Hành trình ý nghĩa, nét đẹp văn hóa cộng đồng
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân với tựa đề 'Tết trồng cây'. Trong bài viết, Người đã phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và người dân. Cuối năm Kỷ Hợi 1959, Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là 'Tết trồng cây'. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, kể từ đó đến nay, 'Tết trồng cây' đã thật sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, khởi đầu cho mỗi mùa Xuân đất nước...
“Vì một Việt Nam xanh”
Phát huy truyền thống dân tộc, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, đề ra mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên toàn quốc.
Mục tiêu được đề ra trong bối cảnh, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, kêu gọi tăng cường hành động nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực này. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Trong tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan khí hậu".
Trong đó, khẳng định mạnh mẽ chủ trương và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác... Thủ tướng đề nghị chính thức chọn thông điệp cho chương trình trồng 1 tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.Ngày 20-2, tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng đã dự Lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu năm 2021, hưởng ứng Chương trình cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hưởng ứng “Tết trồng cây” là chương trình vô cùng có ý nghĩa như Bác Hồ của chúng ta đã từng chỉ rõ: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Tham gia “Tết trồng cây”, Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo địa phương và nhân dân tổ chức tốt phong trào với những giải pháp cụ thể.
Hướng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, ngay trong tháng 2, hàng loạt cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước đã phát động “Tết trồng cây” đời đời nhớ ơn Bác Hồ; hưởng ứng mạnh mẽ sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình và hành động từ cộng đồng
Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước triển khai thực hiện Đề án trồng ít nhất 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong đó có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Cùng với các chương trình hành động của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong các nỗ lực bảo tồn và nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng. Mục tiêu này, hướng mạnh vào thực hiện xã hội hóa trồng rừng, trồng cây xanh phân tán.
Đơn cử như tỉnh Yên Bái, thực hiện kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2021, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, toàn tỉnh đã trồng được hơn 3.269ha rừng, đạt hơn 21% kế hoạch năm. Hiện nay, Yên Bái có độ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ 4 toàn quốc, phấn đấu đến năm 2025 độ che phủ rừng đạt 65%. Đối với tỉnh Ðiện Biên, trong 2 năm qua, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh Ðiện Biên đã trồng mới 31.460 cây xanh trên các tuyến phố, đường nhánh, các điểm du lịch, khuôn viên công sở, trường học…
Còn đối với tỉnh Thái Nguyên, nhằm phát triển lâm nghiệp trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết, tỉnh đã phát triển rừng sản xuất theo hướng trồng cây gỗ lớn, rừng sản xuất tập trung gắn với phát triển các cơ sở chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, tỉnh đã xây dựng và triển khai số hóa trong quản lý cây xanh, quản lý và phát triển rừng góp phần nâng cao chất lượng trồng cây, gây rừng và giá trị của rừng trồng vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với bức tranh tích cực trên, ở một số địa phương trong cả nước vẫn còn tình trạng phá rừng, cháy rừng. Để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng này, không chỉ phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng mà cần có sự giám sát, vào cuộc tham gia phát hiện, ngăn chặn của cộng đồng dân cư. Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây cho nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác không đạt kế hoạch.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức "“Tết trồng cây”" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Lễ phát động được tổ chức rầm rộ, nhưng số lượng cây trồng ít, chất lượng không đồng đều. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, cảnh quan và dân cư từng vùng… Để góp phần bảo vệ môi trường, nâng độ che phủ rừng, cùng với chương trình trồng và bảo vệ rừng, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần gương mẫu thực hiện và vận động mỗi người dân, mỗi gia đình trồng ít nhất một cây xanh tạo bóng mát, cây gỗ lớn thiết thực tạo cảnh quan, tạo thành môi trường trong lành tại cộng đồng, nét đẹp văn hóa khu dân cư. Không chỉ trồng cây, việc chăm sóc để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt cũng là vấn đề cần được chú trọng.
Đất nước đang trên hành trình sánh vai với các cường quốc năm châu, không chỉ về kinh tế, về khoa học công nghệ mà còn về môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.