Hảo hán Lương Sơn: Biệt danh hoành tráng – bản lĩnh tầm thường
108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, mỗi người một ngoại hiệu riêng, xuất thân, tính cách, bản lĩnh cũng khác nhau, đa dạng vô cùng.
Bách Thắng tướng Hàn Thao
Bách Thắng Tướng là ngoại hiệu của Hàn Thao - chánhtiên phong của Song tiên Hô Diên Chước trong lần quân triều đình đánh Lương Sơn. “xin cử một người làm chánh Tiên Phong là họ Hàn tên Thao, nguyên quán Đông Kinh, hiện làm Đoàn Luyện Sứ ở Trần Châu.Vốn là tay võ cử xuất thân, khiển trường thương rất giỏi, người ta thường gọi là Bách Thắng Tướng Quân”.
4 hảo hán Lương Sơn, ngoại hiệu trái ngược hoàn toàn với phẩm chất và bản lĩnh.
Ngoại hiệu thì hoành tráng như vậy, “tướng trăm trận trăm thắng” nhưng Hàn Thao rốt cuộc đâu có thắng nổi trận nào. Hàn Thao trận đầu đánh với Tích Lịch Hỏa Tần Mình thì “Tần Minh vốn là người nóng tính, không nói năng chi, liền vỗ ngựa múa Lang Nha Côn thẳng xông ra đánh. Hàn Thao cũng múa thương cự địch với Tần Minh.Đôi bên dánh nhau được hơn hai mươi hiệp, Hàn Thao không sao địch nổi, chỉ chực thừa cơ để chạy”.
Rồi tới trận thứ hai, khi Liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước bị phá bởi Phép đánh câu liêm thương của Từ Ninh, thì Hàn Thao hết đường thoát, chịu bắt sống, đành quy phục Tống Giang, nhập bọn Lương Sơn. Thủy Hử viết: “Được một lát thấy Lưu Đường, Đỗ Thiên bắt được Hàn Thao đem giải về”. Vậy là trước khi gia nhập Lương Sơn, “Bách thắng tướng” đánh hai trận thì… thua cả hai.
Bách Thắng Tướng Hàn Thao: đánh trận nào thua trận đó.
Tới trận thứ ba, khi quân Lương Sơn đánh phủ Đông Xương, nơi có viên tướng ném đá kỳ tài – Một Vũ Tiễn Trương Thanh, thì Hàn Thao cũng “ôm đầu máu”. Thủy Hử hồi 69 viết: “Hàn Thao muốn khoe tài trước mặt Tống Giang nên càng cố gắng hết sức bình sinh, mà đánh nhau rất là kịch liệt. Đánh nhau chừng mươi hiệp thì Trương Thanh lại quay ngựa chạy... Trương Thanh thấy Hàn Thao không đuổi, lại vội quay cương ngựa lại. Hàn Thao liền giơ thương lên để đón đánh. Chàng vừa mới giơ thương lên, bỗng bị Trương Thanh ném ngay một viên đá trúng vào mũi, máu chảy lênh láng chạy về bản trận”.
Hàn Thao là Bách Thắng Tướng hay… bách bại tướng mới là chuẩn? Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, khi đánh tới Thường Châu, Hàn Thao ra trận giao chiến bị tướng của Phương Lạp là Cao Khả Lập bắn tên trúng trán, ngã ngựa và bị một tướng khác là Trương Cận Nhân dùng giáo đâm chết.
Thiên Mục Tướng Bành Kỷ
Nếu Hàn Thao là chánh tiên phong của Hô Diên Chước thì phó tiên phong là Bành Kỷ. Ngoại hiệu của Bành Kỷ cũng hoành không kém: Thiên mục Tướng, tức tướng nghìn mắt: “Còn một người Phó Tiên Phong, tên là Bành Kỷ, con cháu của tướng ở đất Đông Kinh, hiện làm Đoàn Luyện Sứ ở Dĩnh Châu, khiến khẩu đao hai lưỡi hai mũi, võ nghệ hơn người, ai ai cũng gọi là Thiên Mục Tướng Quân”.
Thiên Mục Tướng Bành Kỷ: biệt danh hoành tráng, bản lĩnh tầm thường.
Nhưng bản lĩnh của Bành Kỷ cũng thường. Trận “ra mắt”, đấu với Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh không lại: “Bành Kỷ hoành đao ngồi trên mình ngựa Ngũ Minh Thiên Hoàng Hoa, xông ra cửa trận quát mắng Hoa Vinh… Hoa Vinh cả giận không thèm trả lời, liền xông ngựa ra đánh luôn Bành Kỷ. Đôi bên đánh nhau được hai mươi hiệp, thì Hô Duyên Chước thấy Bành Kỷ hơi túng thế, bèn vỗ ngựa xông ra địch”.
Tới trận thứ hai giao chiến với kiệt nữ Hỗ Tam Nương thì bị bắt sống: “Bên kia Bành Kỷ lại xông ra đánh nhau với Nhất Trượng Thanh.Đôi bên gươm đao loáng nhoáng, ngựa cuốn bụi trần, đánh nhau hơn hai mươi hiệp thì Nhất Trượng Thanh quay ngựa chạy vào. Bành Kỷ thấy vậy, gắng sức bình sinh xông vào đuổi đánh. Nhất Trượng Thanh đeo đao lên yên ngựa, sờ trong áo lấy ra tấm hồng gấm, trên mặt có hai mươi bốn lưỡi câu vàng, chờ khi Bành Kỷ đuổi sát đến nơi, liền quay mình nhắm trúng Bành Kỷ quăng ra một cái, rồi giật Bành Kỷ xuống ngựa. Tôn Lập thấy thế, quát quân sĩ bắt trói Bành Kỷ đem về”.
Trong trận đánh phủ Đông Xương, hệt như Hàn Thao, Bành Kỷ cũng thua thảm khi giao chiến với Một vũ Tiễn Trương Thanh: “Bành Kỷ thấy vậy nổi giận đùng đùng, không đợi tướng lệnh của Tống Giang vội xốc ngựa, múa đao hai lưỡi ra đánh Trương Thanh. Đôi bên chưa kịp giao nhau, thì Bành Kỷ đã bị một viên đá vào mặt, vất cả đao xuống mà chạy”.
Hàn Thao và Bành Kỷ cùng xuất hiện trong một sự kiện, cùng thua trong các trận đánh liền kề nhau và kết cục của họ cũng hoàn toàn tương đồng. Trong trận chiến với Phương Lạp, Bành Dĩ cùng Hàn Thao được lệnh đánh Thường Châu. Hàn Thao bị hai tướng Cao Khả Lập và Trương Cận Nhân giết chết. Nóng lòng muốn báo thù cho bạn, Bành Kỷ bị Trương Cận Nhân đánh lén và đâm chết.
Tiểu Bá Vương Chu Thông
Trong sử sách Trung Hoa, “Bá Vương” là dành để gọi siêu chiến thần Hạng Vũ. Đến thời Tam Quốc, có Tôn Sách – anh hùng xuất thiếu niên, trí dũng song toàn và là người thiết lập nền tảng cho thế lực Đông Ngô được gọi là “Tiểu Bá Vương”. Thủy Hử của Thi Nại Am cũng có một “Tiểu Bá Vương” nhưng lại tầm thường vô cùng. Đó là Tiểu Bá Vương Chu Thông.
Chu Thông làm hổ danh “Tiểu Bá Vương” xịn trong lịch sử là Tôn Sách.
Chu Thông xuất hiện ngay từ hồi 4 Thủy Hử, vốn là tay chủ sơn trại tặc khấu ở núi Đào Hoa. Võ nghệ thì thạo chút ít nhưng cơ bản là chẳng có gì đặc biệt, ngoài tật mê gái. Hạ sơn cướp của, đánh với “Đả hổ tướng” Lý Trung vài hiệp thua lấm lưng trắng bụng, bèn nhường luôn họ Lý làm chủ trại Đào Hoa Sơn.
Rồi trong lần cưỡng hôn gái nhà lành (con Lưu Thái Công) thì bị Hoa Hòa thượng Lỗ Trí Thâm đánh cho mấy quyền, cuống cuồng mà chạy: “Khi vào tới nơi thấy một ông sư phệ bụng cổi trần truồng, đương cưỡi trên bụng Đại Vương, thì ai nấy kinh sợ tức giận mà thét nhau vào cứu Đại Vương… Đại Vương thừa thế được chạy thoát ra ngoài, liền vội vàng ra cổng bẻ một cành liễu, nhảy tót lên mình ngựa” – trích Thủy Hử, hồi 4.
Nhân cách của Chu Thông, tuyệt nhiên, cũng kém xa “Tiểu Bá Vương” xịn Tôn Sách. Điều này thể hiện qua suy nghĩ của chân chính anh hùng Lỗ Trí Thâm: “Được năm ba hôm, Lỗ Trí Thâm xem chừng bọn Chu Thông, cũng không phải là người khẳng khái, mà tính khí nhiều điều biển lận khó chịu, liền từ giã xin đi” hay “Hai thằng này láo thực, chúng nó có biết bao nhiêu đồ ngọc ở đây. Thế mà còn phải đợi kiếm được của đâu, rồi mới tặng mình, thành ra của thế gian đãi người ngoan thiên hạ, chẳng qua chỉ khổ sở kẻ khác mà thôi”.
Với một tay tầm thường như Chu Thông, việc ngồi ghế đầu lĩnh thứ 87 – bộ quân tướng hiệu Lương Sơn, cũng là quá ưu đãi rồi. Trong trận đánh Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa sai Âu Bằng, Đặng Phi, Lý Trung, Chu Thông đi thám thính ở ải Độc Tùng, giữa đường bị Lệ Thiên Nhuận chặn đánh. Chu Thông chết thảm.
Hô Bảo Nghĩa Tống Giang
Tống Giang – anh cả của “Bến nước” có nhiều biệt danh. Từ Tống Áp ty, Tống Công Minh, hay Cập thời Vũ và đáng chú ý nhất là ngoại hiệu Hô Bảo Nghĩa – tức người kêu gọi chính nghĩa. Có điều, biết bao lần họ Tống “kêu gọi” các anh hùng hảo hán gia nhập Lương Sơn mà lại không theo tôn chỉ và hành động chính nghĩa một chút nào.
“Hô Bảo Nghĩa” Tống Giang nhưng lại làm biết bao chuyện phi nghĩa.
Ai là kẻ sai người giả dạng Tần Minh đi cướp giết khiến cả nhà “Tích lịch Hỏa” bị quan phủ giết chết bêu đầu trên cổng thành, buộc họ Tần vào thế cùng đường tuyệt lộ phải nhập bọn? Tống Giang. Ai là người khởi đầu cuộc tắm máu Chúc Gia Trang, rồi giết cả nhà họ Hỗ, ép duyên Hỗ Tam Nương với Vương Anh? Vẫn là Tống Giang.
Ai là người chủ trương quyết sách “trộm bảo giáp, lừa Từ Ninh lên Bến nước” trong lần nghĩa quân Lương Sơn khốn đốn bởi trận Liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước và phải nhờ tới phép đánh câu liêm để phá trận? Chính Tống Giang. Vẫn là Tống Giang, đứng sau việc phá hủy cơ đồ của Chu Đồng, trong kế hoạch ép người có ơn lớn với mình, lên Lương Sơn.
Và cũng Tống Giang là người đạo diễn cho toàn bộ lớp mưu hè kế bẩn, khiến Lư Tuấn Nghĩa, từ chỗ là trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh thành kẻ tan gia bại sản, thành tội phạm triều đình mà ngậm ngùi đầu quân cho Lương Sơn. Ngoại hiệu của Tống Giang không liên quan đến bản lĩnh mà là nói về Chính Nghĩa phủ khắp thiên hạ của thủ lĩnh số một Lương Sơn Bạc. Nhưng đó trước sau là sự Chính Nghĩa giả tạo!