Hậu coronavirus, chi tiêu quân sự thế giới sẽ sụt giảm
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) dự đoán xu hướng cắt giảm chi tiêu vũ khí toàn cầu do đại dịch coronavirus.
Ông Dan Smith, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) dự đoán chi tiêu vũ khí thế giới sẽ giảm trong giai đoạn 2020-2021 trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế do đại dịch coronavirus (COVID-19) khiến các nước cạn kiệt ngân sách.
Theo ông, chi tiêu mua sắm vũ khí năm 2019 lên tới 1,917 nghìn tỷ dollars, ở mức cao kỷ lục (ở mức 249 USD trên mỗi đầu người). Rất có thể, con số này đã đạt đỉnh và chi phí cho quân sự dự kiến có thể sẽ giảm trong giai đoạn 2020-2021, nhưng mức giảm cụ thể bao nhiêu thì rất khó dự đoán.
Ông Dan Smith chỉ ra, chi tiêu quân sự giảm không chỉ bị ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, mà còn bởi các lựa chọn chính trị xã hội lâu dài mà các chính phủ sẽ đưa ra. Thật không may, không có lý do gì để hy vọng rằng những lựa chọn này có thể được đưa ra để cắt giảm chi phí.
Trả lời câu hỏi về những thay đổi có thể có trong toàn bộ chính sách an ninh toàn cầu, ông Smith lưu ý, đại dịch đã cho thấy các quốc gia có thể hợp tác hiệu quả trong tình huống khủng hoảng toàn cầu, cuộc khủng hoảng này sẽ tạo động lực cho tăng cường hợp tác quốc tế.
Được biết, ông Dan Smith đưa ra bình luận trên trong bối cảnh một nghiên cứu mới đây của SIPRI cho thấy, chi tiêu quân sự thế giới năm 2019 đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và tăng 7,2% so với chi tiêu quân sự năm 2010.
Theo ước tính của SIPRI, tổng chi tiêu quân sự lên tới 2,2% GDP toàn cầu. Năm quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới năm 2019 bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Saudi Arabia, chiếm 62% tổng số tiền chi cho quân sự của toàn thế giới, còn các quốc gia trong "Top 40" chiếm 92% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu.
Kỷ lục tuyệt đối về ngân sách quân sự vẫn thuộc về Mỹ với mức chi là 732 tỷ dollars (tăng 5,3% so với năm 2018). Các quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng cũng có tỷ lệ tăng tương tự như vậy.
Ví dụ như trong khi ngân sách quân sự Trung Quốc tăng 5,1% trong một năm và lên tới 261 tỷ USD (đứng thứ hai), thì Ấn Độ cũng tăng tới 6,8% lên mức tới 71,7 tỷ dollars (đứng thứ ba), còn Nga trong năm 2019 đã chi 65,1 tỷ USD cho quốc phòng, tức là tăng 4,5% (xếp thứ tư).
Pháp chỉ tăng ngân sách quốc phòng 1,6% - lên 50,1 tỷ và đứng ở vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng chung, còn Vương quốc Anh vẫn giữ mức 48,7 tỷ dollars (tăng 0%, đứng ở vị trí thứ 8 về ngân sách quốc phòng). Đứng giữa Anh và Pháp trong Top 10 là Đức với 49,3 tỷ USD và tỷ lệ tăng rất đáng kể tới 10%.
Đứng ở vị trí thứ 9 là Nhật Bản. Đất nước Mặt Trời Mọc trong năm 2019 đã chi 47,6 tỷ USD cho quốc phòng, nhưng con số này thấp hơn 0,1% so với năm 2018, còn với khoản chi 43,9 tỷ USD và mức tăng 7,5%, Hàn Quốc vẫn đứng thứ mười trong danh sách chung của các quốc gia.
Đáng chú ý là Ukraine có mức tăng khá mạnh (9,3%), nhưng GDP của nước này quá thấp nên trên thực tế chi tiêu quân sự chi có 5,2 tỷ USD.
Nhìn chung, chỉ có các nước phát triển của châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á là giữ mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng ổn định. Ở các khu vực khác, các chỉ số hiện có chỉ ở mức cũ hoặc giảm.
Cụ thể, Nam Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho quốc phòng ở mức như trước đây, các chỉ số trung bình của cả châu Phi tăng nhẹ, còn khu vực Trung Đông- đang có xu hướng giảm chi tiêu ngân sách cho quốc phòng.