Hấp lực từ đề tài lịch sử

Gần đây, sân khấu cải lương, tuồng, chèo, kịch nói có khá nhiều vở diễn đề tài lịch sử. Trong đó có vở dàn dựng theo phong cách hiện đại, tạo sự thu hút khán giả nhiều lứa tuổi, nhất là người trẻ.

Lịch sử đất nước ta trải qua nhiều giai đoạn bi hùng, với nhiều sự kiện đặc biệt, những con người lừng lẫy. Đó chính là hấp lực, là nguồn tư liệu quý giá để các tác giả, soạn giả xây dựng nên những kịch bản sân khấu. Tuy nhiên, kịch bản sân khấu đề tài lịch sử lại không dễ thực hiện. Từ khâu sáng tác đã phải có sự cân nhắc, cẩn trọng trong sử dụng tư liệu; việc dàn dựng, đầu tư, thiết kế phục trang, cảnh trí, đạo cụ... cũng phải chỉn chu. Nhất là yếu tố hư cấu trong sáng tác đòi hỏi người viết phải cân nhắc giữa những gì mà tài liệu lịch sử để lại với các góc khuất, truyền thuyết để những sáng tạo không gây phản cảm, sai lệch về nội dung.

Trong số những vở diễn có đề tài lịch sử gần đây, có thể kể đến “Tình sử Thăng Long” - phóng tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân của cố soạn giả Lưu Quang Vũ, “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt”, “Sấm vang dòng Như Nguyệt”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”… Tuy thành công ở các mức khác nhau nhưng những vở diễn đó đều truyền cảm hứng về lịch sử dân tộc với nhiều cung bậc cảm xúc đem đến cho người xem.

Nhân câu chuyện này, lại nhớ đến kịch tác gia Tào Mạt với bộ 3 tác phẩm Chèo “Bài ca giữ nước” vang dội trong suốt những năm 1980 thế kỷ XX. Xâu chuỗi từ hành trạng nhân vật Hề Hoạn, tác giả kể câu chuyện hồi giữa thế kỷ XI, khi minh quân Lý Thánh Tông đem lòng yêu rồi cưới nàng Ỷ Lan làm Nguyên phi. Tác phẩm thật đặc biệt khi tác giả để nhà Vua và Nguyên phi thường cùng đối ẩm và luận đàm chính sự. Sau này, con của Nguyên phi Ỷ Lan được phong Thái tử rồi đăng cơ làm Hoàng đế Lý Nhân Tông.

“Bài ca giữ nước” là một tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng lại được chia thành 3 vở diễn. Gồm vở thượng: “Lý Thánh Tông tuyển hiền”; vở trung: “Ỷ Lan nhiếp chính” và vở hạ: “Lý Nhân Tông kế nghiệp”.

Ngay sau khi xuất hiện, “Bài ca giữ nước” đã như một tia chớp chói lòa trên bầu trời sân khấu lúc bấy giờ. Theo thời gian, tác phẩm được coi là một pho Chèo kinh điển của sân khấu Việt Nam, được đưa vào chương trình đào tạo diễn viên Chèo. Tác phẩm được nhiều nhà hát dàn dựng, thậm chí chuyển soạn thành cải lương, kịch nói. Đặc biệt, tích “Lột mũ áo quan tri châu” và tích “Chôn hề” đã trở thành 2 kịch mục riêng, đưa diễn viên thủ vai là Quốc Trượng và Ngọc Viễn trở thành Nghệ sĩ nhân dân.

Tác giả Tào Mạt với “Bài ca giữ nước” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt 1 (năm 1996).

Cho đến mãi sau này, người ta vẫn xúc động khi đọc “Bài ca giữ nước” được in thành sách. Xúc động bởi chính tâm sự gửi gắm nỗi niềm của soạn giả Tào Mạt. Những sáng tạo nghệ thuật của riêng ông trên nền lịch sử hóa ra lại rất thuyết phục.

Lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc là nguồn cảm hứng bất tận đối với người sáng tạo nghệ thuật. Và chính họ đã làm lịch sử trở nên sống động. Họ là những người đáng trân trọng vì đã nối dài sợi dây từ quá khứ đến hiện tại, để lịch sử mãi là tấm gương cho người đời sau soi chung.

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hap-luc-tu-de-tai-lich-su-10283393.html