Háo hức chờ tiếng trống khai giảng

Vào ngày 5-9 tới đây, trên 730 ngàn học sinh của Đồng Nai cùng với học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học 2024-2025 - năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp học.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Du (thành phố Biên Hòa) đến trường. Ảnh: C.Nghĩa

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Du (thành phố Biên Hòa) đến trường. Ảnh: C.Nghĩa

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông trong toàn tỉnh đã tựu trường và sẵn sàng chờ tiếng trống khai giảng, bắt đầu một năm học mới.

Nhà nhà chăm lo đưa con tựu trường

Năm học này, vợ chồng chị Đỗ Thị Thúy Vy lần đầu tiên có con bước vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa). Không chỉ anh chị, mà cả hai bên nội ngoại đều dành sự quan tâm đến con. Từ sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho con vào lớp 1 đều đã được chị Vy chuẩn bị chu đáo. Trong ngày đầu tựu trường 21-8, anh và chị đã dành thời gian đưa con đến trường trong niềm vui và háo hức của con.

Chị Vy chia sẻ: “Ngày đầu đưa con đến trường, được giáo viên chủ nhiệm cầm tấm bảng tên lớp đứng ở cổng trường đón con, tôi thật sự xúc động. Con đã chính thức là học sinh lớp 1, bắt đầu một hành trình mới. Thấy con ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của giáo viên, hòa đồng cùng bạn bè tham gia các hoạt động, tôi càng thêm phần an tâm”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Phong (ở phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho hay, sau năm lớp 9 nỗ lực học tập cùng một mùa thi đầy áp lực, con anh đã chính thức trở thành học sinh lớp 10 của Trường trung học phổ thông Trấn Biên. Khi con vào lớp 10, anh chị đã “thưởng nóng” cho con một chiếc xe đạp điện cùng mũ bảo hiểm để tự đến trường, thay vì cha mẹ phải đưa đón như khi còn học lớp 9. Anh cũng không quên hướng dẫn cho con kỹ năng tham gia giao thông an toàn để mỗi ngày đến trường con tự giác giữ an toàn cho mình lẫn mọi người.

Anh Phong chia sẻ: “Gần 10 năm nuôi con ăn học, bước vào cấp trung học phổ thông là giai đoạn rất quan trọng trước khi con trưởng thành, vì vậy vợ chồng tôi đều muốn chuẩn bị tươm tất cho con với những điều kiện tốt nhất có thể”.

Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường công lập toàn tỉnh tiếp tục được nâng lên, trong đó bậc mầm non đã đạt tỷ lệ gần 80%, tiểu học 71,6%, trung học cơ sở gần 80% và trung học phổ thông đạt trên 65%.

Không để học sinh bỏ học

Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Xuân Thanh, thành phố Long Khánh) Lê Phương Thủy cho hay, từ nhiều ngày nay, cô đã cùng với tập thể giáo viên nhà trường tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cũng như tập luyện văn nghệ để đón học sinh đến tựu trường, chuẩn bị cho ngày khai giảng.

“Năm nào tôi cũng trải qua thời khắc đón học sinh đến tựu trường chuẩn bị cho khai giảng nhưng cảm xúc lần nào cũng rất mới mẻ, vì lại được bắt đầu một hành trình mới” - cô Thủy bộc bạch.

Trong khi đó, ở huyện vùng núi Định Quán, năm học mới này, toàn huyện có 65 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và đào tạo trực tiếp quản lý. Dù còn tới 120 điểm trường ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhưng năm học mới này lần đầu tiên huyện Định Quán đã đưa sĩ số học sinh/lớp ở tất cả các bậc học về đúng chuẩn.

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Quán Ngô Đăng Thành cho biết: “Để đưa sĩ số học sinh/lớp ở tất cả các bậc học về đúng chuẩn là một quá trình huyện tập trung nguồn lực đầu tư lớn để xây mới và nâng cấp trường lớp. Chỉ tính riêng trong đợt khai giảng này, toàn huyện có 4 công trình trường học khánh thành đưa vào sử dụng”.

Lãnh đạo huyện Xuân Lộc cho biết, năm học này, huyện có gần 50 ngàn học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. So với năm học trước, tổng số học sinh vẫn giữ ổn định và là điều kiện tốt cho huyện tiếp tục đầu tư hiện đại hệ thống trường lớp theo hướng tiếp tục nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn đảm bảo huy động đúng và đủ số trẻ đến trường theo độ tuổi, đặc biệt chú ý đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không để em nào đến tuổi nhưng không đến trường, hoặc phải bỏ học giữa chừng.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, trong buổi Lễ Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và đào tạo đã ký kết với các sở, ngành, địa phương quy chế phối hợp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn thể đội ngũ nhà giáo tỉnh quyết tâm thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm học với phương châm đổi mới, sáng tạo, tận tụy vì học sinh. Đây chính là động lực tinh thần để toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/hao-huc-cho-tieng-trong-khai-giang-08f75be/