Hào khí Đồng khởi bất diệt của 'Đội quân tóc dài'

Ra đời từ phong trào Ðồng khởi năm 1960, 'Ðội quân tóc dài' không chỉ là ký ức hào hùng của một thời đấu tranh cách mạng, mà còn thể hiện sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần yêu nước của phụ nữ Bến Tre.

"Đội quân tóc dài" biểu tình phản đối đế quốc Mỹ trong thời gian diễn ra phong trào Đồng Khởi. Ảnh: Tư liệu TTXVN

"Đội quân tóc dài" biểu tình phản đối đế quốc Mỹ trong thời gian diễn ra phong trào Đồng Khởi. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bước vào kỷ nguyên mới, phụ nữ Bến Tre không ngừng tiếp nối truyền thống vẻ vang của “đội quân tóc dài”, tiên phong trong việc xây dựng một tương lai bền vững, hội nhập và phát triển, trở thành một trong các lực lượng chủ chốt trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thế kỷ XXI.

“Đội quân tóc dài" - binh chủng đặc biệt có một không hai

Phong trào Đồng khởi bùng nổ vào tháng 1/1960 với điểm đặc biệt là sự tham gia của đông đảo và chủ động của phụ nữ, không chỉ trong vai trò hậu cần mà còn trực tiếp trên mặt trận đấu tranh chính trị. Từ các cuộc biểu tình, phản đối chính quyền Sài Gòn, phụ nữ Bến Tre đã nhanh chóng phát triển thành một lực lượng có tổ chức, có chiến thuật rõ ràng, từ đó hình thành nên "Đội quân tóc dài" - một đội quân không vũ khí, nhưng lại có sức mạnh làm lung lay bộ máy đàn áp của kẻ thù.

Một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức và dẫn dắt phong trào chính là bà Nguyễn Thị Định. Với bản lĩnh kiên cường, bà đã vận động hàng ngàn phụ nữ tham gia đấu tranh theo chiến thuật “3 mũi giáp công” gồm: Chính trị, binh vận và vũ trang. "Đội quân tóc dài" dưới sự chỉ đạo của bà đã làm nên nhiều chiến công vang dội, không chỉ tại Bến Tre mà còn lan rộng ra khắp miền Nam.

Khác với các hình thức đấu tranh vũ trang truyền thống, đội quân này không sử dụng súng đạn, mà dựa vào sự đoàn kết, ý chí kiên cường và trí tuệ sáng tạo để giành thắng lợi. Phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh không chỉ với tư cách của những người vợ, người mẹ, mà còn là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận chính trị và binh vận.

Từ phong trào Đồng khởi, “Đội quân tóc dài” nhanh chóng mở rộng ra các tỉnh khác ở miền Nam, trở thành một phương thức đấu tranh cách mạng có tính lan tỏa mạnh mẽ. Và từ phong trào này, bà Nguyễn Thị Định trở thành biểu tượng của ý chí kiên trung, là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã góp phần đưa phụ nữ trở thành một lực lượng cách mạng đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bà Lê Thị Hồng (sinh năm 1950) ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam), tỉnh Bến Tre – sau này là chính trị viên của đơn vị Biệt động tỉnh Bến Tre chia sẻ, là người sinh ra trong khói lửa chiến tranh, khi mới 10 tuổi, bà trực tiếp chứng kiến phong trào Đồng khởi. Năm 1967, tròn 16 tuổi, bà nhập ngũ vào Phân đội Biệt động thị xã Bến Tre, hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng địch, với nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở.

Quá trình tham gia chiến đấu, bà tỏ rõ quyết tâm, táo bạo luồn sâu đánh hiểm, trực tiếp đánh 8 trận ở nội ô, diệt và làm bị thương nhiều sinh lực địch, phá hủy vũ khí, đạn dược. Nữ biệt động còn mưu trí chuyển vũ khí trót lọt cho bộ đội đánh phá các mục tiêu quan trọng. Trong hai năm 1968 và 1969, bà Hồng tham gia đánh một số trận, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, tiêu hủy 6 tấn đạn các loại, cùng 2 máy bộ đàm.

Nữ biệt động tỉnh Bến Tre Lê Thị Hồng kể, năm 1969, bà bị giặc phát hiện và bị bắt 3 lần, chúng tra tấn bằng điện, đánh móp sườn non nhưng bà vẫn giữ vững lập trường, kiên quyết không khai báo. Sau đó, chúng dùng đến việc phá hoại trinh tiết của người phụ nữ; bà phải nhập viện cấp cứu. Sau khi thoát khỏi tù đày, bà Hồng trở về lại tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu. “Những hành động thô bạo và tra tấn dã man của giặc, không làm tôi sờn lòng, nản chí mà càng khiến lòng căm thù và ý chí chiến đấu cao hơn”, bà Hồng nói.

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bà Lê Thị Hồng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì; được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 11/1978.

Tự hào về truyền thống vẻ vang của "Đội quân tóc dài", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, trong phong trào Đồng khởi, đã xuất hiện một đội quân độc nhất vô nhị trên thế giới – “Đội quân tóc dài” mà theo nhận xét của Nữ tướng Nguyễn Thị Định “đây là binh chủng đặc biệt của giới phụ nữ được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lực lượng tiến công, hậu bị, hậu cần, y tế, cứu thương…”. Từ Xứ dừa, "Đội quân tóc dài" đã mở rộng ra toàn miền Nam và đến năm 1965 quân số thường trực đã lên tới 2 triệu phụ nữ.

“Dù không qua trường đào tạo, huấn luyện, không trang bị vũ khí hiện đại, "Đội quân tóc dài" gồm những người phụ nữ giản dị, những nông dân, công nhân, tiểu thương, trí thức, nữ tu… đã vận dụng nhuần nhuyễn 3 mũi giáp công: Binh vận, chính trị và đấu tranh vũ trang. Bất chấp bị tù đày, tra tấn, các dì, các chị vẫn vững vàng, kiên trung, là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước nồng nàn, là sức mạnh của những người phụ nữ tay không tấc sắt, chỉ có lòng căm thù và ý chí quyết thắng đã chiến thắng kẻ thù”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre chia sẻ.

Phát huy hào khí "Đồng khởi mới"

Tiếp tục kế thừa tinh thần bất khuất của "Đội quân tóc dài" huyền thoại, những thế hệ phụ nữ Bến Tre hôm nay đã và đang bước ra khỏi vùng an toàn, khẳng định bản lĩnh và vai trò dẫn dắt trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh, đổi mới nông nghiệp, chuyển đổi số đến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, với tinh thần "Đồng khởi mới".

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa thông tin, trên mặt trận kinh tế, phụ nữ Bến Tre đang thể hiện vai trò chủ động, tiên phong trong khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể. Từ những doanh nghiệp nhỏ lẻ, họ đã mạnh dạn mở rộng quy mô, chuyển đổi số, tìm kiếm thị trường mới, xuất khẩu sản phẩm địa phương ra quốc tế. Hơn 1.300 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không chỉ khẳng định năng lực quản lý, điều hành mà còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, chế biến nông sản và thương mại điện tử. Các chương trình hỗ trợ vay vốn đã giúp hàng chục nghìn phụ nữ có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, với tổng dư nợ lên đến hơn 3.750 tỷ đồng, tạo điều kiện để họ mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

Trong xây dựng nông thôn mới, phụ nữ không chỉ đóng vai trò trong sản xuất mà còn tham gia mạnh mẽ vào việc kiến tạo không gian sống xanh, sạch, văn minh. Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Xây dựng tuyến đường xanh, sạch, sáng, an toàn” đã được triển khai rộng khắp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, bền vững. Đến nay, hơn 73% hộ gia đình hội viên phụ nữ đã đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, giúp cải thiện đáng kể chất lượng môi trường sống, nâng cao ý thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và vệ sinh chung.

Đặc biệt, phụ nữ Bến Tre còn góp phần quan trọng vào lĩnh vực chính trị, tiên phong trong thực hiện bình đẳng giới, khẳng định vai trò của mình trong quản lý, lãnh đạo. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị tại Bến Tre ngày càng gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng đạt 30,05% ở cấp cơ sở; 18,71% ở cấp huyện và 20,4% ở cấp tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến, qua hơn 10 năm triển khai Đề án số 01/ĐA/TU của Tỉnh ủy, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị phù hợp với vị trí việc làm ngày càng tăng; độ tuổi ngày càng trẻ hóa; vị thế được khẳng định và nâng cao. Hội Phụ nữ các cấp cần làm tốt công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ nữ, cán bộ nữ trẻ; qua đó, tuyên truyền giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm; nâng cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ trẻ, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mặt khác, các đơn vị cần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ trẻ có phẩm chất, năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn tương xứng với nhiệm vụ được giao; đặc biệt là chú trọng tới lực lượng ngoài hệ thống chính trị, những nữ doanh nhân giỏi, những nhà hoạt động xã hội xuất sắc cần được quan tâm đào tạo, phát triển để bổ sung cho lực lượng cán bộ nữ.

Chương Đài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/hao-khi-dong-khoi-bat-diet-cua-doi-quan-toc-dai-20250416165125831.htm