'Hát nhép' – giải pháp hay 'lừa dối': Cuộc tranh cãi muôn thuở ở Vpop
Những ngày cuối năm 2020, bên cạnh những sự trở lại của các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi thì làng nhạc Việt Nam đón thêm một tin... không biết nên buồn hay vui: 'Hát nhép' – điều từng bị Chính phủ quy định cấm cách đây 8 năm về trước nay đã không còn bị cấm nữa.
Từng có thời là một vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng những người làm nghệ thuật, quản lý nghệ thuật và những khán giả yêu nghệ thuật, nay câu chuyện về hát nhép lại được “xới” lên bởi thông tin đầy nóng hổi trên. Đó là một sự tất yếu, bởi tồn tại một câu hỏi mà chưa thể có một lời giải đáp chính xác dù từ góc độ nào đi nữa: hát nhép là tội ác không thể dung thứ, hay là một giải pháp giúp giữ nguyên vẻ đẹp của âm nhạc?
Khi bản chất bị lợi dụng
Như mọi cuộc tranh luận khác, để bớt đau đầu hơn chúng ta cần đi tìm một định nghĩa chính thống của việc hát nhép. Lần cuối cùng nó được quy định là trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ, và ở đó việc hát nhép được viết đầy đủ là “sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn...”
Định nghĩa đó tưởng chừng như đã khá rõ ràng, khi đã phân tách những nghệ sĩ trên sân khấu ra làm hai loại: những nghệ sĩ chân chính chỉ dùng chất giọng của mình làm “phương tiện hành nghề”, và những nghệ sĩ “khôn ngoan” hơn khi dùng một, hoặc hai bản ghi âm có giọng ca đè lên để tiết kiệm sức.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở Việt Nam, cũng như ở nhiều thị trường âm nhạc của các nước khác cho thấy rằng, luôn xuất hiện những trường hợp lách luật để các nghệ sĩ không quá nổi trội về giọng hát có thể hát nhép khi trình diễn mà không lo bị phạt.
Một tình huống đơn giản nhất của việc này là chuẩn bị sẵn một bản thu âm chất lượng tốt và tập luyện theo bản thu âm này để khớp “khẩu hình” trong trường hợp màn trình diễn của mình phải được quay lại và phát trên truyền hình và mạng xã hội. Những trường hợp này sẽ chỉ bị phát hiện khi có những sự cố bất chợt xảy ra trong khi trình diễn, khiến ca sĩ bị mất tập trung và để “lộ bài”. Năm 2011 – một năm trước khi nghị định “cấm hát nhép” ra đời, đã có nhiều giọng ca nữ đình đám hồi đó như Quỳnh Nga, Thủy Tiên, Thu Thủy... vì nhu cầu “chạy sô” mà đã dùng thủ thuật này, để rồi bị phát hiện và khiến khán giả không khỏi bức xúc.
Ở một cấp độ “chuyên nghiệp” hơn, thay vì hát nhép cả bài, nghệ sĩ chỉ cần nhép theo một đoạn và... hò hét, khuấy động không khí ở các đoạn khác cũng trên một đoạn beat đã được thu sẵn cả bài hay gần hết bài. Đối với những trường hợp này, cách duy nhất để “phán xử” xem nghệ sĩ đó có tội hay không có tội là dựa vào thái độ của khán giả. Những ngày mới đầu đi hát, Bùi Anh Tuấn – một giọng ca nhiều nội lực cũng đã có lần gặp “tai nạn” trong khâu chuẩn bị nhạc, dẫn tới việc bị khán giả la ó, tưởng rằng mình. Rất may là anh đã kịp xin lỗi, rút kinh nghiệm ngay trên sân khấu để có thể tiếp tục màn trình diễn của mình.
Với sự phát triển của mạng xã hội, sự đa dạng trong thị hiếu của khán giả nghe nhạc, giờ đây việc “kết tội” một nghệ sĩ nào đó vì hành vi hát nhép trên sân khấu giờ trở nên khó hơn. Một thời gian sau khi “hát nhép” được đưa vào luật, một từ mới là “hát đè” xuất hiện với mục đích giải thích cho hành vi sử dụng bản thu âm có sẵn lời để trình diễn.
Qua một số sự vụ, nhiều luồng ý kiến mới cũng được đưa ra để bảo vệ hay phản đối việc không dùng giọng thật của ca sĩ. Và với một năm 2020 mà cứ lên sân khấu là phải đeo khẩu trang, thì đến những giọng ca đầy nội lực, tên tuổi hàng đầu như Lady Gaga và Ariana Grande, tại một sân khấu hàng đầu như giải thưởng MTV VMA, cũng bị lôi vào cuộc tranh cãi này. Giờ đây, bên cạnh câu hỏi “Hát nhép là tốt hay xấu?”, mỗi khi có một nghệ sĩ dính nghi án, người ta còn hỏi thêm “Liệu đó có phải là hát nhép hay không?”
Khi giọng hát không còn là “number one”
Ở Việt Nam, trong thời gian quy định về hát nhép có hiệu lực, cũng chỉ có ít trường hợp bị phạt vì hát nhép, số còn lại thì dừng lại ở việc bị nêu tên trên mặt báo và chịu sự chỉ trích của khán giả. Nhưng đối với một số quốc gia, thì hát nhép đôi lúc lại là một tội khá “to”.
Chẳng hạn, Fang Ziyuan và Yin Youcan từng bị chính quyền Trung Quốc phạt tới 8 ngàn tệ vào năm 2010 vì hát nhép, hành động mà chính quyền cho là sự “lừa dối công luận”. Xa hơn một chút, vào năm 1989, Milli Vanilli – nghệ sĩ người Đức từng đoạt giải Grammy cho ca sĩ mới xuất sắc nhất đã bị chính Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia tước giải thưởng đó vì bị phát hiện hát nhép trong một buổi biểu diễn. Cần lưu ý rằng, bên cạnh việc đưa ra những quy định, chế tài để hạn chế tình trạng hát nhép trong khi trình diễn, ngành công nghiệp giải trí ở một số nước cũng tạo hành lang để những người... không biết hát có thể hát nhép thông qua những chương trình giải trí.
Ở Việt Nam, nơi mỗi lần một nghệ sĩ “mấp máy môi” theo cách vô tình hay cố ý đều kéo theo một cuộc chiến giữa các fan và anti-fan, việc bỏ cấm hát nhép mang đến một thông điệp dễ thấy nhất: giọng hát sẽ không còn là yếu tố độc tôn để một nghệ sĩ cống hiến và gặt hái thành quả. Bên cạnh giọng hát, người nghệ sĩ trình diễn phải có nhiều kỹ năng hơn, từ vũ đạo, kỹ năng chơi nhạc cho đến việc tương tác với khán giả, tận dụng sân khấu,... để lôi kéo khán giả, có thêm cho mình nhiều đêm diễn hơn.
Thông điệp này sẽ mang đến một cái lợi rất lớn cho những ca sĩ có phần ngoại hình, vũ đạo trội hơn phần ca hát. Thực ra, chưa cần đến những điều luật, sự “dễ tính” của công chúng Việt Nam đang tạo điều kiện để những ca sĩ “tay ngang” lấn át những giọng ca thực thụ bằng những sự hào nhoáng nhất thời, qua đó chinh phục được nhiều khán giả hơn và thu về nhiều lợi nhuận, tiếng tăm hơn.
Cần một thế hệ khán giả quyết liệt
Tất nhiên, khán giả ngày nay không còn bị lừa bởi những yếu tố ngoài bản chất của một ca sĩ. Đây chính là điều giúp cho những giọng ca thực thụ có được những sân khấu lớn, những đêm diễn đắt tiền và những danh hiệu không thể bị đạp đổ chỉ bởi dăm ba lời bình luận trên mạng xã hội.
Khi luật pháp xóa đi ranh giới giữa họ và những nghệ sĩ “tay ngang”, những nghệ sĩ chân chính giờ đây cần một thế hệ khán giả quyết liệt hơn. Sự ủng hộ và không ủng hộ dành cho một nghệ sĩ – điều luôn có ý nghĩa ở mọi thời điểm, mọi phương tiện truyền thông – giờ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết; nếu được đặt đúng chỗ, nó có thể giúp những nghệ sĩ chân chính có được “bệ đỡ” quan trọng hơn trong sự nghiệp ca nhạc của mình.
Những tranh cãi về tính chính danh của hát nhép chắc chắn sẽ vẫn còn. Nhưng với nghệ thuật đích thực, hát nhép chắc chắn là một sự lừa dối cần được lên án.