'Hạt nhân' phong trào văn hóa cơ sở
Đam mê nghệ thuật múa, ông Từ Quốc Hoàng (dân tộc Hoa) hiện là một trong những nhân tố tích cực trong các sân chơi văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở H.Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.
Với nỗ lực phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Hoàng đã thổi “làn gió” mới cho hoạt động phong trào ở cơ sở ngày một phát triển.
* Từ đam mê nghệ thuật múa
Sinh ra ở TP.HCM, nhưng từ nhỏ ông Từ Quốc Hoàng (sinh năm 1964) học tập và sinh hoạt tại H.Xuân Lộc. Lớn lên ông Hoàng đầu quân vào đoàn ca múa nhạc Đông Phương (Q.6, TP.HCM) và có thời gian khoảng 10 năm ông theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Đến năm 1994, ông trở về xã Bảo Bình lúc đó thuộc H.Xuân Lộc (từ năm 2003 xã Bảo Bình thuộc H.Cẩm Mỹ) làm cán bộ phụ trách văn hóa, văn nghệ.
Với mong muốn theo đuổi đam mê, đưa phong trào văn nghệ, nhất là múa cho học sinh vùng đồng bào dân tộc tại Cẩm Mỹ và Long Khánh phát triển hơn, năm 2018, ông Hoàng xin nghỉ việc tại xã Bảo Bình để chuyên tâm vào quản lý Trung tâm Ngoại ngữ Hoa Văn Quang Chánh (P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) với chức vụ quyền giám đốc; đồng thời tích cực biên đạo, dạy múa miễn phí cho đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Ông Hoàng tâm niệm, biên đạo và dạy múa cho học sinh với ông hiện nay như một “món ăn tinh thần” để thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. “Từ nhỏ tôi đã yêu thích và đam mê nghệ thuật. Rất may mắn, nhiều tác phẩm múa sau khi biên đạo và dàn dựng đã đoạt các giải thưởng từ Trung ương đến địa phương. Đó là niềm động viên lớn giúp tôi theo đuổi con đường nghệ thuật mấy chục năm qua” - ông Hoàng chia sẻ.
Phần lớn những bài múa mà ông Từ Quốc Hoàng dàn dựng, biên đạo đều phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Các bài múa tiêu biểu tạo được dấu ấn trong lòng người xem như: Sứ mệnh, xây dựng nông thôn mới, Niềm vui người nông dân, lễ hội Sayangva. Ông Hoàng không nhớ mình biên đạo, dàn dựng bao nhiêu bài múa mà chỉ nhớ rằng, quê hương, biển đảo, đồng bào các dân tộc hay những người nông dân chân lấm tay bùn… luôn là những chủ đề ông chọn. Thông qua ngôn ngữ múa, ông muốn gửi đến bà con tình cảm yêu quý, lời động viên, chia sẻ để mọi người cùng nhau cố gắng vươn lên.
Hầu hết các tác phẩm múa của ông Từ Quốc Hoàng mang chiều sâu hơi thở của cuộc sống, xoáy vào tim người xem một cảm xúc rất gần của tình người và nhất là hình ảnh đẹp của vùng đất Đông Nam bộ, của đất và người Đồng Nai. Ông Hoàng cho hay: “Múa đương đại hiện đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để có một tác phẩm mang bản sắc văn hóa vùng miền không hề đơn giản. Người nghệ sĩ phải có sự kết hợp chất liệu dân gian và hiện đại để bài múa thêm phần sinh động”.
Biên đạo múa là công việc thầm lặng. Vì thế, mỗi một tiết mục thành công với Từ Quốc Hoàng là niềm hạnh phúc. Ông nói rằng, khi còn là một diễn viên múa, rồi thành một biên đạo, ở bất cứ vai trò nào bản thân ông cũng luôn tự nhủ phải làm việc hết mình. Cái khó nhất của biên đạo múa là làm sao giúp người múa hiểu cách dùng ngôn ngữ hình thể để múa có hồn và đúng nội dung; người xem cảm nhận được câu chuyện cuộc sống từ tác phẩm.
* Đến tạo nguồn cho phong trào ở cơ sở
Hơn 20 năm gắn bó với hoạt động ở cơ sở, không chỉ là biên đạo múa giỏi, ông Từ Quốc Hoàng còn tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện, của tỉnh. Ông luôn đặt thái độ trân trọng khán giả lên đầu. Bởi thế nhiều tác phẩm ông biên đạo và dàn dựng thành công, đoạt các giải cao tại mỗi kỳ liên hoan, hội diễn như: HCV Tuyên truyền lưu động toàn quốc năm 2013 và 2020 tại Bà Rịa - Vũng Tàu; giải Trịnh Hoài Đức với tác phẩm Niềm vui người nông dân năm 2015…
Để thắp lên ngọn lửa văn hóa truyền thống trong giới trẻ, ông Từ Quốc Hoàng đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm những nét tiêu biểu nhất trong văn hóa từng dân tộc rồi truyền dạy cho các em. Trong các lễ hội hay ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước, ông tổ chức luyện tập, biên đạo cho học sinh nhiều tiết mục đặc sắc của đồng bào dân tộc.
“Người Hoa, người Chơro ở Cẩm Mỹ, Long Khánh sống cộng cư với các dân tộc Kinh, Tày, Nùng… nên việc giữ bản sắc riêng của từng dân tộc không hề dễ dàng. Vì thế vào mỗi dịp hè hằng năm, tôi tổ chức chiêu sinh các lớp múa (đối tượng là học sinh THCS) để giảng dạy miễn phí, tạo nguồn cho văn nghệ quần chúng. Khi được hướng dẫn bài bản các em tiến bộ rất nhanh, nhiều em có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc” - ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, trong thời gian tới, ngoài việc quản lý trung tâm ngoại ngữ, ông sẽ dành nhiều thời gian cho hoạt động đào tạo nghệ thuật múa; đồng thời tiếp tục tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Qua đó, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, đưa nghệ thuật múa ở cơ sở ngày càng phát triển với đội ngũ múa trẻ, có tâm, có tài trong tương lai.
Nghệ sĩ Nguyễn Bòn, cán bộ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Cẩm Mỹ cho biết: “Nhiều năm qua, anh Từ Quốc Hoàng gắn bó và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh và của H.Cẩm Mỹ. Không chỉ là biên đạo múa giỏi, anh Hoàng còn tổ chức, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng, nhất là các chương trình phục vụ đồng bào các dân tộc. Qua đó, đưa văn hóa các dân tộc hòa nhập, phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân”.