'Hạt giống' đáng ngại của ông Trump trong bầu cử giữa kỳ
Nhiều ứng viên đảng Cộng hòa ra tranh cử ngày 8/11 vẫn có quan điểm chối bỏ kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Điều này tạo ra nguy cơ làm xói mòn nền dân chủ Mỹ, theo chuyên gia.
Khi được Tổng thống Donald Trump gọi lên sân khấu tại một buổi mít tinh ở bang Nevada hồi tháng 10, ông Jim Marchant liền chớp lấy cơ hội để truyền tải thông điệp tranh cử của mình, theo BBC.
“Chúng tôi có một điểm chung. Tổng thống Trump và tôi đều thất cử vào năm 2020 vì một cuộc bầu cử gian lận”, ông Marchant - người đã thua trong cuộc đua 2 năm trước vào Hạ viện Mỹ - nói với đám đông huyên náo trước mặt, sau lưng ông là ông Trump.
Ông Marchant không phải ứng viên duy nhất lặp lại cáo buộc của ông Trump và chối bỏ chiến thắng năm 2020 của Tổng thống Joe Biden, dù không thể đưa ra chứng cứ chứng minh cáo buộc ấy.
Một phân tích của Washington Post cho thấy 51% trong số 569 ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa vào ngày bầu cử giữa kỳ 8/11 trong cuộc đua vào Hạ viện, Thượng viện và các chức vụ cấp tiểu bang - tức 291 người - đều chối bỏ hoặc hoài nghi kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Tuy một số ứng viên trong gần 300 người này sẽ thua vì chạy đua ở các khu vực an toàn của đảng Dân chủ, hầu hết người chối bỏ kết quả bầu cử nói trên có khả năng cao sẽ thắng cuộc. Cụ thể, 171 ứng viên trong số đó tranh cử các ghế nằm chắc trong tay đảng Cộng hòa.
“Điều ấy (hiện tượng chối bỏ kết quả bầu cử - PV) bắt đầu với việc ông Trump gieo hạt giống nghi ngờ, khiến người ta tin rằng thất bại của ông là do gian lận hoặc thao túng bầu cử”, ông Ken Kollman, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan - nói với Zing. “Nó là một mối đe dọa lớn”.
Hệ lụy tiềm tàng
Hai năm qua, thái độ chối bỏ kết quả bầu cử đã bám rễ trong đảng Cộng hòa.
Một khảo sát tháng 1/2021 của viện chính sách Pew Research Center (Mỹ) cho thấy 75% người bầu cho ông Trump tin rằng ông đã chiến thắng cuộc đua tổng thống năm 2020. Trong khi đó, hầu hết đảng viên Cộng hòa tin rằng các cuộc bầu cử thường xuất hiện hành vi gian lận.
Kết hợp với phân tích nói trên của Washington Post, những con số này đã cho thấy phạm vi của tâm lý chối bỏ kết quả bầu cử trong đảng viên Cộng hòa. Điều đáng lưu ý là nhiều ứng viên của đảng này có tên trên lá phiếu năm nay và sẽ chạy đua vào những vị trí giám sát quá trình bầu cử tương lai.
Ông Marchant chính là một người như thế. Năm nay, ông chạy đua vào vị trí tổng thư ký bang Nevada, quan chức phụ trách bầu cử của bang.
Ông Marchant từng nói nếu là tổng thư ký Nevada vào năm 2020, ông sẽ không chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Biden ở bang này. Ông cũng từng hứa nếu đắc cử năm nay sẽ xóa hình thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm, đồng thời thay máy bỏ phiếu điện tử bằng hệ thống kiểm phiếu thủ công, theo NBC News.
Hay tại bang Michigan, bà Kristina Karamo - ứng viên của đảng Cộng hòa cũng cho vị trí tổng thư ký bang - đã dần nổi danh trong các cộng đồng cánh hữu sau khi khuếch tán cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về gian lận bầu cử. Nếu đắc cử, bà Karamo sẽ trở thành quan chức bầu cử cao nhất tại Michigan.
“Thông qua việc khẳng định kết quả bầu cử không phải yếu tố quyết định cuối cùng xem ai là người nắm quyền, những người chối bỏ ấy đang tấn công vào trái tim của các tiến trình dân chủ hiện đại”, ông Kollman nói với Zing.
Thời gian qua, Tổng thống Biden cũng đã cố gắng thể hiện cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11 là trận đấu bảo vệ nền dân chủ Mỹ.
“Dân chủ không thể sống sót khi một bên tin rằng một cuộc bầu cử chỉ có thể có hai kết quả: Họ thắng hoặc họ đã bị lừa”, ông Biden phát biểu hồi tháng 9.
Trong khi đó, đảng viên Cộng hòa bác bỏ các cáo buộc từ phía đảng Dân chủ, khẳng định chính đối phương mới làm gia tăng sự chia rẽ trong nước Mỹ thông qua việc bêu xấu hàng triệu người Mỹ theo tư tưởng bảo thủ.
"Toàn bộ đều là lời nói dối"
Mitchell Brown, một giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Auburn ở bang Alabama, cho biết nếu vào được cơ quan lập pháp cấp tiểu bang, người chối bỏ kết quả bầu cử có thể thông qua quy định gây khó khăn cho việc đi bầu.
Dù vậy, ở Mỹ vẫn có một số cơ chế “kiểm soát và cân bằng” để ngăn chặn những hành động trên, bà Brown nói với Al Jazeera. Các cơ chế ấy đã được kích hoạt khi ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, thể hiện qua việc tòa án bác bỏ hàng chục vụ kiện cáo buộc gian lận bầu cử.
Tuy nhiên, bà Brown chỉ ra rằng mối nguy hiểm thật sự của tư tưởng chối bỏ kết quả bầu cử nằm ở việc nó sẽ dần bào mòn tín nhiệm của người dân vào các thể chế dân chủ ở Mỹ.
Có một số dấu hiệu gợi ý rằng đối với một số ứng viên của đảng Cộng hòa, chối bỏ kết quả bầu cử là một chiến thuật giành cử tri, thay vì họ thực sự tin như vậy. Họ lặp lại cáo buộc về gian lận bầu cử vì việc này có thể huy động một bộ phận nhất định của cử tri trong đảng, theo ông Kollman.
“Đó là một chiến lược bầu cử rất nguy hiểm cho sự sống còn của nền dân chủ”, ông Kollman nói với Zing.
Ngay sau khi được phe Cộng hòa chọn làm gương mặt đại diện cho đảng trong cuộc đua giữa nhiệm kỳ sắp tới, một số ứng viên đã giảm bớt giọng điệu chối bỏ kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Chẳng hạn, Blake Master, đảng viên Cộng hòa đang chạy đua tại bang Arizona vào Thượng viện Mỹ, đã xóa một tuyên bố trên trang web vận động tranh cử. Tuyên bố ấy cho rằng ông Trump vốn sẽ được ngồi tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng nếu cuộc bầu cử năm 2020 “tự do và công bằng”.
Trong một podcast đăng tải hôm 2/11, Hạ nghị sĩ Dan Crenshaw của đảng Cộng hòa cho biết ở nơi hậu trường, một số nghị sĩ Mỹ vốn chối bỏ kết quả bầu cử năm 2020 cũng đã thừa nhận rằng họ biết rõ quan điểm ấy là sai sự thật, theo Texas Tribune.
“Nó vẫn luôn là một lời nói dối. Toàn bộ đều là lời nói dối để kích động cử tri”, ông Crenshaw nói, chỉ trích một số đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa là “người biểu diễn chính trị” thay vì là “chính trị gia”.