Hấp lực Bình Dương với nhà đầu tư trong và ngoài nước

Dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đổ vào Bình Dương đạt gần 40 tỷ đô la Mỹ, nếu tính cả vốn đầu tư trong nước, tỉnh đã thu hút được hơn 67 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng, tiếp tục “trải chiếu hoa mời gọi” thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhiều nhà đầu tư mạnh trong và ngoài nước chọn Bình Dương để triển khai dự án. Trong ảnh: Mô hình nhà máy Lego được xây dựng tại KCN VSIP III, Bình Dương

Vốn nội dồi dào

Vượt lên những khó khăn, thách thức, năm 2022, tổng số vốn đăng ký của DN trong nước vào Bình Dương đạt 100.266 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ đô la Mỹ), tăng 28% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên Bình Dương thu hút đầu tư trong nước cao hơn vốn FDI. Đến thời điểm này, Bình Dương vẫn đang là một trong những địa phương thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ các tập đoàn, DN trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm, việc thu hút được các nhà đầu tư cho thấy tiềm năng phát triển của Bình Dương đang còn rất lớn. Mặt khác, điều này cũng chứng minh những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã, đang phát huy hiệu quả, tạo dựng được niềm tin với nhà đầu tư.

Đến nay, dòng vốn FDI đã trở thành động lực giúp Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, năng động. Hầu hết nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng về vốn và công nghệ, như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... đều đã có mặt tại Bình Dương. Lũy kế đến nay, Bình Dương có trên 4.100 dự án FDI từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước, chiếm hơn 11% tổng vốn FDI.

4 tháng đầu năm 2023, Bình Dương đã thu hút được 1.792 DN đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn trên 10.682 tỷ đồng và 492 DN điều chỉnh vốn, với tổng số vốn tăng thêm trên 10.250 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 61.390 DN đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 650.296 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2023, có một số dự án lớn của DN trong nước vẫn tự tin đầu tư vào tỉnh.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ Thaco Industries, Bình Dương có rất nhiều thế mạnh để xây dựng khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ. Tỉnh có cộng đồng DN lớn mạnh, có các lợi thế về hạ tầng, quỹ đất và sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền. Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ). KCN cơ khí hỗ trợ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Vốn ngoại chất lượng

Sau nửa năm kể từ ngày khởi công, dự án xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại VSIP III đang được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Trên công trường, nhà thầu đang khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục, phần việc theo đúng tiến độ. Trao đổi với chúng tôi, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam, cho biết công ty đang tiến hành song song rất nhiều quy trình quan trọng như thành lập pháp nhân rồi bắt đầu tiến hành tuyển dụng lao động để nhà máy hoạt động vào quý III- 2024.

Dòng vốn FDI vào Bình Dương thời gian gần đây đã được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo… đã lựa chọn Bình Dương làm điểm đến. Sau LEGO - dự án công nghệ cao lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 được đầu tư vào tỉnh, là nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo sản xuất đồ trang sức của Pandora (Đan Mạch), gần đây nhất là Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) quyết định đầu tư phát triển cụm công nghiệp trung hòa carbon (Net Zero) đầu tiên tại tỉnh… Những dự án này sẽ tiếp tục nâng tầm chất lượng, lựa chọn công nghệ đầu tư đúng như định hướng phát triển mà Bình Dương đã đặt ra.

Khu vực FDI đang đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động. 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 843 triệu đô la Mỹ.

Chọn Bình Dương là điểm đầu tư và xây dựng các dự án với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, Tập đoàn Warburg Pincus đầu tư dự án có quy mô 75 ha tại thành phố mới Bình Dương gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho hàng không nối dài, kho thương mại điện tử xuyên biên giới - kho phân đôi, kho ngoại quan, trung tâm dữ liệu VNTT, Showroom… Ông Charles R.Kaye, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ), cho biết trải qua thời gian khó khăn, Bình Dương vẫn thu hút đầu tư mạnh. Đây là một minh chứng cho thấy Bình Dương là địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi, an toàn và là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong đó có DN Hoa Kỳ.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương đang chủ động thực hiện các giải pháp để thu hút dòng vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng thành phố thông minh và KCN khoa học công nghệ trở thành điểm đến lý tưởng để nhà đầu tư đến làm việc và sinh sống. Tỉnh cũng đang chuẩn bị thật tốt các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh… Tỉnh tiếp tục phát huy tốt nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, tạo giá trị gia tăng mới cho kinh tế địa phương.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hap-luc-binh-duong-voi-nha-dau-tu-trong-va-ngoai-nuoc-a296145.html