra, Amazon cũng có nhà máy in tại một số nước, mạng lưới xưởng in ấn nếu mở rộng có thể thay đổi sâu sắc ngành xuất bản khi những cuốn sách không cần được vận chuyển một cách “vật lý” qua các biên giới quốc gia nữa. Theo tác giả Quân Võ, Kindle Direct Publishing đang xóa nhòa những rào cản xưa nay trong thủ tục xuất bản sách, trải rộng đường đưa sách đến gần độc giả.
Tác giả Quân Võ cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và phân tích, lựa chọn từ khóa để cho người mua dễ tiếp cận, tìm kiếm trên thanh công cụ. Việc chọn ngách sách để phân loại rất quan trọng, chẳng hạn như ngách về Global Marketing trên Amazon.
Ngoài ra, yếu tố thiết kế bìa sách, chọn hình thức trình bày phù hợp, dựa trên những tìm hiểu về sách nước ngoài trong cùng lĩnh vực, để đóng gói thành một sản phẩm quốc tế rất cần thiết. Anh đồng thời cân nhắc yếu tố giá bán, điều chỉnh theo từng thời điểm thích hợp để giúp sách bán chạy thuộc “best seller”, top 1 khi cạnh tranh cùng với tựa sách khác.
Chung tay đưa sách Việt ra thế giới
Quân Võ từng là sinh viên chương trình tiên tiến ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) liên kết với Đại học Portland State University của Mỹ. Anh khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực và hiện là giám đốc điều hành một công ty về tiếp thị kỹ thuật số tại TPHCM và giảng viên thỉnh giảng môn Khởi nghiệp của chương trình tiên tiến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Quân Võ chia sẻ, bản thân học không đều các môn ở phổ thông. Môn Ngữ văn học “bình thường”, môn Hóa thì học dở hơn vì không giỏi nhớ các công thức. Tuy nhiên, từ thời là học sinh chuyên Vật lý tới bây giờ, anh luôn giữ cho mình sự tò mò với lĩnh vực khoa học xã hội.
“Càng lớn tôi càng có cảm giác thích đọc, tìm hiểu các vấn đề như xã hội học, văn học, nghệ thuật, đơn giản vì thấy thú vị. Khi lớn lên, sự tò mò trong tôi càng lớn, tôi đọc sách nhiều chủ đề, cả tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này áp dụng rất nhiều trong công việc hiện tại và cả những thôi thúc của tôi - viết được cuốn sách mà nhiều người yêu thích”, tác giả Quân Võ kể.
Được biết, một trong những động lực thôi thúc tác giả viết sách là để sau này con mình có thể tìm thấy thành tích của cha trên mạng. Theo anh, sự nỗ lực của bản thân như một cách khai phá các giới hạn, mở đường cho con. Tức là những gì anh làm được đâu đó sẽ làm tấm gương cho con mình noi theo. Bởi anh đã học được rất nhiều điều từ người cha đáng kính.
“Giống như chuyện bán sách từ Việt Nam ra thế giới, trước đây chắc không nhiều người nghĩ sẽ làm được. Và tôi cố gắng để làm được. Tôi muốn con tôi hiểu rằng khi mình thích làm một điều gì đó, dù khó khăn, nhiều người có thể nói này nọ, nhưng cố gắng thì sẽ làm được. Tôi hy vọng những gì mình đang làm, bao gồm việc viết, bán sách trên Amazon, “xuất khẩu” tri thức từ Việt Nam ra toàn cầu, sẽ giúp con tôi có thêm niềm tin, động lực để sống đúng với tiềm năng, sở thích; giúp con không bị giới hạn bởi bất kỳ định kiến, rào cản mà xã hội đặt ra…”, anh nói.
Quân Võ nói mình bắt đầu từ con số 0, phải mày mò cách làm từ những khâu nhỏ nhất. Vừa làm, anh vừa mò mẫm để chinh phục các cột mốc khác nhau, vô vàn những khó khăn trong hành trình “xuất khẩu” tri thức. “Mong muốn của tôi là có thể góp phần tạo ra một làn sóng những tác giả Việt Nam mạnh dạn “đóng gói” và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho độc giả toàn cầu, góp phần hun đúc sự tự tin và tự hào trí tuệ Việt…”, tác giả bộc bạch.
Quân Võ đã triển khai Dự án “Góc sách Việt” vào tháng 9/2023, để quyên góp và tặng hơn 1.000 quyển sách thuộc 12 đầu sách của tác giả Việt cho thư viện 20 trường đại học. Dự án được hình thành với mục tiêu tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận gần hơn nữa với những kiến thức, kinh nghiệm, lời khuyên hữu ích từ “người thật việc thật” - những chuyên gia có nhiều năm trong nghề và uy tín trong lĩnh vực của họ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-xuat-khau-tri-thuc-cua-tac-gia-8x-post692565.html