Hạt nhân đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong kết nối và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khu vực phía nam.

Các nhà khoa học, giảng viên trẻ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi nghiên cứu thiết kế vi mạch.
LAN TỎA TINH THẦN NGHỊ QUYẾT BẰNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ
Ngay từ đầu năm 2025, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia) đã chủ động phối hợp các tỉnh, thành phố phía nam tổ chức hơn 12 hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm lan tỏa tinh thần và cụ thể hóa Nghị quyết 57 thành các chương trình hành động thiết thực. Trong đó, đáng chú ý là việc phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề án phát triển Khu đô thị Đại học Quốc gia thông minh, tích hợp hệ sinh thái giáo dục - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo.
Thành phố cũng đặt hàng Đại học Quốc gia nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ chính sách thu hút chuyên gia, chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên nhằm tạo động lực cho đội ngũ trí thức. Mô hình hợp tác ba bên “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” đã được triển khai sâu rộng thông qua liên kết với Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, hướng tới mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, xanh, bền vững.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hai bên thống nhất khởi động chương trình “Bình dân học vụ số” nhằm tạo nền tảng kiến thức số cho nguồn nhân lực địa phương. Đồng thời phối hợp Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn triển khai hợp tác ba bên trong phát triển giống, quản lý sản xuất và số hóa dữ liệu nuôi trồng thủy sản. Tại tỉnh Đồng Nai, Đại học Quốc gia đề xuất và triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ với nội dung “Chuyển đổi xanh các khu công nghiệp gắn với chuyển đổi số”, xây dựng khung hợp tác và mô hình liên kết phù hợp nhu cầu phát triển công nghiệp xanh của địa phương.
Với các địa phương như Tây Ninh, Cà Mau và một số tỉnh lân cận, các chương trình hội thảo khoa học, lấy ý kiến chuyên gia để hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo đã được tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch thông minh, số hóa quản lý y tế và dịch vụ công.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi học thuật hay nghiên cứu cơ bản, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn khẳng định vai trò là đầu tàu trong kết nối và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, lĩnh vực then chốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, mô hình hợp tác giữa Đại học Quốc gia và các doanh nghiệp như Tập đoàn Becamex, Tập đoàn CT Group, Trường đại học VinUni, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn… đã góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn: trí tuệ nhân tạo, vi mạch - bán dẫn, tự động hóa, robot, cơ khí chính xác. Bên cạnh đó, các chương trình số hóa dữ liệu nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn vùng trữ nước ngọt, hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế… đang từng bước đưa khoa học vào thực tiễn phát triển kinh tế địa phương.
ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết 57, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình chiến lược trọng điểm như: “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành”, “Giáo sư thỉnh giảng quốc tế”. Đến nay, nhà trường đã mời được 22 nhà khoa học hàng đầu thế giới đến công tác cùng 28 giáo sư, chuyên gia quốc tế hợp tác giảng dạy và nghiên cứu. Đây là bước đi chiến lược nhằm hình thành mạng lưới tri thức toàn cầu, nâng cao năng lực nội sinh của nền khoa học quốc gia.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tích hợp với công nghệ chiến lược” giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu là đưa khoa học cơ bản thành nền tảng phát triển công nghệ, kỹ thuật, hình thành hệ sinh thái nghiên cứu - ứng dụng - đổi mới sáng tạo đạt trình độ khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Khoa học - Công nghệ Đại học Quốc gia, hiện vẫn còn những khó khăn về cơ chế tài chính, tự chủ trong thu hút nhân sự và đối tác quốc tế. Các chương trình chiến lược nhiều tiềm năng nhưng chưa thể triển khai đồng bộ do thiếu nguồn lực và chính sách đặc thù. Trên cơ sở đó, Đại học Quốc gia kiến nghị Trung ương sớm phân bổ ngân sách và áp dụng các cơ chế đặc thù để tăng tính chủ động trong đầu tư và phát triển nhân lực khoa học - công nghệ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung ngân sách để nhà trường triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm, trong đó có nghiên cứu cơ bản, công bố quốc tế, phát triển phòng thí nghiệm hiện đại và chương trình giáo sư thỉnh giảng. Các kết quả hợp tác với địa phương thời gian qua đã cho thấy tính khả thi và thực chất, nhiều dự án đã được khởi động và bước đầu có sản phẩm ứng dụng cụ thể. Tiêu biểu như các đề tài về robot, trí tuệ nhân tạo do doanh nghiệp tài trợ, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
“Muốn tiên phong, chủ động triển khai Nghị quyết 57 phải thông qua phối hợp thực chất với các địa phương, doanh nghiệp. Mô hình hợp tác “Ba nhà” cần được triển khai đồng bộ, bám sát thực tiễn. Hoạt động ký kết hợp tác phải tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Đây chính là những hành động thiết thực góp phần đưa Nghị quyết 57 vào đời sống; đồng thời khẳng định vị thế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tri thức, đổi mới sáng tạo hàng đầu phía nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân nhấn mạnh
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hat-nhan-dua-nghi-quyet-so-57-nqtw-vao-thuc-tien-post895328.html