Hát ru - nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Mường

Ẩn mình dưới những dãy núi quanh năm mây phủ, bên những cánh rừng xanh thẳm, cộng đồng người Mường ở tỉnh Phú Thọ, từ bao đời nay đã gìn giữ cho mình một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó hát ru giữ vị trí đặc biệt quan trọng.

Người mẹ Mường dịu dàng ru con ngủ bên chiếc nôi tre.

Người mẹ Mường dịu dàng ru con ngủ bên chiếc nôi tre.

Ngay từ thuở lọt lòng, những em bé Mường lớn lên trong vòng tay bà, mẹ, chị, được chở che và vỗ về bởi lời ru mộc mạc, ngọt ngào. Hát ru của (còn gọi là ru ún) không chỉ có giai điệu êm ái mà còn gửi gắm biết bao ước vọng tốt đẹp của người phụ nữ dành cho con trẻ. Trên chiếc nôi tre đong đưa, bên bếp lửa ấm hay giữa trưa hè thanh vắng, lời ru dịu dàng đưa con vào giấc ngủ, vun đắp tâm hồn trẻ thơ biết yêu thương, gắn bó với quê hương.

 Bản làng Mường bình yên giữa núi rừng, nơi lời ru ngân dài theo năm tháng.

Bản làng Mường bình yên giữa núi rừng, nơi lời ru ngân dài theo năm tháng.

Tiếng ru, nhịp nối yêu thương

Bà Bùi Thị Dón, xã Toàn Thắng, tỉnh Phú Thọ (trước đây là xã Gia Mô, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi lớn lên bên lời ru của bà, của mẹ. Lời ru ấy như sợi dây nối tôi với gia đình, bản làng. Nay làm bà, tôi vẫn ru cháu ngủ, mong sao tiếng ru còn mãi trong nếp nhà của gia đình mình”.

Phần lớn các bài ru sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, câu hát ngắn gọn, lặp lại, dễ nhớ, dễ thuộc. Hình ảnh trong lời ru gần gũi với núi rừng, nương rẫy, con suối, bếp lửa. Trong tiếng ru, người mẹ gửi gắm lời răn dạy con biết hiếu kính ông bà, yêu quý bản làng, gìn giữ phong tục, tập quán của cha ông.

Khác với nhiều vùng miền, hát ru Mường thường mượn ca dao, truyện cổ, sử thi Đẻ đất đẻ nước, biểu tượng cho mạch nguồn của đồng bào Mường. Mỗi làn điệu như một câu chuyện kể bằng âm nhạc, nuôi dưỡng niềm tự hào cội nguồn, khơi gợi tình yêu quê hương trong mỗi đứa trẻ từ thuở nằm nôi.

Bà Bùi Thị Miên, xã Mường Bi, tỉnh Phú Thọ (trước đây là xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Ngày trước, rảnh là mẹ tôi lại bế tôi ru hát. Nay nhiều cháu nhỏ ít được nghe lời ru xưa. Tôi mong các cháu luôn giữ, luôn nhớ để mai này lớn lên vẫn còn tiếng ru Mường giữa bản làng”.

Làn điệu mộc mạc, đượm tình quê

Kho tàng Mường có nhiều làn điệu quen thuộc như: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm. Những làn điệu này mang nhịp điệu khoan thai, êm nhẹ, ít quãng rộng, thường được cất lên qua giọng ru của người bà, người mẹ trong những phút nghỉ tay thêu thùa, xe sợi, bên chiếc nôi hoặc trên nương rẫy. Tiếng ru len lỏi, ngân vang giữa núi rừng, hòa cùng tiếng suối, tiếng gió, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.

Trẻ em Mường được ví như những tờ giấy trắng. Hát ru chính là cách người mẹ, người bà vẽ lên đó những sắc màu nhân ái, lòng biết ơn, sự gắn bó với bản làng, quê hương. Tiếng ru còn là nhịp cầu kết nối thế hệ hôm nay với những giá trị xưa, hun đúc niềm tự hào về bản sắc dân tộc.

Chị Đinh Thị Đưa, xã Mường Bi, tỉnh Phú Thọ (trước đây là xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Ngày bé, tôi ngủ ngon bên tiếng ru của mẹ. Lớn lên làm mẹ, làm chị, tôi lại ru con cháu. Tiếng ru là máu thịt. Tôi chỉ mong các cháu giữ lấy, đừng để mai này quên tiếng ru quê mình”.

 Những khúc hát ru được truyền lại dưới chân nhà sàn Mường.

Những khúc hát ru được truyền lại dưới chân nhà sàn Mường.

Cuộc sống ngày nay đổi thay nhanh chóng, nhiều gia đình trẻ không còn giữ thói quen hát ru con ngủ. Dẫu vậy, ở nhiều bản Mường, tiếng ru vẫn dịu dàng lan tỏa như một dòng chảy văn hóa bền bỉ. Lời ru không chỉ ru con ngủ ngoan mà còn dạy con những điều hay lẽ phải, bồi đắp tình yêu thương, nuôi dưỡng cội nguồn.

Tiếng ru Mường là thanh âm bình dị mà ấm áp, song hành cùng sự lớn khôn của bao thế hệ. Mai này, khi con cháu trưởng thành, tiếng ru vẫn còn đó, nhắc nhở mỗi người con Mường về gốc gác quê hương, nghĩa tình gia đình, đạo lý làm người.

Trong tiếng ru ngân vang, ta bắt gặp hình bóng những đứa trẻ ngủ yên bên lưng mẹ, nghe thấy cả hơi thở hiền hòa của núi rừng, của mái nhà sàn thấp thoáng khói bếp chiều. Lời ru, giản dị mà lắng sâu, sẽ lan tỏa mãi như mạch nguồn mát lành, nuôi lớn tâm hồn bao thế hệ người Mường hôm nay và mai sau.

Hát ru-nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Mường.

NGỌC XIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/video-hat-ru-net-dac-sac-van-hoa-cua-dong-bao-muong-post892397.html