Hạt vi nhựa xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi khó tin nhất
Không chỉ máu, nhau thai, hạt vi nhựa đã được phát hiện trong mẫu mô phổi người sống. Gần đây nhất, chúng được tìm thấy trong tuyết mới rơi tại Nam Cực.
Ô nhiễm vi nhựa đã trở nên phổ biến khắp hành tinh, khiến con người không thể tránh khỏi phơi nhiễm với hạt vi nhựa. Điều này đồng nghĩa mối nguy cơ tiềm ẩn của nó với sức khỏe ngày càng gia tăng.
Số lượng lớn rác thải nhựa bị thải ra môi trường và vi nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ hành tinh, từ đỉnh núi Everest đến các đại dương sâu nhất. Trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, giới khoa học liên tiếp phát hiện hạt vi nhựa trong những bộ phận nội tạng.
Hạt vi nhựa đầu tiên xuất hiện trong tuyết rơi ở Nam Cực
Trước đây, các công trình nghiên cứu đã phát hiện hạt vi nhựa trong băng biển Nam Cực và mặt nước. Và cách đây ít ngày, nhóm chuyên gia của Đại học Canterbury, New Zealand, đã phát hiện vật chất nguy hiểm này trong tuyết rơi ở Nam Cực.
Điều này dấy lên lo lắng về việc các hạt vi nhựa có thể đẩy nhanh quá trình tan băng tuyết, gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe của các hệ sinh thái độc đáo ở Nam Cực.
Theo Guardian, nhóm chuyên gia tìm thấy trung bình 29 hạt vi nhựa trên một lít tuyết tan, cao hơn nồng độ trong nước biển được báo cáo trước đây từ Biển Ross và trong băng biển Nam Cực.
Ngoài ra, các tác giả cũng xác định được 13 loại nhựa khác nhau, phổ biến nhất là polyethylene terephthalate (PET), chủ yếu sử dụng trong chai nước ngọt và quần áo.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí Cryosphere, nhà nghiên cứu Alex Aves, Đại học Canterbury, viết: “Khả năng cao những hạt vi nhựa này đến từ các trạm nghiên cứu khoa học địa phương. Thật đáng buồn nhưng việc tìm thấy hạt vi nhựa trong tuyết ở Nam Cực cho thấy mức độ ô nhiễm nhựa ở ngay cả những vùng xa xôi nhất trên thế giới".
Lần đầu phát hiện vi nhựa trong phần sâu nhất của phổi người sống
Ngày 6/4, Guardian đưa tin lần đầu tiên giới khoa học phát hiện hạt vi nhựa nằm sâu trong phổi con người. Đặc biệt, chúng có mặt trong hầu hết mẫu vật được phân tích.
Nghiên cứu này do nhóm chuyên gia của Đại học Hull và Trường y Hull York, Anh, phát hiện, được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment. Họ tìm thấy 39 hạt vi nhựa trong 11/13 mẫu mô phổi thử nghiệm. Con số này cao hơn bất kỳ kết quả nào trong phòng thí nghiệm trước đây.
Các vi nhựa có kích thước 0,003 mm được tìm thấy ở phần trên của phổi, 7 hạt ở phần giữa và 21 hạt ở phần dưới của phổi. Vị trí phần dưới phổi là điều gây bất ngờ nhất. Bởi đây là phần sâu nhất của phổi, vốn được cho là rất hẹp, các hạt vi nhựa khó có thể lọt qua.
Theo Bloomberg, họ phát hiện được tổng cộng 12 loại hạt vi nhựa, phổ biến nhất là polypropylene (vốn được sử dụng trong bao bì, ống hút nhựa) và PET (dùng để làm chai nhựa). Ngoài ra, các hạt vi nhựa này thường được tìm thấy trong bao bì, chai lọ, quần áo, dây thừng và nhiều quy trình khác. Mức độ hạt vi nhựa ở bệnh nhân nam cao đáng kể so với bệnh nhân nữ.
Hai nghiên cứu trước đó cũng đã phát hiện hạt vi nhựa với tỷ lệ cao tương tự trong mô phổi được lấy trong quá trình khám nghiệm tử thi. Nhưng đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện nó trong phổi của những người sống.
TS Laura Sadofsky, Trường y Hull York ở Anh, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không mong đợi tìm thấy số lượng lớn các hạt vi nhựa ở vùng sâu nhất trong phổi. Thật đáng ngạc nhiên vì đường thở của chúng ta nhỏ hơn ở phần dưới của phổi, đáng lẽ những hạt có kích thước lớn thế này sẽ được lọc hoặc bị giữ lại mà không thể tiến sâu vào phổi như vậy”.
Theo vị chuyên gia, dữ liệu này cung cấp bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ô nhiễm không khí, vi nhựa và sức khỏe con người. Thông tin này có thể được sử dụng trong phòng thí nghiệm nhằm xác định các tác động của chất này với con người.
Hàng loạt cơ quan xuất hiện hạt vi nhựa
Ảnh hưởng sức khỏe của hạt vi nhựa vẫn chưa được biết đến. Song, các nhà nghiên cứu lo ngại nó phá hủy tế bào người, xâm nhập cơ thể và gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra con người hít thở phải các hạt siêu nhỏ hoặc nó theo đường thức ăn, nước uống vào cơ thể. Người lao động tiếp xúc mức độ hạt vi nhựa cao cũng phát triển nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Hồi tháng 3, lần đầu tiên giới khoa học phát hiện các hạt này trong máu người. Chúng có thể di chuyển khắp cơ thể và nằm trong nhiều cơ quan.
Nhóm chuyên gia đã phân tích mẫu máu của 22 người hiến tặng ẩn danh, tất cả đều là người lớn khỏe mạnh. Từ đây, họ tìm thấy các hạt nhựa trong 17 người. Đặc biệt, 50% mẫu chứa nhựa PET, loại thường được sử dụng trong chai đựng đồ uống. 1/3 chứa polystyrene - chất được sử dụng để đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Ngoài ra, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, chất tạo ra túi nylon.
Năm 2021, một nghiên cứu ở Brazil khám nghiệm tử thi và phát hiện các hạt vi nhựa trong 13/20 người được phân tích. Trong đó, polyetylen, chất được sử dụng trong túi nylon, là hạt phổ biến nhất. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể liên quan chất ô nhiễm này trong hệ hô hấp sau khi chúng ta hít phải”.
Cuối năm 2020, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environment International lần đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của các hạt vi nhựa trên cả mặt trong vào khoang ối lẫn màng đệm của nhau thai. Các hạt vi nhựa này có kích thước vào khoảng 0,01 mm, đủ nhỏ để lẫn vào mạch máu người. Nhóm nghiên cứu hiện nghi ngờ số dị vật này đã xâm nhập vào cơ thể các bé sơ sinh song chưa thể kiểm chứng ngay.
Phát hiện trên khiến Giám đốc sản phụ khoa Antonio Ragusa tại Bệnh viện San Giovanni Calibita Fatebenefratelli ở Rome không khỏi lo lắng: "Hiện tượng này không khác gì các bà mẹ sinh ra em bé lai người máy. Cơ thể em bé không chỉ bao gồm tế bào của con người, mà còn chứa chất tổng hợp sinh học và vô cơ".
Tháng 8/2020, nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện hạt vi nhựa trong các mẫu phổi, gan, lá lách và thận được xét nghiệm ở quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chất ô nhiễm loại này được tìm thấy ở nội tạng người. Họ cũng phát hiện hóa chất bisphenol A (BPA) trong tất cả 47 mẫu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) nhận xét BPA là chất "gây độc cho hệ sinh sản, phát triển và các hệ khác trong nghiên cứu trên động vật".
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy con người ăn phải các hạt siêu nhỏ qua thức ăn, nước uống hoặc hít thở. Chúng từng được tìm thấy trong phân của trẻ sơ sinh và người lớn, phụ nữ mang thai. Chúng đi nhanh qua phổi vào tim, não và cơ quan khác của thai nhi.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Environmental Pollution ngày 11/10/2021 đã phát hiện các hóa chất tổng hợp phthalates có thể góp phần gây ra 91.000-107.000 ca tử vong sớm mỗi năm tại Mỹ trong nhóm tuổi 55-64 tuổi.
Năm 1998, một nghiên cứu của Mỹ về bệnh nhân ung thư phổi cũng đã tìm thấy hạt vi nhựa, sợi thực vật trong 100 mẫu bệnh phẩm. Trong mô ung thư, 97% mẫu có chứa sợi. Ở các mẫu không bị ung thư, 83% nhiễm các chất này.