Harvard bị cắt quyền bảo trợ thị thực, 7.000 sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất

Việc chính quyền Mỹ thu hồi quyền truy cập hệ thống SEVIS của Đại học Harvard đồng nghĩa với việc trường không còn đủ điều kiện bảo trợ thị thực cho sinh viên quốc tế. Dù vẫn đang theo học và có thị thực còn hiệu lực, hàng nghìn sinh viên có thể rơi vào tình trạng cư trú không hợp pháp nếu hồ sơ không được cập nhật đúng quy định.

Ngày 20/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định thu hồi quyền truy cập hệ thống SEVIS của Đại học Harvard. Đây là hệ thống bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục tại Mỹ để quản lý sinh viên quốc tế và bảo trợ thị thực.

SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System) là hệ thống dữ liệu điện tử do Bộ An ninh Nội địa Mỹ vận hành, cho phép các trường cập nhật tình trạng học tập của sinh viên nước ngoài nhằm đảm bảo tuân thủ quy định nhập cư trong suốt thời gian lưu trú.

Việc bị cắt quyền truy cập SEVIS đồng nghĩa Đại học Harvard mất khả năng bảo trợ thị thực F-1 và J-1 – hai loại phổ biến dành cho sinh viên và khách trao đổi quốc tế. Quyết định này khiến trường không thể tuyển sinh quốc tế cho năm học 2025–2026, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 sinh viên nước ngoài đang theo học.

Đáng chú ý, ngay cả những sinh viên còn thị thực hợp lệ cũng có thể bị coi là cư trú bất hợp pháp nếu Harvard không còn được công nhận trong khuôn khổ SEVP (Chương trình giám sát sinh viên và khách trao đổi). Trừ khi kịp chuyển sang cơ sở giáo dục khác còn chứng nhận SEVP, hoặc được tòa án can thiệp, họ có nguy cơ buộc phải rời khỏi nước Mỹ.

Trong khi kỳ học kết thúc đang đến gần, không khí hoang mang lan rộng tại các khu ký túc xá, đặc biệt tại Trường Chính phủ Kennedy - nơi sinh viên quốc tế chiếm tới 59%.

Gần 7.000 sinh viên quốc tế tại Harvard đối mặt nguy cơ mất thị thực sau lệnh của chính phủ Mỹ. Ảnh: Harvard.edu

Gần 7.000 sinh viên quốc tế tại Harvard đối mặt nguy cơ mất thị thực sau lệnh của chính phủ Mỹ. Ảnh: Harvard.edu

Sarah Davis, sinh viên đến từ Úc, chia sẻ: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã lên kế hoạch ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp, nhưng giờ mọi thứ hoàn toàn không chắc chắn”.

Sinh viên quốc tế chiếm hơn 25% tổng số sinh viên toàn trường, đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, và là nguồn thu quan trọng về học phí. Gián đoạn tuyển sinh quốc tế không chỉ tác động đến hàng nghìn cá nhân mà còn đe dọa nghiêm trọng bản sắc quốc tế của Harvard - một biểu tượng toàn cầu về học thuật.

Harvard đã lên tiếng phản đối quyết định của chính quyền, cho rằng đây là hành động không phù hợp và có thể bắt nguồn từ những bất đồng quan điểm trước đó giữa hai bên, đặc biệt liên quan đến chính sách học thuật và quyền tự chủ giáo dục. Trường từng từ chối điều chỉnh chính sách học thuật theo yêu cầu của Nhà Trắng, và bị cắt giảm hơn 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang. Hiện tại, Harvard đã đệ đơn kiện Bộ An ninh Nội địa, cáo buộc hành động này vi phạm Hiến pháp, đặc biệt là Tu chính án thứ nhất, vốn bảo vệ quyền tự do học thuật.

Ông Jeff Joseph, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ (AILA), nhận định với tờ The Crimson: “Chính phủ có thể giám sát SEVP, nhưng thu hồi quyền truy cập của một trường như Harvard mà không có quy trình minh bạch là hành động vượt quá thẩm quyền. Điều này đặt toàn bộ sinh viên vào rủi ro pháp lý nghiêm trọng”.

Giáo sư Charles Kuck, Đại học Emory, nhận định quyết định này có thể đối mặt với thách thức pháp lý nếu được đưa ra tòa liên bang, do thiếu rõ ràng và không phù hợp với các nguyên tắc thực thi hiện hành. Ông cũng lưu ý việc thay đổi chính sách thị thực một cách đột ngột có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của hệ thống giáo dục đại học Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế.

Phản ứng từ cộng đồng quốc tế cũng nhanh chóng được ghi nhận. Đại sứ Úc tại Mỹ Kevin Rudd bày tỏ quan ngại trước tác động của quyết định đối với sinh viên, đồng thời cho biết các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ công dân Úc bị ảnh hưởng. Tại Canada, một số trường đại học như McGill và Toronto đã thông báo sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ chuyển tiếp từ các sinh viên quốc tế đang theo học tại Harvard.

Đọc thêm: Ngân hàng Nhật trong vòng xoáy lạm phát và áp lực thuế Mỹ

Giới học thuật bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hệ quả lâu dài mà quyết định này có thể gây ra đối với vị thế quốc tế của giáo dục đại học Mỹ. “Bạn không thể tách yếu tố quốc tế khỏi các trường đại học mà vẫn kỳ vọng chúng duy trì giá trị toàn cầu” - giáo sư Kirsten Weld, chuyên gia lịch sử tại Harvard, nhận định.

Jose Llodra, nghiên cứu sinh đến từ Chile, cũng cho rằng việc hạn chế sự hiện diện của sinh viên quốc tế sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa và chất lượng của các chương trình học toàn cầu, đồng thời làm suy giảm tinh thần hợp tác và đối thoại trong môi trường học thuật.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/harvard-bi-cat-quyen-bao-tro-thi-thuc-7-000-sinh-vien-quoc-te-co-the-bi-truc-xuat.713387.html