Hành vi nhận hối lộ của nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực và một số cán bộ tại Văn phòng Chính phủ
Quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các chuyến bay tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn trong nước đã tạo thành nhóm lợi ích và đưa ra những yêu cầu khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp đề xuất thực hiện các chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để giải quyết.
Thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ trong việc phê duyệt kế hoạch chuyến bay do Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức đề xuất, Văn phòng chính phủ (VPCP) đã phân công đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực hiện theo quy trình sau: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay gửi hồ sơ đến Vụ Hành chính VPCP. Sau đó, Vụ Hành chính chuyển hồ sơ đến Vụ Quan hệ quốc tế (QHQT) tập hợp, đề xuất. Lãnh đạo Vụ QHQT phân công, giao cho chuyên viên, gồm: Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh và Nguyễn Thị Liễu, Phạm Thị Minh Hoa tập hợp, đề xuất lãnh đạo Vụ QHQT. Một số trường hợp, lãnh đạo Vụ QHQT sẽ xin ý kiến Vụ Khoa giáo văn xã và Vụ Công nghiệp VPCP.
Sau đó, Vụ QHQT báo cáo lãnh đạo VPCP để xét duyệt phương án giải quyết, trình lãnh đạo Chính phủ xin phê duyệt chuyến bay. Khi trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, VPCP sẽ trình hồ sơ, tài liệu thông qua bị can Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực (PTTgTT).
Từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, VPCP đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và giao Vụ QHQT chủ trì tập hợp, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chủ trương tổ chức 162 chuyến bay (27 chuyến bay "giải cứu", 128 chuyến bay "combo", 7 chuyến bay đơn lẻ).
Từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, với vai trò là Trợ lý PTTgTT, bị can Nguyễn Quang Linh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, trình PTTgTT phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức. Biết được vai trò của ông Nguyễn Quang Linh, một số cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề để ông Nguyễn Quang Linh xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền.
Cụ thể, ngày 8/12/2020, Công ty Cổ phần du lịch thương mại Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt) gửi hồ sơ đến VPCP xin tổ chức các chuyến bay "combo" đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương, nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép thực hiện chuyến bay. Vì thế, đầu năm 2021, bị can Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt đã trao đổi với bị can Hoàng Anh Kiếm tìm hiểu, liên hệ với các cơ quan chức năng để xin cấp phép chuyến bay.
Cuối tháng 1/2021, qua giới thiệu của ông Vũ Ngọc Quyền, bị can Hoàng Anh Kiếm liên hệ và gặp bị can Nguyễn Quang Linh tại phòng làm việc của Linh ở VPCP để nhờ giúp đỡ, tác động, cấp phép cho Công ty Lữ Hành Việt được tổ chức chuyến bay. Thời điểm này, do Chính phủ đang thực hiện chính sách giãn, hoãn các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nên ông Linh cho biết, khi nào có các chuyến bay đưa công dân về nước thì sẽ thông báo cho Kiếm biết. Đến giữa tháng 3/2021, khi Chính phủ có chủ trương nối lại các chuyến bay, ông Linh chủ động trao đổi với Kiếm sẽ giải quyết cho Công ty Lữ Hành Việt tổ chức 2 chuyến bay để đánh giá về năng lực của công ty với chi phí 10 nghìn USD/ 1 chuyến bay và hướng dẫn Kiếm chuẩn bị hồ sơ. Sau khi Kiếm nộp hồ sơ, ông Linh chuyển hồ sơ cho bị can Nguyễn Tiến Thân, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt 2 chuyến bay cho Công ty Lữ Hành Việt.
Cuối tháng 3/2021, Kiếm tiếp tục gặp, đặt vấn đề và được ông Linh giúp Công ty Lữ Hành Việt phê duyệt 16 chuyến bay. Quá trình giúp Công ty Lữ Hành Việt, Linh đã nhận hối lộ của bị can Kiếm 4 lần, với tổng số tiền là 180 nghìn USD, tương ứng 10 nghìn USD/ 1 chuyến bay. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT xác định, bị can Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ gần 4,3 tỷ đồng của 2 đại điện doanh nghiệp.
Với vai trò là Vụ trưởng Vụ QHQT, bị can Nguyễn Thanh Hải đã trực tiếp chỉ đạo, phân công cho các Chuyên viên Vụ QHQT tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Vụ duyệt, ký Phiếu trình lãnh đạo VPCP ký, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt khi chưa có ý kiến của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.
Do bị can Nguyễn Tiến Thân là thành viên Tổ phòng, chống dịch COVID-19 thuộc VPCP nên hầu hết hồ sơ các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, bị can Nguyễn Thanh Hải giao cho bị can Nguyễn Tiến Thân là đầu mối chính, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất (Phiếu trình) lãnh đạo các cấp trong việc xét duyệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin chuyển bay đưa công dân về nước (trừ một số trường hợp giao cho bị can Nguyễn Mai Anh và một số chuyên viên khác).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, đại diện một số doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ 2 bị can này và bị can Nguyễn Tiến Thân đã tiếp nhận hồ sơ, báo cáo đề xuất, được bị can Nguyễn Thanh Hải đồng ý duyệt, ký các Phiếu trình trình lãnh đạo VPCP, lãnh đạo Chính phủ cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước khi chưa có ý kiến thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ. Kết quả điều tra xác định, bị can Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Tiến Thân đã nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng của 4 cá nhân. Trong số tiền này, Hải được hưởng lợi hơn 2,3 tỷ; bị can Thân hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.
Với vai trò là Chuyên viên Vụ QHQT thuộc VPCP, trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 5/2021, bị can Nguyễn Mai Anh được lãnh đạo Vụ QHQT phân công tập hợp hồ sơ, tham mưu, đề xuất các chuyến bay đưa công dân về nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, sau khi được một số doanh nghiệp tiếp xúc, bị can Nguyễn Mai Anh đã đề xuất trình bị can Nguyễn Thanh Hải ký phiếu trình lãnh đạo VPCP báo cáo đề xuất lãnh đạo Chính phủ duyệt cấp phép chuyến bay mà không có sự thẩm định của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ và đã 3 lần nhận tiền của bị can Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA để giúp Công ty ATA và Công ty Investco được đồng ý chủ trương thực hiện 12 chuyến bay đưa công dân về nước.
Cụ thể, cuối năm 2020, biết được chủ trương của Chính phủ xét duyệt cho phép các doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, bị can Nguyễn Thị Tường Vy đã nộp hồ sơ tại VPCP xin cấp phép, nhưng không có kết quả trả lời. Khoảng tháng 1/2021, bị can Tường Vy liên hệ, gặp Mai Anh tại trụ sở VPCP đặt vấn đề nhờ giúp đỡ xét duyệt tổ chức thực hiện các chuyến bay với thỏa thuận chi phí sau khi được cấp phép, thực hiện chuyến bay là 500 triệu đồng/1chuyến và được bị can Mai Anh đồng ý, hướng dẫn Tường Vy nộp hồ sơ tại VPCP.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị can Nguyễn Mai Anh đã trực tiếp tập hợp, đề xuất và nhờ bị can Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Quang Linh giúp đề xuất lãnh đạo các cấp duyệt chấp thuận cho Công ty ATA và Công ty Investco được triển khai thực hiện chuyến bay và được bị can Nguyễn Thị Tường Vy đưa 3 lần tiền.
Như vậy, bị can Nguyễn Mai Anh đã có hành vi nhận hối lộ 3 tỷ đồng từ bị can Nguyễn Thị Tường Vy. Sau khi nhận tiền, bị can Mai Anh đã đưa cho bị can Nguyễn Tiến Thân 50 triệu đồng và bị can Nguyễn Quang Linh 100 triệu đồng, còn lại bị can Mai Anh được hưởng lợi 2,85 tỷ đồng.