'Hào khí Việt Nam': Tôn vinh biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Tối 27/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật 'Hào khí Việt Nam' kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022). Chương trình khẳng định tình yêu đất nước, ý chí bảo vệ Độc lập chủ quyền và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng cường, hòa bình và hạnh phúc.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam...
Khắc sâu, tưởng nhớ và tri ân thế hệ đi trước
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài liên quan
Tái dựng một phần câu chuyện về Quảng Trị - mảnh đất linh thiêng nối hai miền đất nước
“Chung một dòng sông”: Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, cùng xây dựng đất nước
Giao lưu nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” - Phát huy tinh thần và hào khí của đại thắng mùa Xuân năm 1975
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: LT
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” được tổ chức ngày hôm nay là những giai điệu khắc sâu, để tưởng nhớ và tri ân các nhà lãnh đạo tiền bối; các anh hùng liệt sĩ và đồng chí, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ: “Trong thời khắc thiêng liêng, xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới – người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã cống hiến máu xương, trí tuệ, tài năng, công sức, của cải cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại”.
Mỗi tiết mục biểu diễn là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh và âm nhạc. Ảnh: LT
Thời kỳ cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ở miền Bắc, báo chí vừa phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, vừa đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, xây dựng cuộc sống mới, góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới. Ở miền Nam, báo chí tập trung phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Báo chí đã trở thành lực lượng tuyên truyền, cổ động, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược. Hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí đã có sự đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là giai đoạn huy hoàng, với nhiều nỗ lực vượt bậc, nhiều chiến công rực rỡ, nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh của những người làm báo trên cả nước.
Chương trình “Hào khí Việt Nam” là bản hùng ca của mùa xuân đại thắng. Ảnh: LT
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Phát huy tinh thần của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, chúng ta chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện bằng được mong ước của Bác Hồ kính yêu: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng với sự hy sinh to lớn, cao cả của đồng chí, đồng bào, của các anh hùng liệt sỹ.
Đội ngũ những người làm báo trên cả nước cần phải ra sức học tập đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, phong cách; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng”.
Những kỷ niệm không quên của nhà báo chiến trường
Tại chương trình, các đại biểu đã được xem các phóng sự là những hình ảnh sống động, các bài ca đi cùng năm tháng đan xen mạch cảm xúc không quên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Đó là những hình ảnh tái hiện được những năm tháng hào hùng của dân tộc. Khán giả còn được nghe những ca khúc, tiết mục được trau chuốt tới từng chi tiết biểu diễn… đem lại thật nhiều cảm xúc cho khán giả về một giai đoạn hào hùng của dân tộc.
Trong phần giao lưu, khán giả được nghe những chia sẻ của nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: LT
Trong chương trình, khán giả được nghe những chia sẻ của nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam về những ngày tháng Tư lịch sử.
Được nghe chia sẻ về những kỷ niệm không quên của các nhà báo chiến trường, vinh dự được có mặt trong giờ phút lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính thức ghi dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, Bắc – Nam sum họp.
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại: Trưa 30/4/1975 tôi tới được Dinh Độc Lập. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi lao vào thu thập ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào? Ta tuyên bố chiến thắng như ra sao?
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại buổi trưa 30/4/1975 khi ông tới được Dinh Độc Lập. Ảnh: LT
Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ “Khi tôi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của bến Cảng Sài Gòn với hàng trăm đồng bào tay cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn Quân Giải phóng tiến vào bừng hiện ngay trước mắt. Và tôi đã viết những dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" làm tựa đề cho bài tường thuật. Bài tường thuật đó của tôi được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng".
Nhắc tới cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", một cuốn sách vừa có giá trị về văn học vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự: Lúc đó tôi nghĩ mình tham gia chiến dịch từ đầu, chứng kiến toàn bộ hành trình tiến về Sài Gòn, may mắn có mặt ở đó, vì thế tôi có ý tưởng phục dựng lại sự sụp đổ của chính quyền Ngụy từ phía bên kia, đó là phút lóe sáng định mệnh, gắn với tôi suốt hơn 40 năm qua… từ đó tôi tập hợp được khối tư liệu đồ sộ để tạo ra những cuốn sách này.
Đồng chí Lê Quốc Minh tặng hoa cảm ơn các nhà báo chiến trường và cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ và cựu chiến binh Trần Bình Yên. Ảnh: LT
Cũng tại Chương trình, khán giả được chứng kiến những giây phút xúc động khi nhà báo Trần Mai Hưởng gặp lại người lái xe tăng và pháo thủ trong bức ảnh ông chụp năm xưa. Được nghe cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ và cựu chiến binh Trần Bình Yên nhớ lại những năm tháng chiến đấu và giờ dùng xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Đó cuộc gặp gỡ bất ngờ với những cái ôm thật chặt giữa những người trở về từ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam…
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hào khí Việt Nam” được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lần này nhằm lan tỏa thông điệp của tình yêu, ý chí và của khát vọng Việt Nam. Đó là tình yêu đất nước, ý chí bảo vệ Độc lập chủ quyền của Tổ quốc và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng cường, hòa bình và hạnh phúc.
Chương trình đem lại thật nhiều cảm xúc cho khán giả về một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Ảnh: LT
Nhân dịp này, Ban tổ chức Chương trình cám ơn sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí, Tổng Công ty Phát điện 1. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện truyền hình trực tiếp trên sóng H1.