Hấp dẫn ngành Lập trình game
Ngành sản xuất game đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng tại Việt Nam trong những năm qua.
Theo thống kê của App Annie, cứ 25 trò chơi được tải xuống trên toàn cầu sẽ có 1 trò chơi được sản xuất tại Việt Nam. Đáng chú ý, chỉ riêng tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 430.000 nhà phát triển game và đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Cùng với sự phát triển của thị trường, nhu cầu nhân sự ngành game cũng tăng cao. Nhận định về tình hình nhân sự ngành này, ông Vũ Duy Tiếp - Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Topebox cho biết: Ngành Game ở Việt Nam hiện nay thực sự ‘khát’ nguồn nhân lực, cụ thể là đội ngũ lập trình, code Game 2D, 3D. Ngành này, mức lương cho người lao động dao động từ 15 - 50 triệu, thậm chí nhiều hơn vẫn khó tuyển người.
Tất nhiên, theo ông Vũ Duy Tiếp, ngành nghề Lập trình game có khá nhiều đặc thù. Trong đó, sự sáng tạo, tính logic, tinh thần học hỏi, một chút tham vọng mong muốn được đối đầu với những thách thức sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng tầm các sản phẩm game mang thương hiệu Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu nhân lực, một số trường ĐH, CĐ đã đào tạo chuyên ngành này. Như tại Trường CĐ FPT Polytechnic, từ năm 2023, nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành Lập trình game theo phương thức xét tuyển tại cơ sở: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên và Cần Thơ.
Theo thầy Trần Duy Phong, Trưởng Ban đào tạo Trường CĐ FPT Polytechnic cơ sở TP.HCM, chương trình đào tạo chuyên ngành Lập trình game của nhà trường đã vượt qua 3 vòng thẩm định chặt chẽ của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất game tại Việt Nam.
Cụ thể, sinh viên sẽ được xây dựng nền tảng kiến thức dựa trên nhu cầu và tình hình thực tế của ngành sản xuất game, đồng thời có cơ hội tham gia trực tiếp vào các dự án thực tế do doanh nghiệp “đặt hàng”.
Được biết, khung chương trình đào tạo Lập trình game đã được nghiên cứu và sắp xếp để mỗi môn học là một trải nghiệm theo từng cấp độ và có tính liên kết xuyên suốt.
Ngoài việc tập trung học tập, thực hành lập trình game 2D & 3D trên nền tảng Mobile, sinh viên còn được học những kiến thức liên quan khác về thiết kế đồ họa, tạo hình chuyển động, xây dựng cốt truyện trong game. Qua đó, sinh viên có thể hoàn thành những sản phẩm từ nhỏ nhất cho tới khi tự thân sản xuất hoàn chỉnh tựa game mà mình mong muốn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hap-dan-nganh-lap-trinh-game-post636078.html