Hành xử văn minh - chìa khóa giảm bạo lực: Hồi chuông cảnh tỉnh
Việc khởi tố vụ án, bắt tạm giam những người có hành vi bạo lực sau va chạm hay cự cãi khi tham gia giao thông là hoàn toàn cần thiết
Thời gian gần đây, khi những vụ việc "động tay, động chân" sau va chạm hay cự cãi trên đường được tung lên mạng xã hội, cũng là lúc lực lượng chức năng lập tức vào cuộc.
Nổi nóng là hại thân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số người "đấu võ đài", như ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém, thiếu kiềm chế, nóng giận nhất thời, coi thường pháp luật...
Phải thừa nhận rằng không ít người tham gia giao thông dễ bị kích động bởi những lý do đơn giản như không nhường đường, va quệt xe hoặc lời qua tiếng lại. Đặc biệt, một số đối tượng coi trọng tài sản cá nhân quá mức, xem phương tiện giao thông là biểu tượng cho sự thành đạt của bản thân, dẫn đến việc "bật cơ chế phòng vệ" thái quá khi xảy ra va chạm.
Theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 2 tháng đầu năm 2024 là 4.855 vụ. Mặc dù không có con số thống kê cụ thể về số vụ va chạm giao thông dẫn đến bạo lực nhưng thực tế cho thấy tình trạng này vẫn diễn ra dù các cơ quan chức năng đang triệt để xử lý nghiêm. Theo đó, đã có không ít các đối tượng bị khởi tố, bắt giam. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho "những cái đầu nóng" khi tham gia giao thông.
Kết hợp đồng bộ các giải pháp
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, mức phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân. Việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc này không chỉ nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật mà còn nhằm mục đích ngăn chặn những ai coi thường pháp luật, có ý định hành xử côn đồ khi tham gia giao thông.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm, để ngăn ngừa những vụ "động tay động chân" đáng tiếc xảy ra, cần có sự kết hợp đồng bộ với các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giáo dục ý thức, đạo đức khi tham gia giao thông. Qua đó, hình thành văn hóa giao thông an toàn, văn minh, khuyến khích tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, cần tuyên truyền về tác hại của bạo lực giao thông, khuyến khích sự nhẫn nại và ứng xử hòa nhã khi xảy ra va chạm. Đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm có tính chất côn đồ, hung hãn.
Cuối cùng và vô cùng quan trọng là cần lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng, nút giao thông trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và hỗ trợ công tác điều tra, xử lý khi xảy ra sự cố...
(Còn tiếp)