Hào phóng 'lộc biển'

Với ngư dân quanh năm bám biển mưu sinh ở Đà Nẵng, có những 'lộc biển' đến bất ngờ, mang lại cho ngư dân một khoản thu nhập đáng kể ngoài những vụ cá chính. Thời gian này, nhiều ngư dân Đà Nẵng đã trúng mùa ruốc biển, có thu nhập cao hơn.

Những ngày này, làng biển Thọ Quang (Đà Nẵng) nhộn nhịp từ sáng sớm. Từng ghe thuyền đầy ắp ruốc cập bờ mang theo niềm vui khôn xiết cho ngư dân. Từ sáng sớm, hàng nghìn người tấp nập về bãi biển để mua bán và vận chuyển ruốc đi phơi.

Theo một số ngư dân, địa điểm khai thác ruốc là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km. Vào mùa này, ruốc tụ lại từng đám, có lúc nổi dật dờ theo con sóng biển ven bờ, có lúc nằm dày đặc ngay bờ biển. Mùa khai thác ruốc thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay ruốc xuất hiện muộn hơn, nhưng giá bán lại cao nên ngư dân rất vui.

Thế nhưng, để có được “lộc biển”, ngư dân phải vô cùng vất vả mới đánh bắt được. Ngay từ sáng sớm, từng quầng ruốc biển rất lớn di chuyển men theo những mép sóng. Chúng bắn tanh tách trên mặt nước, rào rào như cơm sôi. Chỉ trong chốc lát, hàng chục ngư dân ở trong làng biển đã lũ lượt kéo nhau ra, trên tay của họ là những tay lưới dày được thiết kế để kéo ruốc. Mỗi tay lưới kéo dài hơn 20 mét, hai bên được cặp vào hai thanh tre dài để chống cho lưới căng, phía dưới là những cục chì lớn để ép lưới xuống sát đáy biển, sau cùng là một cái đụt rất dài là nơi ruốc kéo được đọng lại ở đó.

Một đụt ruốc vừa được kéo lên

Một đụt ruốc vừa được kéo lên

Phụ nữ đảm nhiệm công việc mua bán và phơi ruốc

Phụ nữ đảm nhiệm công việc mua bán và phơi ruốc

Tùy theo luồng ruốc mà ngư dân sử dụng loại lưới riêng để đánh bắt. Một ngư dân cho biết, ruốc bắt từ mành dã ở nước 5-7 sải, gọi là ruốc dã; ruốc đánh được từ việc kéo lưới bằng đi bộ ven bờ gọi là ruốc kéo; từ việc lặn xuống đáy biển dùng lưới nhỏ mà vớt gọi là ruốc lặn; từ loại vó ở ngoài khơi gọi là ruốc te...

Mùa ruốc, trên bãi biển đông như hội. Cứ hai người một tay lưới, họ giăng ngang đi song song với nhau ở mực nước chỉ ngang ngực trở vào. Họ kéo tay lưới đi song song với mép sóng đón đàn ruốc bơi vào phía sau tay lưới và chui hết vào cái đụt bằng lưới dài ngoằng. Chỉ trong chốc lát, những cái đụt phía sau mỗi tay lưới đã đầy ắp những chú ruốc biển đỏ au.

Ông Trịnh Văn Bái (62 tuổi) cho biết, trong các loại nghề lưới ruốc thì đánh ruốc bãi ngang là khó nhất, bởi con ruốc nằm ở độ sâu 5-7m so với mặt nước biển nên rất khó phát hiện. Nhiều chủ tàu thường mời những người cao niên có kinh nghiệm nhìn “màu ruốc” cùng đi biển để giúp họ đánh bắt. Để cào ruốc, ngư dân dùng một chiếc thuyền máy gắn một lưới cào chạy dọc bờ biển. Khi nào người “hoa tiêu” đứng ở mũi thuyền phát hiện đàn ruốc thì ra hiệu lệnh cho những người còn lại hạ lưới xuống, người điều khiển máy rồ ga cho thuyền chạy nhanh. Chưa đầy 1 phút, lưới cào được kéo lên, mang theo 10-20kg ruốc tươi...

Vừa bê giỏ ruốc vào bờ, ngư dân Đỗ Thành Long vừa nói: “So với những mùa trước, năm nay ruốc xuất hiện tuy muộn, nhưng gần bờ, việc khai thác thuận lợi nên ai nấy đều phấn khởi. Bình quân mỗi lần ông ra khai thác được hơn 1,5 tạ ruốc/ngày, có người khai thác được gần 1 tấn. Ngư dân rất vui bởi năm nay ruốc trúng mùa, bán được giá. Với giá bán 20.000 đồng/kg ruốc tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân thu được 700.000-1,5 triệu đồng/người/ngày. Giá cao cũng vui nhưng khá vất vả, bởi chỉ cần chậm chân là quầng ruốc đi mất”.

Ngư dân Phạm Văn Khiêm thì cho hay: “Hơn một tuần nay thấy ruốc xuất hiện nhiều, lại gần bờ, nên anh em tôi ở nhà đi khai thác ruốc. Trung bình mỗi ngày khai thác được 2-3 tạ ruốc. Sau mỗi ngày ra khơi, mỗi người được chia 700.000-1,5 triệu đồng, cũng có hôm được 2-3 triệu đồng”. Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Thạnh cười tươi nói: “Gần 1 tuần nay, ngày nào hai anh em tôi cũng đi khai thác ruốc. Trung bình mỗi ngày chúng tôi đánh bắt được 3 tạ ruốc. Công việc tuy vất vả, nhưng giá ruốc đang cao nên anh em đều quên hết nhọc nhằn. Chỉ riêng từ sáng đến trưa ngày 26-4, hai anh em tôi khai thác gần 4 triệu đồng tiền ruốc, trừ chi phí, mỗi người cũng được hơn 1,5 triệu đồng”, anh Thạnh bộc bạch.

Những ngày này, từng chuyến tàu đầy ắp ruốc lần lượt cập bến. Mùa biển năm nay, ngư dân đã ấm lòng hơn nhờ ruốc. Tàu vừa cập bến, chị Nguyễn Thị Mai đã nhanh tay đưa khay cho các ngư dân trên tàu QN 48345 cho đầy ruốc vào. Gần một tuần qua, chị Mai cứ túc trực tại bến cá để mua ruốc tươi về phơi khô, rồi bán cho tiểu thương. Chị Mai cho biết, hiện giá ruốc khô dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg. Mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Dù đây chỉ là nghề phụ của dân biển nhưng thu nhập lại cao. So với năm trước, giá ruốc cao hơn 10.000-20.000 đồng/kg. Nhờ đó mà nhiều gia đình cũng bớt túng thiếu”.

Một lão ngư cho biết, thời điểm bây giờ đã là cuối vụ ruốc nên cả làng đều bất ngờ khi thấy ruốc áp bờ nhiều như vậy. Ruốc vào bờ sẽ kéo theo rất nhiều cá nục, cá trích, cá cơm..., đặc biệt là ghẹ, vì ruốc chính là nguồn thức ăn chúng ưa thích. Lão ngư dự đoán trong những ngày tới có thể ngư dân quanh vùng này sẽ lại trúng mùa các loại cá, có thể được cả mùa ghẹ nữa.

Biển dữ dội nhưng nhiều khi cũng thật là hào phóng khi ban “lộc biển” cho ngư dân

Tiêu Dao

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hao-phong-loc-bien-606203.html