Harry Houghton – điệp viên làm việc chỉ vì tiền
Không như nhiều điệp viên khác, Harry Houghton làm việc cho tình báo đối ngoại Liên Xô không phải vì khuynh hướng chính trị mà vì vụ lợi. Nhờ cung cấp các tài liệu mật, ông ta và tình nhân được trả những khoản thù lao lớn. Tiền mang lại cho họ một cuộc sống xa hoa và phóng đãng. Nhưng chính điều đó đã dẫn tới thất bại của mạng lưới tình báo.
Nhân viên mật mã tai tiếng
Harry Houghton sinh năm 1904 ở đảo Portland thuộc Vương quốc Anh. Ít lâu sau, hải cảng trên hòn đảo này trở thành một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của NATO. Không có gì ngạc nhiên là hầu hết các cậu bé ở Portland đều chọn nghề thủy thủ. Houghton cũng không ngoại lệ. Năm 15 tuổi, ông gia nhập Hải quân Hoàng gia, phục vụ trên một pháo hạm chuyên hoạt động ở châu Á.
Houghton tiến rất nhanh trên con đường binh nghiệp. Đầu Thế chiến II, ông đã chỉ huy một đơn vị cảnh sát quân sự trên một tuần dương hạm. Chức vụ không lớn lắm, nhưng rất quan trọng. Sau đó, ông vào học Trường Cao đẳng Hải quân và trở thành sĩ quan sau khi tốt nghiệp.
Trong Thế chiến II, Houghton thường xuyên ghé thăm các cảng Murmansk và Arkhangelsk của Liên Xô, hộ tống các tàu buôn cung cấp hàng hóa và vũ khí cho Liên Xô theo chương trình Lend-Lease (cho vay-mượn). Một số nhà nghiên cứu lịch sử tình báo cho rằng Houghton đã được tình báo Liên Xô tuyển mộ vào thời kỳ này. Tuy nhiên, không phải như vậy. Ông chỉ được chú ý vào năm 1951.
Sau chiến tranh, được đào tạo để trở thành nhân viên kỹ thuật mật mã, Houghton vào làm việc tại ngoại giao đoàn. Năm 1951, ông phụ trách bộ phận cơ yếu của tùy viên hải quân Anh ở Warsaw. Tại một trong những sự kiện ngoại giao với sự có mặt của đại diện các sứ quán nước ngoài ở Ba Lan, Houghton đã cãi nhau với vợ. Ngồi cạnh vợ chồng Houghton, một cán bộ đại sứ quán Liên Xô biết tiếng Anh đã nắm bắt được nội dung của cuộc tranh cãi. Hóa ra, người phụ nữ trách chồng đốt hết tiền lương vào nhà hàng và nhân tình, mà không đưa cho vợ đồng nào.
Hai vợ chồng tranh cãi gay gắt đến mức Houghton túm cổ vợ đẩy ra khỏi tòa nhà sứ quán. Trở về cơ quan, nhà ngoại giao Liên Xô viết một bản báo cáo về vụ việc nói trên. Sau khi bản báo cáo lọt vào tay tình báo Liên Xô, Moscow ra lệnh tìm hiểu thêm về nhà ngoại giao tai tiếng.
Chẳng bao lâu, người ta phát hiện ra rằng Houghton có một lối sống phóng đãng, nghiện rượu và gian lận trên thị trường chợ đen. Hơn nữa, sử dụng các mối quan hệ ngoại giao, ông ta mở một kênh cung cấp thuốc tân dược từ Anh sang Ba Lan và bán với giá cắt cổ. Đây quả là một “miếng mồi” ngon cho việc tuyển mộ, nhưng các nhân viên tình báo Liên Xô đã chậm chân. Sau vụ bê bối ở đại sứ quán, tùy viên hải quân Anh yêu cầu triệu hồi nhân viên kỹ thuật mật mã tai tiếng về nước. Vì vậy, khi tình báo Liên Xô chuẩn bị sẵn sàng tuyển mộ Houghton thì ông ta đã ở Anh.
Bắt đầu hoạt động gián điệp
Bốn năm tiếp theo trong cuộc đời Houghton diễn ra khá sôi nổi. Trở về Portland, ông ta ly dị vợ, bị vợ chiếm mất ngôi nhà và phần lớn tiền bạc ky cóp được nhờ đầu cơ ở Ba Lan. Phần tài sản còn lại Houghton nướng vào rượu chè. Đến năm 1956, ông ta sống trong một túp lều di động có bánh xe được gọi là "caravan". Houghton đã xoay xở được một chức vụ nhỏ tại căn cứ hải quân của NATO ở Portland. Bản thân ông ta không được tiếp cận các tài liệu bí mật của quân đội Anh trong lĩnh vực hải quân ở Portland. Nhưng tình nhân của ông, Ethel Gee, được tiếp cận các bí mật đó. Chính điều này đã khiến tình báo Liên Xô nhớ lại câu chuyện ở Warsaw và quyết định chiêu mộ Houghton.
Nhiệm vụ này được giao cho nhân viên tình báo Liên Xô Konon Molody bấy giờ sống ở Anh dưới cái tên Gordon Lonsdale. Sau khi nghiên cứu hồ sơ của Houghton, Lonsdale quyết định thiết lập quan hệ với ông ta trên cơ sở lợi ích tài chính thuần túy. Lonsdale tự giới thiệu với Houghton là đại diện của tình báo Mỹ và muốn mua một số bí mật của hạm đội Anh với một khoản tiền rất lớn. Houghton chấp nhận đề nghị bằng cả hai tay. Ông ta đang thiếu tiền, mà ở đây giống như làm việc cho nước đồng minh ...
Theo một giả thuyết khác, Houghton được tuyển mộ lúc còn ở Warsaw. Nhưng không hiểu sao mãi đến năm 1956, ông ta vẫn chưa cung cấp thông tin nào cho tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, rất có thể, ông ta đã cung cấp, nhưng đến nay, thông tin này vẫn được xếp vào loại “tuyệt mật”. Dẫu sao, từ năm 1956, Houghton bắt đầu tích cực thu thập thông tin mật. Đây cũng chính là năm khởi đầu hoạt động gián điệp của ông ta, được ghi nhận trong hồ sơ của các cơ quan bảo vệ pháp luật Anh.
Nhờ công việc kinh doanh phát đạt ở Anh, chẳng bao lâu, Molody-Lonsdale trở thành nhà triệu phú. Chính vì vậy, ông ta có đủ tiền để mua các bí mật mà không cần chờ đợi nguồn tài trợ từ Moscow. Lonsdale là một doanh nhân tài năng thực sự. Ông thành lập công ty sản xuất và lắp đặt máy bán hàng tự động, sau đó tham gia sản xuất hệ thống tín hiệu trên ôtô. Lợi nhuận tính bằng tiền triệu. Năm 1960, chiếc khóa điện tử được sản xuất tại một trong những doanh nghiệp của ông đã nhận được huy chương vàng tại triển lãm quốc tế ở Brussels. Bằng sáng chế của Lonsdale được rao bán với giá một trăm nghìn bảng Anh (số tiền khổng lồ cho một phát minh vào thời điểm đó). Cùng năm, Lonsdale được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ.
Những bí mật đáng giá tiền tỷ
Nhận được những tài liệu mật quan trọng từ Houghton, qua Ethel, tình nhân của ông ta, Molody-Lonsdale không tiếc tay mở rộng hầu bao của mình. Tiền bạc rủng rỉnh trong túi, cặp đôi bắt đầu sống xa hoa. Hằng tháng, Ethel mua sắm những món đồ trang sức đắt tiền, Houghton thay xe như thay áo, sống trong những khách sạn đắt tiền, đến nhà hàng gần như hằng ngày và nói chung là vung tiền qua cửa sổ. Theo một giả thuyết, chính điều này đã gây ra sự chú ý của cơ quan phản gián Anh MI-5.
Nhưng có một giả thuyết khác xem ra hợp lý hơn. Năm 1960, nhân viên tình báo Ba Lan Michael Goleniewski chạy sang Mỹ. Trong một cuộc trò chuyện với các nhân viên CIA, Goleniewsky nói rằng có một số mật mã vô tuyến nào đó được chuyển từ Anh qua Ba Lan. Y còn kể rằng năm 1951, với sự trợ giúp của các đồng nghiệp Ba Lan, tình báo Liên Xô đã tuyển mộ một nhân viên kỹ thuật mật mã của Đại sứ quán Anh. Thông tin này đã được chuyển cho các nhân viên MI5. Một số người vào thời điểm đó làm việc ở Ba Lan bị nghi ngờ và giám sát chặt chẽ.
Ethel và Harry lấy tài liệu mật từ kho lưu trữ của căn cứ quân sự ở Portland và chuyển cho vợ chồng Cohen (còn được gọi là Kroger). Xin nhắc lại rằng Morris và Leontina Cohen làm việc cho tình báo Liên Xô từ năm 1939, hồi còn sống ở Mỹ. Cuối những năm 40, khi ở Mỹ bắt đầu chiến dịch đàn áp những người có quan điểm cộng sản, vợ chồng Cohen trở về Liên Xô. Tại đây, họ học thông tin vô tuyến và các phương pháp mã hóa hiện đại. Sau đó, họ được cử đến Vương quốc Anh, dưới sự điều hành của Gordon Lonsdale.
Nhận được tài liệu từ Ethel và Harry, hai vợ chồng Cohen đã chụp ảnh và gửi các bản sao về Moscow. Bản gốc được trả lại. Giá trị của thông tin thu được rất khó đo lường: Tàu ngầm hạt nhân, thiết bị nhận dạng "bạn hay thù", thiết bị tìm kiếm và phòng thủ, vũ khí, lò phản ứng cho tàu ngầm và tàu nổi... đều được thiết kế ở Portland.
Theo nhận xét sau này của một số nhân viên tình báo và nhà khoa học Liên Xô, những thông tin tình báo thu được ở Portland đã giúp tổ hợp công nghiệp-quân sự của Liên Xô tiết kiệm hơn 15 tỷ USD. Lonsdale đã chi khoảng 300.000 bảng Anh cho những bí mật này. Số tiền đủ cho Ethel và Harry sống một cuộc sống vương giả. Cuối cùng, chính điều này dẫn tới thất bại của mạng lưới tình báo. Trong số các chuyên gia mật mã làm việc ở Warsaw, Houghton bị nghi ngờ nhiều nhất. Bởi ông ta đã sống vượt quá khả năng của mình.
Sau những lời khai của Goleniewski, Houghton bị giám sát chặt chẽ. Chẳng bao lâu, các nhân viên an ninh đã xác định được mối liên hệ của ông ta với Lonsdale và vợ chồng Cohen-Kroger, ngay lập tức họ bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo Liên Xô. Nói chung, Lonsdale bị theo dõi từ lâu và dần dần tất cả các mối liên hệ của ông ta bị phát hiện. Người Anh rất khẩn trương vì thông tin về việc Goleniewski "bán đứng" Houghton có thể đến tai người Nga, và toàn bộ mạng lưới tình báo có thể biến mất ngay lập tức. Ngày 7/1/1961, cạnh ga tàu điện ngầm Waterloo, Lonsdale và Houghton bị bắt khi đang chuyền tay nhau tài liệu mật. Cùng ngày, Ethel Gee và vợ chồng Cohen-Kroger cũng bị bắt. Trong quá trình khám xét tại nhà vợ chồng Cohen-Kroger, người ta phát hiện ra một máy phát vô tuyến công suất lớn.
Tiếc vì nhận quá ít tiền
Lonsdale thú nhận đã mua các tài liệu mật của Houghton để bán lại, nhưng hoàn toàn phủ nhận mình có liên quan tới tình báo Liên Xô. Thậm chí ông ta còn tìm cách che chắn cho vợ chồng Cohen-Kroger, nói rằng sử dụng họ một cách hú họa. Nhưng tình báo Anh, vốn đang trong thời kỳ suy thoái sâu sắc, cần lấy lại hình ảnh của mình. Vì vậy, họ vội vàng tuyên bố việc bắt giữ mạng lưới tình báo này là một thành công to lớn trong cuộc đọ sức trực diện với tình báo Liên Xô. Nhưng tại phiên tòa, họ không thể chứng minh được sự hợp tác của vợ chồng Cohen-Kroger và Lonsdale với tình báo Liên Xô. Mặc dù vậy, nhóm này vẫn bị buộc tội làm gián điệp cho một quốc gia không xác định và bị kết án nặng nề. Lonsdale lãnh 25 năm tù, hai vợ chồng Cohen-Kroger mỗi người 20 năm, Ethel và Houghton mỗi người 15 năm.
Molody-Lonsdale và vợ chồng Cohen-Kroger về sau được trao đổi với các điệp viên Anh bị bắt ở Liên Xô. Houghton và tình nhân của ông ta ngồi tù gần hết thời hạn. Ra tù, Houghton viết cuốn “Chiến dịch Portland. Tự truyện của một điệp viên”. Cuốn sách gây tiếng vang lớn và được dựng thành phim nhiều lần.
Cho đến khi qua đời, năm 1992, Harry Houghton vẫn không hối hận vì đã hợp tác với tình báo Liên Xô. Những người gần gũi ông trong những năm cuối đời kể rằng Houghton chỉ tiếc là nhận được quá ít tiền vì công việc của mình.