Hậu duệ của chiến đấu cơ tàng hình F-22 lộ diện
Nếu chương trình tiến triển với tốc độ nhanh thông qua các quy trình được sắp xếp hợp lý và sử dụng công nghệ hiện thời, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể gia nhập Không quân Mỹ sớm hơn dự kiến - trước năm 2030.
Nhu cầu thay mới cao
Theo số liệu năm 2019 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office - CBO) Mỹ, từ năm 1980-2018, Không quân Mỹ (USAF) trung bình chi 12 tỷ USD mỗi năm; từ năm 2010-2017 - 9 tỷ USD, cho máy bay mới. Nhưng việc thay thế khoảng 180 chiếc F-22 vào những năm 2030 đồng thời mua các máy bay F-35, máy bay vận tải và tiếp dầu mới, có thể tới 23 tỷ USD mỗi năm.
Chi tiêu hàng năm cho các máy bay mới có thể tăng hơn nữa nếu Không quân thực hiện kế hoạch năm 2018 nhằm nâng số lượng máy bay chiến đấu từ 312 lên 386 chiếc, bao gồm bảy phi đội máy bay chiến đấu mới, nâng tổng số 62 phi đội.
Vào năm 2018, khoảng 1.500 trong số 5.500 máy bay bao gồm hầu hết các máy bay chiến đấu F-15 và F-16, có độ tuổi từ 26-35 tuổi, cần được thay thế. Do những chiếc F-35 thay thế chúng có giá gần 100 triệu USD mỗi chiếc, Không quân chỉ đủ khả năng mua khoảng 60 chiếc F-35 mỗi năm; buộc phải kéo dài việc mua sắm gần 1.800 chiếc F-35 cho đến hết những năm 2040.
Đến năm 2035, chiến đấu cơ tàng hình F-22 sẽ tròn 30 tuổi trong khi hầu hết F-15C sẽ hơn 50 năm tuổi. Nếu Không quân bắt đầu thay thế những chiếc F-22 bằng một loại máy bay chiến đấu mới vào những năm 2030, vào thời điểm đó Raptors sẽ bước vào thập kỷ phục vụ thứ tư, họ sẽ đồng thời mua hai loại máy bay chiến đấu tàng hình với chi phí dự kiến là 14 tỷ USD hàng năm. Cộng thêm chi phí của máy bay vận tải, tiếp dầu và ném bom thì con số có thể lên tới 23 tỷ USD như CBO dự đoán.
Hậu duệ của F-22
Theo Defense World, Không quân Mỹ mới đây đã công bố bản thiết kế về một loại máy bay chiến đấu mới đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình "Ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (Next Generation Air Dominance - NGAD) - chương trình bao gồm cả máy bay chiến đấu không người lái và có người lái. Chương trình này ban đầu được đề xuất như một dự án chung của Không quân và Hải quân Mỹ. Mặc dù vẫn còn một số hợp tác chung giữa hai bên, nhưng mỗi bên đã lần lượt thành lập các văn phòng độc lập để nghiên cứu, phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo cho riêng mình.
Từ năm 2019-2025, ngân sách chương trình NGAD của Không quân Mỹ có 9 tỉ USD, trong đó ngân sách năm tài chính 2021 là 1 tỉ USD và năm tài chính 2022 - 1,5 tỉ USD. Tháng 3/2018, Phòng thí nghiệm của Không quân Mỹ đã công bố hình ảnh máy bay thế hệ tiếp theo F/X, cho thấy nó sẽ có thiết kế tàng hình, ngoại hình bắt mắt với tia laser năng lượng cao có khả năng cắt đôi máy bay đối phương. Đây cũng là máy bay chính, còn được gọi Xuyên thủng hệ thống phòng không trong chương trình NGAD. USAF đã phát triển máy bay chiến đấu bí mật với công nghệ kỹ thuật số được thiết kế để rút ngắn đáng kể thời gian phát triển loại máy bay mới.
Máy bay F/X tương lai dự kiến sẽ có tầm bay xa hơn và trọng tải lớn hơn, cũng như khả năng mang vũ khí siêu thanh. Áp dụng công nghệ kỹ thuật số để chế tạo, NGAD nhằm bổ sung cho các máy bay chiến đấu F-22 và F-35, tạo ra một hệ thống có năng lực nhận thức đa miền, thông tin linh hoạt và có ưu thế mạnh mẽ trong hoạt động tấn công đột kích trên không, có thể sử dụng dữ liệu từ máy bay cảnh báo sớm trên không của USAF và từ các tàu khu trục của hải quân, đồng thời thu được hình ảnh chiến trường mà không cần bật radar riêng hay các hệ thống cảm biến khác.
Mẫu máy bay phản lực được nhìn thấy cùng với ba phiên bản tên lửa không đối không, thiết bị hạ cánh và động cơ có nhãn V1, V2 và V3. Chương trình sử dụng phương pháp tiếp cận phi truyền thống để tránh chi phí duy trì vòng đời đắt đỏ. Kỹ thuật số liên quan đến việc sử dụng các công cụ mô phỏng và mô hình ảo. Với các tiêu chí này, khó nhận định về kích thước của máy bay, rất có thể lớn hơn F-22. Cấu hình kết hợp giữa thân và cánh sẽ tạo ra khoảng không lớn bên trong để chứa nhiên liệu và vũ khí, nâng cao khả năng tác chiến.
Theo USAF, chiến đấu cơ NGAD sẽ không hoạt động một mình, nhờ có tầm bay xa, nó cùng máy bay ném bom thâm nhập sâu trong lãnh thổ đối phương; khả năng mang tên lửa không đối không loại AIM-120 được cho thấy, tuy nhiên, thông tin vẫn chưa được công bố. Mẫu chiến đấu cơ này có đặc tính mô-đun hóa rất cao, có thể nhanh chóng phát triển và triển khai các cấu phần mới…, nhờ đó giảm tải các công việc bảo trì hậu cần. Điều này liên quan đến cả thiết bị điện tử, vũ khí và các hệ thống khác, đặc biệt, khả năng thay thế động cơ bằng những động cơ mới hơn.
Theo tài liệu NGAD được công bố đầu tháng 4 vừa rồi, máy bay có hình viên kim cương, khác so với các máy bay chiến đấu hiện nay; kích thước lớn, với các cửa hút khí động lớn trên cánh, theo sau bên trái và bên phải của buồng lái, nơi các cửa hút sẽ được che chắn khỏi radar từ bên dưới. Máy bay được trang bị hai động cơ, buồng lái có mái che hình vòm bong bóng và hai bộ ổn định dạng đứng có thể thu gọn, gập phẳng vào cánh.
Theo mô hình của máy bay mới, hai đường thẳng đứng phát ra từ mũi máy bay và hướng lên trên, hiển thị các kết nối với các nút liên lạc vệ tinh và trên không. Chiến đấu cơ mới này sử dụng kỹ thuật kiểu F1, theo công nghệ bí mật và do Lockheed chế tạo.
Theo Không quân Mỹ, NGAD dùng để kiểm tra 5 công nghệ chính có khả năng tích hợp trên các máy bay thế hệ tiếp theo, với mục tiêu nâng cao khả năng sống sót, khả năng sát thương và tính bền bỉ, nhưng không tiết lộ những công nghệ đó là gì.
Nhiều đồn đoán cho rằng, có thể là công nghệ liên quan đến động cơ đẩy, các khả năng khác bao gồm các hình thức tàng hình mới; vũ khí tiên tiến, bao gồm cả năng lượng định hướng; và quản lý nhiệt. Động cơ hiện tại trên F-35 và các biến thể của nó dự kiến có trên B-21 tạo ra một lượng điện năng khổng lồ để có thể kích hoạt các loại vũ khí mới, ví dụ năng lượng định hướng. Điều đó có thể đòi hỏi các kỹ thuật tiên tiến để quản lý nhiệt sinh ra, để nó không dễ bị phát hiện. Minh họa cho thấy khả năng tàng hình vẫn là phẩm chất then chốt của máy bay mới.
Cấu trúc và đường nét của máy bay được hình thành có tính đến việc giảm tín hiệu phản xạ; giảm khả năng bị phát hiện từ mặt đất, tăng đặc tính bay và cơ động. Theo nhiều phỏng đoán, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ nhận được các phương tiện điều khiển từ xa hoặc tự động.
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho phi công con người, tuy nhiên điểm yếu của các hệ thống AI nằm ở tính logic của chúng, trong khi các hoạt động quân sự thực có thể không tuân theo logic này, khi đó cần có sự hiện diện của con người để đưa ra quyết định trong các tình huống bất thường, phi tiêu chuẩn.
Người ta kỳ vọng rằng các phương pháp phát triển mới sẽ cho phép máy bay luôn luôn “đi đầu”, nhưng đồng thời sẽ đơn giản hóa và giảm chi phí cho tất cả các giai đoạn trong vòng đời của nó. Một nguyên mẫu có thể xuất hiện sớm nhất vào năm 2023-25. Đến nay, mọi thông tin về khả năng của F/X hiện vẫn là bí mật quân sự. Nếu chương trình tiến triển với tốc độ nhanh thông qua các quy trình được sắp xếp hợp lý và sử dụng công nghệ hiện thời, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể gia nhập Không quân Mỹ sớm hơn dự kiến - trước năm 2030./.