Hảo Đước-tìm về lối cũ

Ngày nay, Hảo Đước thu mình chỉ còn là một xã nhỏ của huyện Châu Thành, nhưng mảnh đất này vẫn âm thầm lưu dấu những bước chân của lịch sử một thời vàng son oanh liệt.

Về Hảo Đước, có nhiều địa danh nghe là lạ như Sân Lễ, Cầu Da, Cầu Trường, Bến Trường, Ấp Trường, Xóm Tha La, Sóc Om…

Ở Tây Ninh, ai từng ngược xuôi miền sông Vịnh ít nhiều đều dừng chân thăm Hảo Đước. Cái làng xưa này, hai trăm năm trước có tên là Hảo Đức, bấy giờ là một đơn vị hành chính khá rộng lớn với hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông về hướng thượng nguồn. Ngày nay, Hảo Đước thu mình chỉ còn là một xã nhỏ của huyện Châu Thành, nhưng mảnh đất này vẫn âm thầm lưu dấu những bước chân của lịch sử một thời vàng son oanh liệt.

Quét sơn đường ống dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ, ngang qua địa phận xã Hảo Đước. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Quét sơn đường ống dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ, ngang qua địa phận xã Hảo Đước. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Hảo Đước hiện nay là phần đất có diện tích tự nhiên 35,80km2 nằm bên tả ngạn sông Vịnh hay còn gọi là rạch Sóc Om, Bắc giáp xã An Cơ, Nam giáp xã Hòa Hội và sông Vàm Cỏ, Đông giáp xã Thái Bình và xã Trí Bình, Tây giáp xã Phước Vinh và sông Vịnh.

Xưa kia, làng Hảo Đước rất lớn, bao trùm cả Trí Bình, An Cơ và một phần của Hòa Hội ngày nay. Mãi cho tới năm 2004, sau khi xã An Cơ được thành lập, Hảo Đước mới coi như ổn định ranh giới cho tới ngày hôm nay.

Vấn đề này, từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư có chép: “Hảo Đước - Thôn thuộc tổng Hòa Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh.

Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Ngày 12.5.1879 tách phần đất nằm trên bờ phải sông Vàm Cỏ nhập vào làng Hòa Lợi cùng tổng. Ngày 6.3.1891 được sáp nhập 2 làng Minh Hòa và Trí Bình giải thể. Từ 1.1.1900 thuộc tỉnh Tây Ninh.

Ngày 1.1.1919 tách địa bàn làng Trí Bình lập thành làng riêng. Năm 1930 thuộc quận Thái Bình. Năm 1942 đổi thuộc quận Châu Thành. Sau 1956 gọi là xã vẫn thuộc như cũ. Ngày 1.7.1958 đổi thuộc tổng Phước Hưng cùng quận.

Ngày 7.3.1963 đổi tên là xã Thiện Ngôn. Sau 30.4.1975 lấy lại tên cũ Hảo Đước thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ngày 12.1.2004 tách đất lập xã An Cơ. Là tên xã hiện nay” (sđd, trang 419, NXB Chính trị Quốc gia 2008).

Về cái tên Hảo Đước, bản đồ Cochinchine - Nam Kỳ 1890 và bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 đều ghi là Hảo Đức , về sau “Đức” bị đọc chệch thành “Đước”. Vấn đề này, có ý kiến cho rằng, sở dĩ đọc chệch thành “Đước” do người dân “kỵ húy” tên các vị công thần nhà Nguyễn như Nguyễn Huỳnh Đức hay Trịnh Hoài Đức.

Qua khảo sát điền dã, chúng tôi nhận thấy ở vùng Hảo Đước, người xưa không dùng chữ “Đức” là vì chữ này dành riêng để gọi “Đức ông Huỳnh Công Nghệ”, người có công khai hoang mở cõi, trấn giữ biên ải bảo vệ nhân dân trước khi nhà Nguyễn lập phủ Tây Ninh khá lâu, chứ không phải kỵ húy các vị công thần nhà Nguyễn nói ở trên.

Hiện, dinh thờ ngài Huỳnh Công Nghệ tọa lạc tại Bến Đá, thuộc ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước. Theo tài liệu của cụ Phan Thành Lợi (cháu chí sĩ Phan Văn Trị) thuật lại năm 1927, thì ngài Huỳnh Công Nghệ là em ruột của ngài Huỳnh Công Giản, người làng Nhựt Tảo (Tân An), lên Tây Ninh khai hoang lập ấp năm 1749.

Xin lược dẫn lại theo “Truyền thuyết về Quan lớn Trà Vong” của Vương Công Đức như sau: “Đến năm 27 tuổi (tức năm 1749) thấy tỉnh Tây Ninh còn rừng núi âm u, Ngài (Huỳnh Công Giản) bèn bàn tính với em (Huỳnh Công Nghệ) đến mở mang quy dân lập ấp. Đến Trà Vong sau này thuộc xã Thái Bình, thành lập được ba ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp.

Ngày nay có những địa danh tương tự là do Ngài lập ra từ lúc đó. Ông Huỳnh Công Nghệ chiếm vùng Sóc Om (hiện giờ thuộc xã Hảo Đước). Thuở ấy người Miên thường sang quấy nhiễu, cướp bóc tài sản đồng bào, nên Ngài xây đồn, đắp lũy ngăn chặn khắp nơi, nhiều trận ác chiến thường xảy ra, nhưng lần nào Ngài cũng chiến thắng vẻ vang, tạo được niềm tin vững mạnh cho toàn dân trong cùng.

Đến mùa xuân năm Nhâm Dần, Ngài lâm trạng bệnh, bọn giặc Miên kéo sang đánh cướp. Trước thế nguy, biết mình suy yếu vì cơn bệnh hoành hành, liệu không thể chống được giặc, Ngài bèn cho người đi kêu viện binh của em.

Nhưng định mệnh đã sẵn dành trong đường tơ kẽ tóc, viện binh vừa đến thì giặc cũng vừa chiếm được đồn lũy của Ngài. Ngài bèn tự sát, nêu cao khí tiết của vị anh hùng dân tộc. Khi ông Huỳnh Công Nghệ đến được thì tin anh đã tử tiết, ông nhất quyết báo thù cho anh, đánh cho quân giặc chết nằm ngổn ngang, sau khi đánh tan giặc, ông bèn tử tiết theo anh...” (Tây Ninh Đất và Người, trang 161, NXB Thanh Niên 2020).

Trong dân gian còn lưu truyền là, sau khi ngài Huỳnh Công Giản mất thì ngài Huỳnh Công Nghệ rời Hảo Đước sang khu Bến Cầu rồi mất ở đó, hiện còn miếu thờ ngài tại cửa vàm rạch Bảo xã Long Chữ. Và sau khi ngài mất, con voi của ngài thường cưỡi cũng bỏ đi, chết tại Gò Duối, hiện ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam (Hòa Thành) còn di tích Mộ Voi gần miếu thờ ngài.

Nếu khảo sát trên bản đồ Tây Ninh xưa lẫn nay, ta sẽ thấy vùng Hảo Đước - An Cơ có một vị trí rất đắc địa về mặt chiến lược quân sự. Sông Vàm Cỏ Đông và rạch Sóc Om chảy quanh co không khác gì chiến hào tự nhiên ngăn chặn các hướng tấn công từ biên giới.

Bên cạnh đó là bao lớp rừng già và thành Trà Vong án ngữ phía sau không khác gì một ỷ giốc vững chắc. Chính vì thế dễ thủ khó công này mà từ thời tiền chống Pháp, nơi đây đã trở thành căn cứ kháng chiến của quân và dân ta.

Cụ thể, sau Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, Khâm Tấn Tường bất tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông về vùng An Cơ xây thành đắp lũy tiếp tục kháng Pháp. Vấn đề này, sách “Địa chí Tây Ninh”, trang 201, có chép như sau: “Một cuộc nổi dậy khác do Khâm Tấn Tường cầm đầu.

Khi quân Pháp tiến chiếm Tây Ninh, ông từng giữ chức vụ Tham tán quân vụ ở phủ Tây Ninh, đã không tuân lệnh bãi binh của triều đình. Ông rút về An Cơ, chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức kháng chiến chống Pháp.

Thành An Cơ có bề mặt bờ thành trên 20m, chiều dài bờ thành hàng mấy km bao một khu đất rộng hình hột cầy, ba mặt thành dựa vào khúc cong của sông Sóc Om, còn trên mặt tiền bờ thành cao với lũy tre dày kiên cố.

Nghĩa quân bố trí hai cánh giữ thành chống lại bọn Pháp: Một là dùng gỗ treo trên cao cho lao xuống; hai là dùng dầu chai nấu sôi và thụt bắn dầu ra xa, được gọi là cách đánh “hỏa hổ”. Sau Khâm Tấn Tường, Trương Quyền - Pu Kôm Pô cho đến tướng Ngô Thất Sơn cũng từng kháng Pháp ở địa bàn này.

Công trình thủy lợi dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Công trình thủy lợi dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Tháng 10.1946 đội quân do Ngô Thất Sơn chỉ huy từ hải ngoại về đến biên giới tỉnh Tây Ninh. Sau khi tiếp nhận, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định thay hai từ “độc lập” thành “hải ngoại”; từ đó, đội quân do Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy trưởng có tên gọi mới là “Bộ đội Hải Ngoại I - Nam Bộ”, lấy rừng Cầy thuộc xã Hòa Hội làm căn cứ đóng quân. Giai đoạn năm 1946-1947, đơn vị của Ngô Thất Sơn được giao nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Trong đó chủ yếu là địa bàn biên giới từ Hòa Hội, Phước Vinh cho đến vùng An Cơ - Hảo Đước. Cũng trong thời điểm này, tình hình chiến sự vùng biên Tây Ninh thường xuyên xảy ra nhiều biến động, địch ra sức đàn áp, đốt phá.

Trước tình thế đó, Ngô Thất Sơn chỉ huy đơn vị vừa tổ chức các đợt vũ trang phòng bị vừa tuyên truyền cho nhân dân biên giới Việt Nam - Campuchia hiểu về đường lối kháng chiến, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, đoàn kết hai dân tộc láng giềng cùng nhau chống kẻ thù chung là thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Về Hảo Đước, có nhiều địa danh nghe là lạ như Sân Lễ, Cầu Da, Cầu Trường, Bến Trường, Ấp Trường, Xóm Tha La, Sóc Om… Thực ra, Cầu Da là cầu có cây da cổ thụ, Sân Lễ là tên ấp nhưng cũng là tên của khu vực làm lễ của tổ chức cách mạng ngày xưa, Sóc Om là sóc của người Khmer xưa có nghề làm bình gốm dùng để chứa nước, người Khmer gọi là Cà Om. Còn Tha La và Trường là trường hợp trùng lặp khá ngẫu nhiên.

Tha La là tên cái xóm sát bờ sông, thuộc Tổ 1 ấp Trường ngày nay, trong tiếng Khmer Tha La (Sala) cũng có nghĩa là trường học, trụ sở, nơi làm việc, còn Trường đây là nơi giao việc của tổ chức. Bằng chứng là cách Bến Trường chừng vài trăm mét còn di tích Căn cứ Huyện ủy Châu Thành, nơi đây được xem là cơ quan đầu não của huyện trong kháng chiến chống Mỹ.

Cũng từ khu căn cứ này, những quyết sách tối quan trọng đã được đưa ra để làm nên chiến thắng Tua Hai, chiến thắng Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn… của quân và dân ta. Căn cứ Huyện ủy Châu Thành được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số 137/QĐ-CT, ngày 27.9.1999 của UBND tỉnh Tây Ninh.

Có thể nói, Hảo Đước là một trong những vùng đất xưa nhất của huyện Châu Thành, nơi đây hơn thế kỷ trước chủ yếu là rừng già biên giới, địa bàn của những anh hùng bất tuân vương lệnh, quyết chí sát cánh cùng nhân dân kháng Pháp.

Về sau truyền thống này được tiếp nối, làm nên những chiến công oanh liệt thời chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, Hảo Đước trở về với khung cảnh của xóm làng bình yên.

Suốt hơn bốn mươi năm qua, Hảo Đước không ngừng phát triển về mọi mặt, nhưng cái đáng quý là tâm hồn nhân văn thuần hậu của người dân nơi đây được giữ gìn như một viên ngọc quý. Bà con vẫn luôn kính cẩn và truyền tai nhau những chuyện linh thiêng xung quanh thần tích về Đức ông Huỳnh Công Nghệ, vẫn tưởng niệm nhang khói cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân trên chiến địa thuở nào.

Đào Thái Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hao-duoc-tim-ve-loi-cu-a141055.html