Háo hức chờ mua doanh nghiệp ngành công nghiệp
Sau một loạt thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn giai đoạn 2017 - 2018, sự vắng bóng của các thương vụ tương tự trong năm nay đang khiến thị trường hụt hẫng.
Cơ hội vẫn có
Sự chờ đợi của các nhà đầu tư, trong đó có không ít nhà đầu tư nước ngoài, để mua tiếp phần vốn nhà nước sẽ thoái tại một số doanh nghiệp vẫn liên tục được nhắc tới.
Đơn cử, tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), dù đã có trong tay 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco, đủ quyền kiểm soát doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, nhưng tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi dường như còn muốn nhiều hơn nữa.
Đề nghị mua thêm cổ phần của Sabeco đã được lãnh đạo Tập đoàn ThaiBev đề cập trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra tại Bangkok hồi tháng 6/2019.
Với tỷ lệ sở hữu 53,59% tại Sabeco, ThaiBev có quyền chi phối hoạt động của Sabeco, nhưng nếu sở hữu trên 65% vốn điều lệ, nhà đầu tư này sẽ quyết định tất cả vấn đề của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Thaibev, trong quý I niên độ tài chính 2018 - 2019, cơ cấu doanh thu phân theo ngành hàng và khu vực địa lý của Tập đoàn có sự xáo trộn mạnh khi hợp nhất gần 13.000 tỷ đồng doanh thu từ nhóm doanh nghiệp liên quan đến Sabeco tại Việt Nam.
Ban lãnh đạo Thaibev cho biết, trong khi sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại, thì Sabeco vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tập đoàn này cũng tin rằng, việc mua lại Sabeco sẽ giúp mở rộng kinh doanh tại Việt Nam - nơi có dân số trẻ, mạng lưới phân phối rộng khắp và thị trường bia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.
Như vậy, có thể thấy, Sabeco là bước đi chính yếu để ThaiBev gia tăng doanh số của thị trường nước ngoài, với mục tiêu đạt 50% tổng doanh số chung.
Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về sản lượng tiêu thụ bia hàng năm. Vị trí này đủ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường hơn 96 triệu dân đối với các hãng bia hàng đầu thế giới.
Cũng đang háo hức được mua thêm cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sau khi đã chủ động thu gom cổ phiếu của doanh nghiệp này trên sàn UPCoM và đạt tỷ lệ nắm giữ hiện tại là 5,3% vốn điều lệ, ông Oh Jong Hoon, Phó chủ tịch SK Energy (Hàn Quốc) khẳng định, doanh nghiệp này mong muốn có cơ hội để tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào PV Oil.
Chia sẻ thông tin này, ông Cao Hoài Dương, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PV Oil cho rằng, sự có mặt của các cổ đông lớn và hiểu biết về lĩnh vực sẽ giúp doanh nghiệp có những đột phá trong quá trình cạnh tranh trên thị trường.
Chỉ là chờ…
Trong phương án cổ phần hóa PV Oil đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ chỉ còn nắm giữ 35,1% vốn điều lệ tại PV Oil, 20% vốn điều lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược 44,72%. Hiện PV Oil mới hoàn thành bán đấu giá công khai 20% vốn điều lệ.
Tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt gần 5.501,7 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 144.577 tỷ đồng và con số trong năm 2018 là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.
Ông Cao Hoài Dương cho hay, PV Oil đang tiến hành các thủ tục để hoàn tất quyết toán cổ phần hóa. Điểm vướng nhất hiện nay là câu chuyện xác định giá đất.
“Nếu xong việc xác định giá trị đất và PV Oil vẫn được tiếp tục phương án thoái vốn nhà nước xuống mức còn 35%, cũng như cho phép đối tác ngoại mua đến 49% vốn điều lệ, thì việc bán tiếp vốn không quá khó khăn”, ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, các nhà đầu tư lớn tuy sẵn sàng chờ đợi, nhưng cũng sẽ chỉ có giới hạn nhất định về thời gian.
Câu chuyện bị kéo dài thời gian xác định giá trị đất với những tài sản liên quan tới doanh nghiệp không chỉ diễn ra tại PV Oil.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT EVN cũng cho biết, tập đoàn này gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, thoái vốn theo lô.
“Tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng có tâm lý muốn đưa giá trị đất lên cao để thu được thêm ngân sách cho địa phương và đỡ bị mang tiếng là xác định tài sản nhà nước rẻ. Nhưng nếu làm vậy thì chính địa phương cũng lại phân vân vì mặt bằng giá đất sẽ bị đẩy lên mức mới với các dự án sau này. Chính mâu thuẫn đó dẫn đến sự chậm trễ trong phê duyệt giá đất tại các địa phương”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Bên cạnh đó, dù nhiều doanh nghiệp đã trình ra các phương án cổ phần hóa được chuẩn bị theo các quy định pháp lý hiện hành, nhưng cơ quan chức năng chậm phê duyệt, khiến tiến trình thoái vốn cũng bị chậm lại.
Chẳng hạn, một số chứng thư thẩm định giá liên quan đến thoái vốn của doanh nghiệp bị giới hạn về thời gian hiệu lực, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa phê duyệt xong kế hoạch, khiến doanh nghiệp phải thuê tư vấn thẩm định giá lần 2, dẫn tới kéo dài thời gian và phát sinh thêm chi phí, thủ tục thực hiện thoái vốn.
Đó là chưa kể, việc nghiên cứu của các cơ quan hữu trách thường cần nhiều thời gian.