Hậu Covid-19, Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp
Sau khi khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm vào quý I/2020, Covid-19 lại tiếp tục 'gây khó' cho thị trường lao động Trung Quốc.
Làn sóng thất nghiệp tại Trung Quốc là vô cùng lớn. (Nguồn: CNN)
Trong vài năm qua, thị trường lao động Trung Quốc tương đối ổn định bởi sự gia tăng số lượng công việc trong ngành dịch vụ. Cụ thể, không khó để người dân quốc gia này tìm kiếm một công việc như tài xế giao hàng hoặc nhân viên cửa hàng.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong nhiều năm qua sụp đổ. Đại dịch đã để lại nỗi sợ hãi tồi tệ nhất về tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Covid-19 “cuốn bay” khoảng 26 triệu việc làm
Trung Quốc đã bắt đầu khởi động lại nền kinh tế vào giữa tháng 3 sau nhiều tháng cách ly toàn quốc. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn đang trong tình trạng đấu tranh để phục hồi.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường lao động Trung Quốc phải chịu áp lực trên nhiều mặt trận. Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục triệu người Trung Quốc mất việc làm, tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội cũng như ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ.
Theo hai nhà kinh tế Trung Quốc Ouyang Jun và Qin Fang tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Trung Quốc), do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, áp lực đối với kinh tế Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và tình hình thất nghiệp cũng ngày một xấu đi. Sau khi Covid-19 bùng nổ, việc giữ ổn định thị trường lao động ngày càng khó khăn hơn.
"Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc sa thải nhân viên và quy mô thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc đang là vấn đề gây tranh cãi", hai nhà kinh tế Trung Quốc Ouyang Jun và Qin Fang cho hay.
Các nhà kinh tế đánh giá, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa thể có một thống kê chính xác do rất nhiều lao động mất việc làm nhưng chưa được ghi nhận. Bên cạnh đó, Chính quyền Trung Quốc khó có thể thống kê được tình trạng của 149 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ và 174 triệu lao động di cư giữa nông thôn và thành thị để đưa ra một kết quả chính xác.
Từ năm 2018, Trung Quốc tính tỉ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát theo tháng. Để được xem là thất nghiệp, người lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần phải tích cực tìm việc trong 3 tháng gần nhất và có thể bắt đầu đi làm trong vòng 2 tuần. Trong khi đó, lao động di cư khó đáp ứng được những yêu cầu này.
Số liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đã giảm từ mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 xuống chỉ còn 5,9% trong tháng 3. Các đô thị Trung Quốc mất 26 triệu việc làm trong quý I/2020, trái ngược với 8,3 triệu việc làm tạo ra trong năm 2019. Trong quý I/2020, trung bình có khoảng 18,3% lực lượng lao động bị sa thải, giảm lương hoặc nghỉ không lương.
Áp lực ngày càng lớn
Các lĩnh vực chính của ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn đang chịu áp lực lớn. Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng - khách sạn Trung Quốc, doanh thu từ du lịch trong nước giảm 60% trong dịp nghỉ lễ lao động vừa qua, mặc dù Chính phủ đã kéo dài số ngày nghỉ để kích cầu hoạt động du lịch. Các nhà hàng kinh doanh ăn uống cũng chứng kiến doanh thu giảm đến 50% trong dịp này.
Nhiều doanh nghiệp thực phẩm bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng để bù lỗ từ việc mất khách hàng trong thời gian cách ly xã hội nhưng điều đó không cải thiện khi hơn 45% doanh nghiệp cho biết, đơn đặt hàng trong tháng 4 còn thấp hơn tháng 2. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng vẫn còn đang thắt chặt chi tiêu và khá thận trọng trong việc "mở túi tiền" của mình.
Nhìn chung, doanh thu của nhiều nhà hàng ở Trung Quốc vẫn đang phục hồi, giữ ở khoảng 60% so với trước đại dịch Covid-19.
Trong một cuộc khảo sát riêng vào tháng 4 của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc với 300 khách sạn trên toàn quốc, Hiệp hội cho rằng, một phần tư số khách sạn đã cắt giảm ít nhất 20% nhân viên. Trong khi đó, 149 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã chứng kiến doanh thu giảm trung bình 7,3% trong quý I/2020.
Nhà kinh tế Yao Wei của Ngân hàng Societe Generale nhận định, còn phải chờ xem người tiêu dùng Trung Quốc thích nghi với trạng thái “bình thường mới” ra sao và cú sốc xuất khẩu sẽ kéo dài bao lâu. Nếu xuất khẩu không phục hồi được trong nửa cuối năm nay và người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu thì tổng số người thất nghiệp có thể lên đến 30 triệu người vào cuối năm 2020.
Còn chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Macquarie Larry Hu ước tính, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 9,4% vào cuối năm 2020.
"Trong kịch bản cơ sở của Tập đoàn Macquarie, số việc làm mới tạo ra trong năm nay sẽ thấp hơn 6 triệu việc làm so với năm ngoái, cộng với 14 triệu việc làm có sẵn bị mất, như vậy, tổng số việc làm tại các đô thị của Trung Quốc sẽ thấp hơn 20 triệu so với mức bình thường", chuyên gia Larry Hu cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã công bố một gói hỗ trợ phúc lợi dành cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó bao gồm lao động nhập cư, nhưng quy mô của gói cứu trợ này tương đối hạn chế và chỉ ít lao động trong số đó mới nhận được khoản viện trợ.
Khác với những nền kinh tế như Anh, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc không có chính sách bảo vệ tiền lương quy mô lớn cho người lao động. Vì vậy, hầu hết những người lao động ở Trung Quốc gần như không có nguồn thu nhập khi họ nghỉ việc.
Phần lớn những người không được hỗ trợ là dân lao động nhập cư - những người không thể quay lại làm việc bởi lệnh hạn chế di chuyển của Chính phủ Trung Quốc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo số liệu gần đây, chỉ có 123 triệu công nhân nhập cư ở nông thôn quay lại làm việc ở thành phố trong quý I, giảm 30% so với năm trước. Số lao động bị "mắc kẹt" ở quê tương đương 50 triệu người.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ đón khoảng 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm nay, do đó, áp lực việc làm tại quốc gia này đang ngày một lớn hơn.