Hấp thụ vốn, không chỉ chờ 'đũa thần' hạ lãi suất
Bên cạnh việc hạ lãi suất, nhiều ngân hàng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, địa phương gỡ vướng thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản để khơi thông gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; trong đó có các chính sách tăng tổng cầu để doanh nghiệp hấp thụ vốn.
Tiết giảm chi phí để duy trì gói lãi suất thấp
Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động, tháng 3/2024, nhiều ngân hàng tăng cường các gói tín dụng lãi suất thấp để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua nhà, tiêu dùng..., đặc biệt thúc đẩy tín dụng xanh.
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đã triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4,3%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 6,8%/năm đối với cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa tăng hạn mức tín dụng “Ưu đãi vay - Rồng phát tài” từ 18.000 tỷ đồng lên 23.000 tỷ đồng nhằm giúp khách hàng cá nhân bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường cũng như mua sắm, thanh toán, chi tiêu.... Theo đó, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm xuống còn từ 5,79%; lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6,39%. SHB cũng dành 10.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với lãi suất giảm từ 5,8%/năm và gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm. Mức lãi suất này áp dụng với các khoản vay mới và kéo dài đến hết ngày 31/12/2024.
Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết liệt trong chỉ đạo để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Ngân hàng hiện đã phê duyệt được 8 dự án với 2.470 tỷ đồng và dư nợ thực tế đến nay là 420 tỷ đồng. Với chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm - thủy sản, năm 2023 đã triển khai 3.000 tỷ đồng và Agribank tiếp tục mở rộng kéo dài chương trình tăng quy mô thêm 5.000 tỷ đồng nữa. Theo đó, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, gói tín dụng Step Up của VietinBank có giá trị đến 300.000 tỷ đồng đang dành cho doanh nghiệp vay vốn kinh doanh với lãi suất 5%/năm. Mức lãi suất ưu đãi này áp dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng gói dịch vụ của ngân hàng.
Hợp lực để khơi thông vốn
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNTVN) Đặng Hồng Anh cho biết: Theo khảo sát của Hội DNTVN, tỷ lệ lãi suất ngân hàng hiện tại của các doanh nghiệp hội viên khoảng 8 - 12%/năm. Tuy mức lãi suất này đã giảm so với đầu năm 2023, song vẫn là áp lực đối với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, sức mua trong nước yếu và xuất khẩu chưa cao.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản) kiến nghị các giải pháp gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý hoặc mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
“Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ, nhưng để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, giải pháp cấp thiết trước mắt là cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có chính sách ân hạn nợ gốc trong 2 - 3 năm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng, định hướng tín dụng thời gian tới của Vietcombank là an toàn, hiệu quả. 83% tỷ trọng dư nợ của Vietcombank đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
“Lãi suất hiện không còn là vấn đề. Các ngân hàng dư thanh khoản nên sẵn sàng cấp vốn. Cầu tín dụng chủ yếu ở khả năng hấp thụ vốn của khách hàng cũng như phương án dự án. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần cải thiện những điều kiện của ngân hàng đưa ra để hấp thụ được vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng trong việc tháo gỡ những vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp liên quan đến vay vốn ngân hàng”, ông Tùng cho biết.
Chẳng hạn, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh quy hoạch để có cơ sở xác định giá bất động sản, giúp ngân hàng đánh giá tài sản thế chấp vay vốn của khách hàng. Các chính sách tín dụng mới như cho vay năng lượng tái tạo, các bộ, ngành, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn, có giá trị pháp lý cụ thể.
Đề cập gói vay cho lĩnh vực tam nông, nhiều lãnh đạo ngân hàng mong muốn chính quyền địa phương thúc đẩy cơ chế đầu tư theo chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản. Khi ngân hàng cấp tín dụng cho chuỗi giá trị sản phẩm như tôm, cá... sẽ hình thành liên kết 3 nhà là doanh nghiệp - người dân - ngân hàng.
“Phía ngân hàng cho vay có trách nhiệm giám sát dòng tiền, cấp vốn theo tỷ lệ của chuỗi giá trị nên khách hàng không còn lo về hạn mức tín dụng và thiếu tài sản thế chấp vay vốn. Tuy nhiên cần thêm một “nhà” - đó là Nhà nước với vai trò tạo ra cơ chế pháp lý để ràng buộc và có chế tài để ngăn chặn không một thực thể nào có thể phá vỡ, chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp”, lãnh đạo Agribank cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Nguyễn Văn Thân cho rằng, việc hạ thấp điều kiện cho vay là không thể vì vi phạm luật quốc tế, vi phạm đảm bảo an toàn đồng vốn, cho nên phải tìm phương pháp khác.
“Ngân hàng không phải là cơ quan duy nhất có thể để cho doanh nghiệp vay. Chúng ta có rất nhiều nguồn, ví dụ vấn đề tài khóa. Chính sách tài khóa của chúng ta hiện có những gói cho vay 1%”, ông Nguyễn Văn Thân cho biết. Ngoài ra, các quỹ hỗ trợ là công cụ rất ý nghĩa để có thể giúp các DNNVV không đủ kiều kiện vay vốn ngân hàng.