Hạt điều đâu chỉ ăn chơi, đến Bình Phước mới thấy trái điều làm được quá nhiều món ngon!
Món gỏi hạt điều / trái điều là đặc sản chỉ duy nhất ở Bình Phước mới có, khiến bao người mê mẩn ngay lần đầu tiên thưởng thức.
Có xuất xứ từ vùng Nam Mỹ, cây điều (hay còn gọi là "đào lộn hột") du nhập vào các nước ở châu Á, châu Phi từ những năm 1550. Tên gọi "đào lộn hột" dùng để mô tả hình dáng đặc biệt của hạt điều.
Thay vì nằm trong ruột như những loại quả khác thì "hạt điều" lại mọc bên dưới "quả". Thật ra, quả điều màu đỏ hoặc màu vàng ta thường thấy do phần cuống phình to tạo thành (gọi là quả giả), còn hạt điều mới chính là quả thật, lộn ra bên ngoài.
Với đặc điểm là cây thân gỗ có tán rộng, bộ rễ khỏe, cây điều sinh trưởng và phát triển tốt ở những quốc gia thuộc khu vực cận xích đạo, nơi có nền nhiệt và độ ẩm cao. Tuy được trồng ở nhiều nơi nhưng thuật ngữ hạt điều thường có chung nguồn gốc. "Hạt điều" trong tiếng thổ dân Tupi ở Brazil gọi là "acaju", tiếng Bồ Đào Nha là "caju", tiếng Anh là "cashew".
Trong số 32 quốc gia trồng điều hiện nay, Ấn Độ là nước có diện tích cây điều lớn nhất thế giới, dẫn đầu cả về sản lượng điều thô và nhân điều chế biến.
Cây điều có mặt ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII do người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mang sang từ Brazil. Được trồng chủ yếu từ Quảng Trị trở vào các tỉnh phía Nam nhưng Bình Phước mới là "thủ phủ hạt điều" với diện tích gieo trồng đạt 175.000ha. Năng suất hạt điều Bình Phước dao động ở mức 600kg/ha, cao hơn mức bình quân của thế giới.
"Thủ phủ hạt điều" còn được biết đến với những rừng cao su trải dài bất tận. Đến với Bình Phước, khách du lịch còn được thưởng thức nhiều món ngon - độc - lạ như lẩu bánh canh cá lóc, ve sầu sữa chiên giòn, đọt mây nướng, lá nhíp, canh thụt... Tuy nhiên, món gỏi hạt điều / trái điều là đặc sản chỉ duy nhất ở Bình Phước mới có, khiến bao người mê mẩn ngay lần đầu tiên thưởng thức.
1. Gỏi trái điều (quả điều)
Tháng 3, tháng 4 hàng năm, điều vào mùa chín rộ. Những quả điều chín đỏ hoặc vàng ươm tỏa hương thơm khắp cả một vùng. Người dân Bình Phước coi điều là nguyên liệu quen thuộc để tạo nên những món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
Để có món gỏi trái điều ngon, đậm đà chuẩn vị, trước tiên, bạn cần chọn những quả vừa chín tới để đảm bảo độ giòn ngọt, vỏ ngoài sáng bóng, trơn nhẵn, vỏ màu vàng hoặc đỏ hồng tự nhiên. Nếu chọn được những quả chín cây có hương thơm tự nhiên, khi ăn sẽ không bị chát.
Trái điều rửa sạch, ngâm vào nước muối pha loãng 10 phút thì xả sạch lại, để ráo. Thái điều thành lát khoảng 2cm. Xoài gọt vỏ thái sợi. Đu đủ bào sợi. Rau răm thái nhỏ; các loại rau húng, rau thơm (nếu thích).
Tôm rửa sạch bóc vỏ, bỏ chỉ đen, luộc chín. Thịt gà (hoặc thịt heo) luộc chín, xé sợi (thịt heo thái mỏng). Hạt điều rang thật thơm và giòn.
Pha 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước chanh, thêm tỏi ớt băm nhuyễn nếu bạn thích ăn cay. Khuấy đều cho tan hỗn hợp (vì xoài đã sẵn vị chua nên có thể giảm lượng nước cốt chanh lại).
Cho xoài, trái điều, thịt, rau răm, rau thơm vào tô, thêm hạt điều, nước mắm chua ngọt vào trộn đều. Bày ra đĩa, ăn kèm bánh tráng nướng hoặc các món mặn trong mâm cơm.
Gắp một miếng gỏi trái điều bỏ vào miệng, thực khách sẽ bị chinh phục bởi sự hòa quyện của trái điều chát nhẹ, vị chua ngọt, giòn giòn của đu đủ, xoài xanh, nhất là cái vị ngọt béo, giòn bùi và thơm ngậy, hấp dẫn của hạt điều. Món gỏi trái điều dân dã, thích hợp ăn trong ngày hè nắng nóng, mang đậm nét đặc trưng của quê hương Bình Phước.
2. Canh chua trái điều
Nguyên liệu:
3 quả điều chín vừa ăn; 100g đậu bắp; 100g giá đỗ; 2 quả cà chua chín; 200 tép; me chua; rau nêm ăn cùng, ớt.
Gia vị: Đường, muối, nước mắm, bột ngọt.
Chế biến:
Tép mua về cắt bỏ đầu, đuôi, rửa sạch sẽ để ráo nước. Quả điều bỏ phần hạt, rửa sạch, xắt miếng vừa ăn. Đậu bắp rửa sạch, thái vát. Cà chua, giá đỗ, rau nêm rửa sạch.
Đập tỏi, băm nhuyễn. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu sôi cho tỏi vào phi vàng, sau đó cho tép vào đảo để khử mùi tanh. Khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Đun sôi nước, cho me vào đun khoảng 5 phút thì vớt ra, đổ nước sôi vào bát me, dùng muỗng dầm nát để me ra chất chua. Sau đó dùng rây lấy nước chua, bỏ hạt.
Tiếp đến, cho điều vào đun sôi khoảng 5 phút. Khi điều chín mềm thì bỏ tép vào, nêm gia vị gồm đường, muối, nước mắm, bột ngọt. Nêm nếm tùy theo khẩu vị của các thành viên trong gia đình.
Thả vài lát ớt thái lát nhỏ, tắt bếp khi canh đang sôi rồi cho đậu bắp, cà chua, giá đỗ và rau nêm vào. Cho rau ngay sau khi tắt bếp giúp rau không bị mềm nhũn, món canh sẽ thơm ngon hơn. Múc canh ra tô và thưởng thức.
Trái điều còn sống thì vừa chua vừa ngọt lại có vị chát nhưng khi nấu canh, vị chát biến mất còn vị chua ngọt được hòa lẫn trong nước canh, đậm đà khó tả. Húp muỗng nước canh, cũng rau nhút cũng cà chua cũng cần tàu nhưng sao vị canh chua trái điều lại khác hẳn những tô canh chua khác. Phải chăng bởi có hương dìu dịu của những đêm trời trong, có cái mát lành của những chiều gió lộng và cả cái nắng hanh hao của những buổi trưa hè?