Háo hức bước vào năm học mới

Những ngày này, khắp các trường học đã rộn ràng không khí chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Trường, lớp thêm sạch, đẹp, khang trang, thầy và trò đã sẵn sàng hành trang và tâm thế đón chào năm học mới với những kỳ vọng mới.

Cô và trò Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường . Ảnh: Thiện Tâm

Cô và trò Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường . Ảnh: Thiện Tâm

Đầu tư trường, lớp khang trang

Gặp lại bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè, học sinh (HS) Trường THCS Ngô Gia Tự (thị xã Ninh Hòa) hớn hở mừng vui khi thấy diện mạo trường đã được khoác màu áo mới. Với những HS lớp 6, chút bỡ ngỡ ban đầu trong ngày tựu trường ở môi trường học tập mới dần nhường chỗ cho sự háo hức xen lẫn tò mò khi được các thầy cô giới thiệu về nhà trường, làm quen với nền nếp học tập, tìm hiểu về các môn học và hoạt động giáo dục. Thầy Lê Duy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học mới, trường có 10 lớp với 392 HS. Trường được xây mới 8 phòng; sửa chữa dãy nhà hành chính và 12 phòng học, với tổng kinh phí đầu tư 6,7 tỷ đồng. Cơ sở vật chất mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà trường trong công tác tổ chức dạy học, nhất là việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã sắp xếp, bố trí lại giáo viên (GV) bộ môn cho phù hợp, các GV được tập huấn trong hè để dạy sách giáo khoa lớp 9 chương trình mới.

Dãy phòng mới xây của Trường THCS Ngô Gia Tự (thị xã Ninh Hòa).

Dãy phòng mới xây của Trường THCS Ngô Gia Tự (thị xã Ninh Hòa).

Từ nguồn kinh phí 4 tỷ đồng của ngân sách huyện, Trường Tiểu học Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) vừa được xây mới thêm 4 phòng chức năng. Sắp tới, trường sẽ tiếp tục được đầu tư xây thêm nhà bảo vệ, nhà vệ sinh dành cho HS, tường rào, sân trường… với kinh phí 2 tỷ đồng để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Thầy Nguyễn Cảnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 241 HS, trong đó gần 90% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành sẽ giúp nhà trường có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng dạy và học. Tính chung trên địa bàn huyện Khánh Sơn, có 7 trường được đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học, với tổng nguồn vốn 96,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số công trình không kịp hoàn thành để đưa vào khai giảng do thời gian thực hiện trong 2 năm (2024 và 2025). “Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các trường có giải pháp tạm thời để đảm bảo điều kiện học tập cũng như hoạt động của nhà trường, đồng thời giao cho các đơn vị thi công có phương án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình", ông Phan Văn Thoại - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn cho biết.

Cô và trò Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường khối lớp 1. Ảnh: Thiện Tâm

Cô và trò Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường khối lớp 1. Ảnh: Thiện Tâm

Ở các địa phương khác, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới cũng được quan tâm đầu tư. Năm học này, TP. Cam Ranh đầu tư xây mới, sửa chữa 24 hạng mục công trình của 23 trường học và mua sắm trang thiết bị dạy học cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cam Ranh, với tổng mức đầu tư 70,1 tỷ đồng. Huyện Diên Khánh đầu tư xây dựng, sửa chữa 17 trường với tổng nguồn vốn hơn 59 tỷ đồng, trong đó đã hoàn thành 9 công trình phục vụ cho năm học mới. Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, một số công trình đã xong, số còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 9 và 10. Tại TP. Nha Trang, các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa đã hoàn thành phục vụ cho năm học mới, trong đó xây dựng mới Trường THCS Thái Nguyên, xây dựng Trường THCS Lý Thái Tổ (giai đoạn 2) với tổng kinh phí hơn 116,8 tỷ đồng. Tại huyện Cam Lâm, Trường Mẫu giáo Họa Mi đang triển khai xây dựng 4 phòng học, nhà hành chính, nhà bếp, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 12. Trong thời gian này, nhà trường đã có kế hoạch mượn cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục và chăm sóc trẻ. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đến nay, đã có 9/19 trường tiểu học trên địa bàn huyện Cam Lâm được đầu tư xây dựng xong phòng tin học. Đồng thời, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện việc xã hội hóa để trang bị 180 máy vi tính, bàn ghế cho 15 trường chưa có phòng máy với kinh phí 2 tỷ đồng…

Ở cấp THPT, toàn tỉnh có 11 công trình được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa với tổng kinh phí hơn 53,6 tỷ đồng, trong đó có Trường THPT Nguyễn Thái Học, THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh sửa chữa từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 8 công trình còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh.

Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên

Trước thềm năm học mới, khó khăn lớn nhất mà ngành Giáo dục tỉnh đang gặp phải là tình trạng thiếu GV. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh thiếu 659 GV so với chỉ tiêu được giao ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Quy định phải tuyển dụng hết số lượng biên chế công chức, viên chức được giao theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập gây khó khăn trong việc dự phòng để thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2026. Bởi ngoài số biên chế được giao, còn có số biên chế được bổ sung, nếu tuyển dụng hết số giao mà không để dự phòng thì tỉnh không thể thực hiện tinh giản theo số giao tại Quyết định số 72, ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026. Mặt khác, số giao bổ sung hàng năm có thay đổi, không ổn định, nếu thực hiện tuyển dụng hết sẽ gặp khó khăn khi có sự điều chỉnh. Bên cạnh đó, Nghị định số 111 không cho phép thực hiện hợp đồng đối với số lượng GV chưa tuyển dụng đủ so với số giao hoặc hợp đồng thay cho số GV nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ thai sản trong năm, gây thiếu nhân lực trầm trọng đối với ngành GD-ĐT.

Niềm vui của học sinh trong ngày tựu trường. Ảnh: Thiện Tâm

Niềm vui của học sinh trong ngày tựu trường. Ảnh: Thiện Tâm

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở và các địa phương đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề này, trong đó đề xuất cho phép tạm giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp GD-ĐT năm học 2024 - 2025 trong khi chờ Ban Tổ chức Trung ương quyết định giao biên chế năm 2024 - 2025 cho tỉnh Khánh Hòa. Việc tạm giao nhằm đảm bảo đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tiêu chí “Có HS là có GV”.

Trong khi đó, ở cấp THPT lại có tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, xuất phát từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, tinh giản biên chế theo lộ trình, việc lựa chọn tổ hợp môn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018... Trong khi chờ tạm giao số lượng người làm việc, Sở GD-ĐT và các địa phương đã thực hiện một số giải pháp, như: Thuyên chuyển GV, điều động GV từ nơi thừa sang nơi thiếu, cho phép GV giảng dạy liên trường, triển khai kế hoạch tuyển dụng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cam Ranh chuẩn bị sách vở đón năm học mới.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cam Ranh chuẩn bị sách vở đón năm học mới.

Theo ông Võ Hoàn Hải, khắc phục những khó khăn, toàn ngành GD-ĐT tỉnh quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm học 2024 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả ở tất cả các khối lớp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị dạy học; tuyển dụng bổ sung biên chế GV còn thiếu nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV. Ngành cũng sẽ tập trung duy trì chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong đó có việc triển khai giai đoạn 2 (xây dựng nhà thi đấu, hội trường…) của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang); đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học. Vào đầu năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ khai trương Trung tâm Điều hành về GD-ĐT tỉnh.

Tính đến tháng 8-2024, toàn tỉnh có 521 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm (giảm 13 trường so với năm học trước), với hơn 290.000 HS và hơn 20.000 cán bộ quản lý, GV, nhân viên. Theo kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, trong năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh sẽ giảm tiếp 17 trường. Trong năm 2024, toàn ngành GD-ĐT tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 675,4 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỷ đồng. Thời gian tới, ngành sẽ đầu tư mua sắm trang thiết bị cấp THPT phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với kinh phí dự kiến hơn 140 tỷ đồng.

Sẽ miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập

Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ miễn toàn bộ học phí cho HS từ cấp mầm non đến THPT công lập trong toàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025 (thời gian thực hiện 9 tháng).

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202409/hao-huc-buoc-vao-nam-hoc-moi-0543143/