Háo hức với metro
Háo hức là cảm xúc của nhiều người ở TP HCM khi chứng kiến đoàn tàu metro số 1 được vận hành chạy thử nội bộ trên đường ray trong depot Long Bình
Xem đi xem lại clip đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử diễn ra vào chiều 30-8 ở depot Long Bình (TP Thủ Ðức, TP HCM), ông Lê Trung Cường, cán bộ hưu trí ngành đường sắt (ngụ quận Tân Bình, TP HCM), mong ngóng từng ngày để được thấy đoàn tàu metro chạy trên đường ray dù là chạy thử.
Giấc mơ đã rất gần
Sở dĩ ông Cường háo hức như vậy là từ hồi còn làm ở đường sắt đã nghe đến metro, để rồi khi có quy hoạch và sau đó là mòn mỏi chờ đợi hơn thập kỷ vẫn chưa thấy. "Bây giờ, thấy đoàn tàu vận hành thử trơn tru, quả thật tôi rất mừng. Hy vọng, tuyến metro số 1 về đích đúng tiến độ để mọi người cùng trải nghiệm, cùng thoát cảnh ùn tắc khi di chuyển bằng xe máy" - ông Cường kỳ vọng. Ông cho rằng bản thân dù đã đi tàu điện ở nhiều nước nhưng tin rằng khi đi tàu điện ở ngay trên quê hương mình sẽ rất tự hào, bởi đây là loại hình giao thông tiến bộ và văn minh.
Từng là du học sinh ở Nhật, anh Nguyễn Tấn Du (ngụ quận 1, TP HCM) nói rất háo hức chờ ngày metro số 1 chở khách. "Còn nhớ, lúc mới qua Nhật, tôi mất khá nhiều thời gian để làm quen với tàu điện. Ðể rồi, chỉ sau một tháng, tôi bị "hút hồn" với loại hình giao thông này. Ðó là an toàn, tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian nên vô cùng thiết thực với sinh viên đang phải tiết kiệm từng đồng chi phí để phục vụ việc học hành" - anh Du chia sẻ và nhấn mạnh ngoài những tiện lợi trên, metro còn giúp giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông vốn ngày càng căng thẳng ở TP HCM và đặc biệt còn giúp rèn được thói quen đi bộ vốn rất tốt cho sức khỏe.
Nhận định của anh Tấn Du có vẻ "trúng tim" các bạn sinh viên. Là sinh viên năm 2 của Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ÐHQG TP HCM), Phan Văn Vũ (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay ban đầu chọn xe máy là phương tiện di chuyển đến trường ở TP Thủ Ðức. Thế nhưng chỉ sau 1 tháng, Vũ đã phải sử dụng xe buýt để an toàn theo ý cha mẹ. "Từ lúc sử dụng xe buýt, có những ngày về đến nhà là tối muộn vì vướng ùn tắc" - Vũ chia sẻ. Theo Vũ, ngoài chuyện về trễ thì xe buýt dừng đón khách liên tục khiến bản thân rất sợ vì say xe. "Nếu có tàu điện ngầm thì còn gì bằng. Hy vọng, từ sau năm 2023, các bạn sinh viên lứa sau em sẽ được thoải mái ngồi trên tàu điện để đến trường" - Vũ mong. Vũ nói đến lúc tàu vận hành thì Vũ đã hết thời sinh viên nhưng chắc chắn sẽ chọn phương tiện này để đi làm hay công việc nếu thuận tiện.
Cũng háo hức xem hình ảnh chạy thử tàu metro số 1, chị Trần Nguyệt Thanh (ngụ Thủ Ðức) nói khi những đoàn tàu metro đầu tiên cập cảng Khánh Hội, cũng là lúc chị đếm ngược thời gian để chờ tàu lăn bánh trên đường ray. "Sự mong chờ này không riêng gì cho sự tiện lợi của bản thân khi được đi làm bằng metro, mà đó là sự mong chờ chung cho người dân thành phố. Ai cũng hiểu rằng một đô thị hiện đại hướng đến đô thị thông minh như TP HCM thì loại hình vận tải hành khách bằng metro là không thể thiếu. Hệ thống metro sớm hoàn thiện ngày nào thì ngày đó sẽ thêm cơ hội bứt phá cho thành phố nói riêng, cả nước nói chung" - chị Thanh bày tỏ.
Cơ hội tái cấu trúc đô thị
Ngoài bày tỏ niềm vui khi đoàn tàu metro số 1 vận hành thử trơn tru, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị còn cho rằng sự xuất hiện của metro trên nền tảng đô thị cũ giúp TP HCM có cơ hội tái cấu trúc không gian đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Bởi một khi tuyến đường sắt đô thị vận hành, các chuyên gia cho rằng hệ thống này sẽ tác động mạnh đến không gian đô thị xung quanh, các ga, đến dọc tuyến đường sắt và trở thành trọng tâm để phát triển của thành phố. "TP HCM cần phải làm ngay, làm liền việc quy hoạch đô thị dọc tuyến metro, quy hoạch kết nối giao thông công cộng để việc xây dựng tuyến metro thật sự đem lại hiệu quả kinh tế lẫn giao thông. Sau khi có quy hoạch, TP HCM có thể đầu tư rồi bán lại hoặc tổ chức đấu giá công khai các khu đất để nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch. Việc này, để càng lâu thì thành phố càng thiệt" - KTS Ngô Viết Nam Sơn từng nhấn mạnh.
Nhận định này hoàn toàn phù hợp với những gì chính quyền TP HCM đang tiến hành. Ngoài không gian ngầm ở các nhà ga, TP HCM đã quy hoạch hàng loạt khu đô thị chức năng quanh các nhà ga tuyến metro số 1. Toàn bộ khu vực nằm trọn trong phạm vi 11 phường của TP Thủ Ðức, điểm đầu là cầu Sài Gòn, cuối tuyến là Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc với chiều dài 14,83 km, diện tích hơn 577 ha.
Theo đó, có 9 khu đô thị nằm xung quanh các nhà ga metro số 1. Khu A - Thảo Ðiền (phường Thảo Ðiền) rộng hơn 37 ha, dân số 12.700 người, tầng cao tối đa 35. Khu B - An Phú (phường An Phú) rộng hơn 71 ha, dân số 22.200 người, tầng cao tối đa 40. Khu C - Rạch Chiếc (phường An Phú) diện tích 33 ha, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 26. Khu D - Phước Long (phường Trường Thọ) rộng 127 ha, dân số 24.900 người, tầng cao tối đa 45. Khu E - Bình Thái (phường Trường Thọ) diện tích 82 ha, dân số 2.500 người, tầng cao tối đa 26. Khu F - Thủ Ðức (phường Bình Thọ) rộng 38 ha, dân số 6.000 người, tầng cao tối đa 20. Khu H - Công nghệ cao (phường Linh Trung) diện tích 42 ha, dân số 5.600 người, tầng cao tối đa 25. Khu K - Suối Tiên (phường Tân Phú) diện tích 40 ha, dân số gần 900 người, chiều cao tối đa 15. Khu L - Bến xe Miền Ðông mới (phường Long Bình) diện tích 37 ha, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 15.
Các khu đô thị trên được quy hoạch với mục tiêu khuyến khích phát triển những công trình đa chức năng, khu nhà ở cao tầng xung quanh ga trong bán kính 200-400 m. Khu vực quảng trường các nhà ga được quy hoạch phát triển những tuyến phố đi bộ, bãi xe, công viên... phục vụ người dân. Khu đô thị duy nhất bên ngoài ga
metro số 1 là khu G - Nhà máy Nước Thủ Ðức (phường Hiệp Phú) diện tích hơn 32 ha, dân số 4.700 người, sẽ được quy hoạch để cải tạo bộ mặt các lô nhà phố bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, tầng cao tối đa 20.
Bình luận về quy hoạch trên, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhấn mạnh việc phát triển các đô thị có mật độ cao quanh ga metro là đúng lý thuyết phát triển theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development).
Đưa ra lời khuyên, các chuyên gia cũng cho rằng thành phố sớm tính toán lại mạng lưới xe buýt để khi metro số 1 vận hành là có sẵn kế hoạch tăng xe buýt một cách chi tiết ở những vùng không có metro để gom khách đến các khu vực lân cận nhà ga để khách có thể đi từ nhà đến ga mà không cần dùng các phương tiện cá nhân. Đặc biệt, khi metro hoạt động, cơ hội phát triển các khu đô thị mới dọc theo nó là dễ dàng nhưng việc tái cấu trúc các khu đô thị cũ lại không đơn giản. Do đó, thành phố cần nghiên cứu một cách thấu đáo, bài bản với tầm nhìn dài hạn để tránh cho việc tái cấu trúc rơi vào manh mún, tự phát.
"Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 thành công sẽ mang lại bài học kinh nghiệm cho những dự án metro sắp tới, nhất là vấn đề thủ tục".
Đã hoàn thành 91,8%
Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến nay, tiến độ toàn dự án metro số 1 đã đạt 91,8%.
Trong đó, gói thầu số 1a (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 96,80%; gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 99,64%. Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương) đạt 95,87%. Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 82,26%. "Thời gian tới, nhà thầu Hitachi thuộc gói thầu số 3 sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tất cả các hệ thống còn lại như tín hiệu, viễn thông, các thiết bị ở OCC, để tiến hành thử nghiệm trên toàn tuyến" - MAUR thông tin.
Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 3 toa xe với chiều dài đoàn xe là 61,5 m, tốc độ thiết kế 110 km/giờ (đoạn trên cao), 80 km/giờ (đoạn hầm). Dự án metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Ðức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án khởi công năm 2012, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hao-huc-voi-metro-20220901184859384.htm