Hành xử nông nổi

Hai anh em họ, bị cáo Đ.V.T (sinh năm 1994) và Đ.V.Tr. (sinh năm 1996), cùng trú TP. Cam Ranh, bị vướng vòng lao lý là một sự việc đáng tiếc với gia đình họ.

T. và Tr. ở sát nhà nhau, vốn chẳng thù oán gì. Mọi chuyện bắt đầu từ buổi tối vợ chồng T. đi dự sinh nhật bạn và hát karaoke tới tận đêm khuya chưa về. Vì vậy, cha đẻ ở cùng vợ chồng T. gọi điện thoại hỏi lý do chưa về. Trong cuộc điện thoại, ông có tỏ ra bực bội: “Khỏi về luôn đi!”. Bị cáo T. cho biết, bị cha la mắng, T. nghĩ ngay tới Tr. và cho rằng vì Tr. đã “mách lẻo”, xúc xiểm, nên nảy sinh tức tối. T. gọi cho Tr. trách móc và hẹn đến quán karaoke để giải quyết mâu thuẫn. Đoán biết không phải cuộc nói chuyện bình thường, Tr. đến nơi hẹn, nhặt 1 thanh sắt hộp, lao vào định đánh T. nhưng được mọi người can ngăn. Tr. ném thanh sắt và ra về, nhưng vẫn còn tức do bị nghi oan nên quay lại quán để nói chuyện rõ ràng với T. Chưa giải được nỗi ấm ức bị cha mắng, lại thêm Tr. định tấn công, T. càng tức giận, nên đã thủ sẵn dao. Khi đi ra, thấy Tr. đứng trước quán, T. chủ động vẫy tay khiêu khích. Không nhịn được, Tr. nhặt lại thanh sắt, đánh vào đầu T., làm vỡ mũ bảo hiểm nhưng chưa gây thương tích. T. liền xông vào, đâm Tr. 3 nhát, thương tích 42%.

Trước tòa, cả T. và Tr. liên tục bày tỏ sự hối hận. Bị cáo T. nói bây giờ mới thấy mình hành xử quá nông nổi, chỉ dựa vào suy diễn vô căn cứ. Còn bị cáo Tr. cũng thừa nhận, thời điểm T. gọi trách móc, Tr. đang nhậu và đã say, do đó không bình tĩnh được, thay vì gặp T. thanh minh rõ ràng thì lại chủ động tấn công trước, tuy không gây thương tích về thể chất nhưng đã gây tổn thương tinh thần cho T., khiến T. mất bình tĩnh… Riêng cha đẻ của T. chỉ rầu rĩ lặng ngắt, không nói tiếng nào. Ông đã bỏ ra toàn bộ tiền bồi thường theo yêu cầu của Tr. Ở hoàn cảnh của ông, chắc chẳng thoải mái gì để giãi bày khi con đẻ phải lãnh án 8 năm tù về tội giết người, người cháu lãnh án 2 năm tù treo về tội gây rối trật tự công cộng.

Vị luật sư bào chữa nhìn nhận, vụ án xuất phát từ sự hiểu nhầm của T., lại được tiếp nối bằng cách xử lý sai của cả hai, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Nếu T. kiềm chế được, ra về sau khi cha gọi, có lẽ giờ đây hai anh em vẫn qua lại với nhau. Nhưng T. lại suy diễn, điện thoại kình cãi, rồi hẹn gặp. Nếu Tr. bình tĩnh gặp T. và giải thích, có lẽ không khiến T. nóng giận thủ theo con dao. Nhưng cho dù Tr. có nóng nảy đến đâu vẫn chưa bằng T. khi rút dao giải quyết mâu thuẫn. Cách xử lý sai một phần cũng do các bị cáo có trình độ văn hóa thấp, T. không biết chữ, Tr. cũng mới học đến lớp 5, nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cả hai. Bởi lúc này, họ đã thấm thía bài học. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhìn nhận: Đây là điều đáng tiếc cho cả hai bị cáo.

TAM THUẬT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202208/hanh-xu-nong-noi-8260490/