Hát tuồng bội ở Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Vừa qua, tại xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng bội.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Tuồng Bội cho xã Hưng Trạch (Bố Trạch)
Hát tuồng bội xuất hiện tại xã Hưng Trạch từ thế kỷ XVI, là loại hình nghệ thuật dành cho giới quý tộc cung đình, trí thức thượng lưu, nhưng cũng đồng thời trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần quen thuộc của công chúng bình dân.
Các tích tuồng mang đậm tư tưởng nhân văn, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nghĩa tình vợ chồng, mùa màng tươi tốt, với âm sắc trầm hùng mà sâu lắng, có sức lay động lòng người.
Hát tuồng bội hiện diện trong đời sống tinh thần người dân Hưng Trạch góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và khát vọng xây dựng quê hương.
Làn điệu tuồng nhiều lối như: Nam ai, nam bình, nam dựng, tẩu mã, sa mạc, than, hà khắc, nói lối, trống quân… mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt trong cách phát âm, lối nhả chữ luyến láy mà dứt khoát, mạnh mẽ của người dân ở Khương Hà đã tạo nên nét đặc biệt so với ở các nơi khác.
Dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, Hát Tuồng Bội vẫn giữ được vị thế trong đời sống văn hóa cộng đồng. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành biểu tượng tinh thần của người dân Hưng Trạch - vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa - góp phần hun đúc tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Để di sản xứng tầm với danh hiệu được trao tặng, địa phương xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy là trách nhiệm lâu dài. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận; đồng thời đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho các câu lạc bộ, nghệ nhân.

Để xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng toàn thể cộng đồng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá di sản; chú trọng công tác truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nghệ nhân và các câu lạc bộ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các em nhỏ, thanh thiếu niên yêu thích, học hỏi và thực hành nghệ thuật Tuồng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch…
Tỉnh Quảng Bình hiện có hai di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm Hát ca trù của người Việt (gồm hát nhà trò, hát ả đào) và Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam (gồm chơi bài chòi). Ngoài ra, Quảng Bình còn có 13 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Hò khoan Lệ Thủy, Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, Lễ hội cầu ngư của ngư dân ven biển, Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Hò thuốc cá, Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, Lễ hội rằm tháng Ba Minh Hóa, Hát sắc bùa, Hát tuồng bội, Hát kiều, Hát ru Cảnh Dương, Lễ hội cầu mùa của người Nguồn (Minh Hóa) và Lễ hội mừng nhà mới của người Rục (ở Thượng Hóa, Minh Hóa).