Hậu chia tay Petrolimex, Ngân hàng PG Bank (PGB) báo lãi quý 3 giảm 60%

Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2023 bất thường, Ngân hàng PG Bank (mã cổ phiếu PGB) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với nhiều điểm kém tích cực.

Hoạt động kinh doanh các mảng đều sụt giảm mạnh

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (Ngân hàng PG Bank, mã cổ phiếu PGB - sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ đạt 278 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh khác của Ngân hàng PG Bank cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, như: lãi thuần từ dịch vụ giảm 42%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61%; và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76%.

Về phía chi phí, chi phí hoạt động của Ngân hàng PG Bank trong quý 3/2023 đã tăng 8,7%, lên 188 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 26%, xuống còn 57,2 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng PG Bank chỉ đạt 56,6 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Sau 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng PG Bank đã hoàn thành 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Sau 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng PG Bank đã hoàn thành 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đại diện Ngân hàng PG Bank cho biết, lợi nhuận suy giảm mạnh trong quý 3/2023 chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm trong bối cảnh tình hình hoạt động chung của toàn ngành ngân hàng vẫn đối mặt nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý 3/2023 ở mức yếu, tác động nghiêm trọng đến các nghiệp vụ thanh toán, L/C của ngân hàng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng PG Bank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 959 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác đều sụt giảm; trong đó, lãi thuần từ dịch vụ giảm 15,5%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 8%; và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 72%.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, và hoàn thành 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Ngân hàng PG Bank đạt 47.832 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt hơn 30.485 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay liên quan đến lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, và xe có động cơ khác tăng đột biến 63%, lên gần 2.770 tỷ đồng.

Ngân hàng PG Bank muốn tăng vốn điều lệ lên gần gấp đôi

Bên cạnh sự biến động của hoạt động kinh doanh, Ngân hàng PG Bank còn đang chứng kiến thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt khi đã có 5/6 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), bao gồm cả Chủ tịch HĐQT xin từ nhiệm. Đây được xem là động thái mở đường cho việc 03 cổ đông lớn mới tham gia quản trị Ngân hàng PG Bank.

03 cổ đông lớn này, gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát, và Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức, đang có tổng mức chi phối là 40% vốn cổ phần của Ngân hàng PG Bank thông qua việc đấu giá mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã cổ phiếu PLX) hồi tháng 4/2023.

Vào ngày 23/10 tới đây, Ngân hàng PG Bank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 nhằm thảo luận 04 vấn đề chính liên quan đến phát triển kinh doanh của ngân hàng này thời gian tới, gồm: kiện toàn nhân sự; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của Ngân hàng PG Bank; và phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PGB của Ngân hàng PG Bank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PGB của Ngân hàng PG Bank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Bất chấp đồng Yên mất giá kỷ lục, doanh số tại Nhật của Tập đoàn FPT vẫn bứt phá mạnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong đó, Ngân hàng PG Bank sẽ trình cổ đông xem xét, thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng, lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2023 và năm 2024.

Cụ thể, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng; và chào bán tối đa 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương đương tỷ lệ 26,67%) với giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, dự kiến huy động thêm 800 tỷ đồng.

Hiện Ngân hàng PG Bank là một trong những ngân hàng thương mại có vốn điều lệ thấp nhất toàn hệ thống và chưa tiến hành tăng vốn điều lệ lần nào từ năm 2012 đến nay.

Đồng thời, Ngân hàng PG Bank sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên thương mại. Ngân hàng PG Bank cho biết, tên thương mại và logo của ngân hàng đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây là Petrolimex. Tuy nhiên, do Petrolimex đã thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng và cũng yêu cầu Ngân hàng PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/10, cổ phiếu PGB đạt 26.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 62% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hau-chia-tay-petrolimex-ngan-hang-pg-bank-pgb-bao-lai-quy-3-giam-60-112593.htm