Hạt nhân kinh tế tư nhân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế trung tâm

Tiếp theo Chỉ thị 10CT- TTg ngày 25/3/2025 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục khẳng định vị trí hạt nhân của kinh tế tư nhân trong nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt và lâu dài của cách mạng Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới - phát triển kinh tế là trung tâm.

Sự chín muồi và đổi mới thực chất về nhận thức

Sau 40 năm đổi mới, nghĩa là gần 4 chu kỳ chính sách, nhận thức về kinh tế tư nhân gần như được thay đổi cơ bản, từ một thành phần kinh tế hầu như có tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế trước đổi mới, kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, 30% ngân sách nhà nước và giải quyết 82% việc làm, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính đáng kể và năng lực cạnh tranh cao cả trong nước và quốc tế như: Vingroup, FPT, Trường Hải, Vietjet… Xu hướng lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế này đang diễn ra và một lực lượng hùng hậu các doanh nghiệp tư nhân khác đang trên đà phát triển kề cận và có khả năng có bước phát triển đột phá.

Hạt nhân kinh tế tư nhân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế trung tâm (Ảnh minh họa: KT)

Hạt nhân kinh tế tư nhân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế trung tâm (Ảnh minh họa: KT)

Từ việc coi đây là thành phần kinh tế có nguy cơ cao gây chệch định hướng xã hội chủ nghĩa sang một thành phần đóng vai trò quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa, gắn bó lâu dài, sâu sắc, mật thiết với nhân dân, đất nước và dân tộc.

Kinh tế tư nhân phát triển dựa trên sự vận hành của các lực lượng của thị trường như cung - cầu, giá cả, cạnh tranh, chuỗi giá trị, tối đa hóa lợi nhuận và thực hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp rất cần sự bảo về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, sự minh bạch, công bằng trong ứng xử và tối giản, đơn giản dịch vụ công và ủng hộ, khuyến khích tối đa của thể chế.

Vị trí hạt nhân của kinh tế tư nhân

Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tập trung sâu vào các lĩnh vực độc quyền tự nhiên, các lĩnh vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng về ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và giải quyết các vấn đề xã hội nhưng số lượng và quy mô không tăng mạnh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hướng vào khai thác nguồn lực chủ yếu lao động giá rẻ để gia tăng xuất khẩu, vận động theo xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư thì kinh tế tư nhân sẽ huy động triệt để và sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực tại chỗ cả trong và ngoài nước, phản ứng linh hoạt, sáng tạo với biến động thị trường, tạo sức lan tỏa cao nhất đối với toàn xã hội, từ đó tạo động lực hạt nhân trong phát triển to lớn và không có điểm kết thúc.

Mô hình tăng trưởng giai đoạn vươn mình của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024. Đây là mô hình phù hợp với bản chất sáng tạo, linh hoạt, năng động của kinh tế tư nhân và tạo quỹ đạo đưa kinh tế tư nhân vào vị trí hạt nhân.

Tinh thần doanh nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để có lợi nhuận cao của kinh tế tư nhân trở thành tinh thần kinh doanh mới. Đội ngũ doanh nhân sẽ trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và có tinh thần nghiệp chủ rất cao.

Thực tế cho thấy, mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước không lớn, chịu ảnh hưởng đáng kể của quy định về tỷ trọng chi tiêu nghiên cứu và phát triển từ ngân sách nhà nước, nghĩa là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Đây là giới hạn của thể chế, theo đó, hạn chế phần nào sự phát triển trong môi trường kinh doanh thường xuyên thay đổi, biến động.

Doanh nghiệp tư nhân sẽ có quyền tự chủ cao nhất, được làm những gì pháp luật không cấm. Doanh nghiệp tư nhân sẽ sẵn sàng cho mục tiêu lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển, chấp nhận rủi ro cao, thâm nhập và rút lui khỏi thị trường nhanh chóng. Điều này càng làm tăng vị trí hạt nhân của kinh tế tư nhân trong đổi mới sáng tạo và chuyển hóa đổi mới sáng tạo, liên tục thành động lực phát triển mới.

Xuất hiện làn sóng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư tư nhân tăng

Nếu như trước năm 1986, hầu như không có doanh nghiệp tư nhân chỉ có tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể. Đến năm 2025, cả nước có 940.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp. Theo Nghị quyết 68-NQ/TW, đến năm 2030, sẽ có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và 2045 có khoảng 4 triệu doanh nghiệp và đóng góp kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 60%. Bên cạnh đó, còn có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể vẫn đang vận hành và quy mô hộ kinh doanh cá thể này cũng không ngừng tăng lên.

Một làn sóng thành lập và phát triển doanh nghiệp tư nhân xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và ở tất cả các địa phương của cả nước, tạo sưc ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Các nguồn lực về đất đai, tài nguyên tư nhận, tài nguyên xã hội và nhân văn, lao động vốn, truyền thống và tinh thần doanh nhân sẽ được huy động và phát huy. Một thế trận kinh tế và cơ cấu kinh tế mới sẽ xuất hiện đánh dấu kỷ nguyên phát triển và cất cánh nền kinh tế.

Chất lượng kinh tế tư nhân sẽ thay đổi cơ bản. Đến năm 2030, có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân khoảng 10-12% cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và năng suất lao động tăng bình quân 8-9%/năm. Điều này khẳng định năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân sẽ có sự gia tăng vượt bậc.

Quy mô đầu tư tư nhân, theo đó, sẽ tăng lên đáng kể, có thể tăng mức huy động cao hơn so với tốc độ huy động bình quân hiện nay lên ít nhất 1,5 lần, bổ sung đáng kể vào nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Những lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao, đổi mới sáng tạo lớn sẽ thu hút nhiều đầu tư tư nhân, theo đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng.

Đây là nguồn vốn góp phần quan trọng nhất vào thúc đẩy tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 và 2 con số giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và nước công nghiệp, có thu nhập cao năm 2045.

Thị trường đầu tư sẽ sôi động, mở rộng quy mô và tạo ra những bước phát triển mới, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường vốn… gia tăng sẽ vận hành với tốc độ và quy mô cao hơn, thúc đẩy nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thực chất, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị mới, chuỗi cung ứng mới và nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện như kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản… sẽ được phát triển đến mức cao nhất có thể. Hiệu quả vận hành tổng thể nền kinh tế tăng lên.

Tiềm năng của các lĩnh vực và nền kinh tế sẽ được khai thác hiệu quả. Đây là nền tảng để tăng sức chống chịu của nền kinh tế theo đó đang củng cố thêm niềm tin của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Kịp thời triển khai để tạo đột phá phát triển

Nghị quyết khẳng định vị trí hạt nhân và vai trò quan trọng nhất của kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới. Đây là sự đột phá về nhận thức và sự trưởng thành đáng kể và tư duy về phát triển bình đẳng các thành phần kinh tế. Giai đoạn phát triển mới cần bước đi nhanh và phạm vi lớn, cần có đột phá nhận thức và hành động.

Quá triển kịp thời Nghị quyết để chuyển hóa thành quy định pháp luật. Có thể ban hành thành Luật kinh tế tư nhân và việc làm này Trung Quốc chỉ mới ban hành khoảng 1 tháng. Rõ ràng, cần có thể chế pháp luật đủ lớn, minh bạch, rõ ràng, bảo hộ chặt chẽ quyền tài sản, thúc đẩy tối đa tinh thần kinh doanh, bảo vệ cao nhất các quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng trước pháp luật để tạo không gian phù hợp với sự trưởng thành về quy mô và chất lượng. Việc thiếu kịp thời sẽ làm giảm động lực, tăng chi phí cơ hội cho doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý cần phát huy vai trò kiến tạo phát triển, tinh giản thủ tục, loại bỏ các loại thủ tục gây lãng phí thời gian như cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh làm tăng chi phí tuân thủ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… đơn giản hóa và tối giản hóa các biện pháp tác động hành chính, tăng tối đa biện pháp hỗ trợ về đổi mới sáng tạo mô hình phát triển, có hệ sinh thái hỗ trợ tài khóa như: miễn giảm thuế tối đa cho doanh nghiệp tư nhân, giảm lãi suất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, phát triển chuỗi giá trị và sáng tạo thương hiệu mới, thúc đẩy khởi nghiệp, động viên vật chất và tinh thần nghiệp chủ.

Chú trọng đáng kể phát triển đội ngũ doanh nhân giai đoạn mới cả về số lượng và chất lượng, có năng lực nắm bắt tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông minh, nhanh nhạy, có đạo đức và văn hóa kinh doanh, có ý chí vươn lên, có tinh thần dân tộc. Đội ngũ doanh nhân mới có sứ mệnh thực hiện thành công mục tiêu được Nghị quyết vạch ra và chủ động, sáng tạo phát huy mọi tiềm năng, tài năng, lợi thế và kết nối mạng lưới doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ kinh doanh và các đối tượng hữu quan khác để phát triển liên tục, hùng hậu, tầng tầng, lớp lớp vô tận.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế tư nhân

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hat-nhan-kinh-te-tu-nhan-trong-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-trung-tam-post1197618.vov