Hậu giãn cách: Cách gợi chuyện lương với đồng nghiệp và sếp
Theo chuyên gia tài chính, các báo cáo cho thấy 60% phụ nữ thà trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp về những chủ đề khác hơn là đi sâu vào vấn đề tiền bạc.
Theo chuyên gia tài chính, các báo cáo cho thấy 60% phụ nữ thà trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp về những chủ đề khác hơn là đi sâu vào vấn đề tiền bạc.
Linda Davis Taylor, tác giả cuốn The Business of Family và cựu CEO của công ty tư vấn đầu tư Clifford Swan Investment Counselors, cùng với Tori Dunlap, nhà giáo dục tài chính kiêm người sáng lập HerFirst100K, chia sẻ một số lời khuyên dành cho nhân viên ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là phụ nữ, về cách trao đổi mức lương với bạn bè, đồng nghiệp và nhà quản lý qua The Lily.
Mặc dù có bằng cử nhân ngành marketing và chủ doanh nghiệp được quốc tế công nhận, tôi vẫn thường xuyên liên hệ với bạn bè và hỏi rằng: “Thương hiệu X muốn hợp tác với tôi, tôi đang nghĩ sẽ yêu cầu mức phí này. Liệu như vậy đã thỏa đáng chưa?”.
Tương tự, bạn có thể bắt đầu với việc hỏi người quen hay bạn bè làm việc trong lĩnh vực cần tìm hiểu, và họ sẽ trao đổi thẳng thắn với bạn.
Bạn có thể biến chủ đề thu nhập thành một cuộc trò chuyện đôi bên. Hãy đề cập đến thắc mắc thường trực của bạn, đồng thời chia sẻ thêm về những trải nghiệm cá nhân.
Chẳng hạn, “Thật khó để mở lời về chuyện tiền bạc, nhưng tôi đang chuẩn bị đi xin việc và muốn sẵn sàng trao đổi mức lương với nhà tuyển dụng. Tôi dự định sẽ hỏi mức lương vào cuối buổi phỏng vấn vì không thấy có thấy đề cập trong thông báo tuyển dụng. Bạn thấy cách tiếp cận của tôi thế nào?”.
Và một ngày nào đó, bạn có thể trở thành người giúp đỡ những ai cùng mong muốn tương tự.
Cách hỏi đồng nghiệp về mức lương
Trao đổi về lương thưởng với đồng nghiệp có thể là chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu bạn xây dựng cuộc trò chuyện theo hướng đôi bên đều có lợi - nơi mà tất cả cùng nhau học hỏi, điều đó có thể giảm bớt áp lực cho các đồng nghiệp và người quản lý.
Ví dụ, bạn hỏi vài đồng nghiệp liệu họ có muốn cùng bạn đề nghị tổ chức một cuộc trao đổi cởi mở trong phạm vi toàn văn phòng với các nhà quản lý về vấn đề thu nhập hay không.
Theo đó, bạn có thể đề xuất trước các chủ đề như “Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty như thế nào?”, “Công ty thực hiện ra sao về việc trả lương cho các vị trí công việc khác nhau?”, “Cách hiệu quả nhất để hỏi nhà quản lý của chúng tôi về đề xuất tăng lương là gì?”...
Bằng cách tạo ra tinh thần cộng tác và học hỏi, cuộc trao đổi sẽ ít cạnh tranh hay mang tính đe dọa hơn.
Một cách tuyệt vời khác để khởi đầu cuộc trò chuyện với đồng nghiệp là tiết lộ cho họ biết về mức lương hiện tại của bạn.
Sau đó, bạn có thể tiếp tục với những câu hỏi đơn giản như “Này, sắp tới tôi có một cuộc gặp mặt/đánh giá hiệu suất với bộ phận nhân sự và tôi dự định yêu cầu cầu tăng mức lương/thưởng. Bạn có thể vui lòng chia sẻ thông tin về mức lương của bạn để giúp tôi chuẩn bị tốt hơn với lời đề nghị này được không?”.
Trong trường hợp quá rụt rè để hỏi thẳng đồng nghiệp như vậy, bạn chỉ cần hỏi “Liệu kỳ vọng mức tăng lương của tôi như vậy là quá thấp hay quá cao?”.
Nên trao đổi rõ ràng về việc trả lương như thế nào trong các cuộc phỏng vấn
Trao đổi về mức lương trong các cuộc phỏng vấn xin việc luôn là điều phù hợp. Cách thức và thời điểm thực hiện mới là vấn đề bạn cần quan tâm.
Nếu thông tin về mức lương không đề cập trong bản đề mục mô tả công việc, hãy hỏi nhà tuyển dụng, song đừng bắt đầu cuộc phỏng vấn với câu hỏi đó đầu tiên.
Nếu nhà tuyển dụng không nhắc tới mức lương trong lúc trò chuyện và cuộc phỏng vấn đang đến hồi kết thúc, bạn có thể gợi chủ đề đó, chẳng hạn “Cơ hội làm việc này nghe chừng rất thú vị và tôi hy vọng mình là một ứng cử viên cạnh tranh. Anh/chị có thể chia sẻ với tôi về mức lương của vị trí này được không?”.
Một vấn đề/cạm bẫy cần lưu ý là nhà tuyển dụng hỏi bạn về kỳ vọng mức lương nhưng lại không chia sẻ thông tin về nó.
Trong trường hợp này, bạn có thể trả lời rằng “Đương nhiên, mục tiêu của tôi là được đánh giá cao dựa trên những đóng góp của mình tại vị trí này. Anh/chị có thể chia sẻ về mức lương mà công ty dự trù cho vị trí công việc được không?”.
Hoặc nếu trong quá trình phỏng vấn, đặc biệt ngay đầu cuộc trò chuyện, nhà tuyển dụng hỏi về kỳ vọng mức lương của bạn, tôi khuyên rằng bạn nên hỏi ngược lại khéo léo, như “Thật khó để có cái nhìn tổng quát về công việc ngay lúc này, nhưng tôi rất muốn biết ngân sách của công ty cho vị trí là bao nhiêu”.
Nếu mức lương nhà tuyển dụng đưa ra thấp hơn thu nhập trước của bạn, hoặc bạn cần ổn định tài chính, hãy sẵn sàng đề nghị họ mức mà bạn mong muốn.
Tất nhiên, nếu làm điều đó, bạn cần chuẩn bị tinh thần rời đi khi nhà tuyển dụng từ chối, hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của bạn.
Hãy nghiên cứu trước về lĩnh vực, công ty và vị trí công việc bạn phỏng vấn, đồng thời đảm bảo rằng bạn không đề xuất mức lương quá thấp hoặc quá cao.
Cách trao đổi với quản lý của bạn về việc tăng lương hoặc các mối quan tâm khác
Các nhà quản lý thường mong đợi nhân viên chủ động trao đổi, cho dù đó là mức lương, tiền thưởng hay phúc lợi khác của công ty. Đó là một phần vai trò của họ với tư cách là nhà quản lý. Tuy nhiên, đừng tận dụng điều này mà không lên kế hoạch trước.
Cách thức lý tưởng nhất là thời điểm diễn ra quy trình đánh giá thường niên của công ty, trong đó bạn và quản lý sẽ đối thoại về hiệu suất công việc, kỳ vọng của công ty trong giai đoạn tiếp theo và tiếp nhận đề nghị của cá nhân bạn.
Lúc này, bạn có thể mở lời trao đổi, chẳng hạn “Tôi rất vui khi biết mình đang đáp ứng được kỳ vọng, cũng như công ty đánh giá cao của tôi. Anh/chị có thể hỗ trợ tôi đề xuất tăng lương vào thời điểm này không?”.
Mặt khác, nếu cuộc trò chuyện với quản lý diễn ra không mấy tích cực, bạn có thể nói rằng “Tôi rất cảm kích khi được đóng góp về cách cải thiện công việc của mình. Chúng ta có thể hẹn lại thời điểm khác, khoảng 3 hoặc 6 tháng sau, để xem xét lại hiệu suất làm việc của tôi được không? Mục tiêu của tôi là thăng tiến, cả về vị trí công việc lẫn thu nhập”.
Nhìn chung, hãy chuẩn bị sẵn sàng. Lên kế hoạch gặp mặt trao đổi với nhà quản lý, cho họ biết chính xác những gì bạn muốn nói về cả hiệu suất lẫn mức lương.
Hãy nghĩ sẵn mức lương muốn yêu cầu, sau đó cung cấp cho nhà quản lý tất cả thông tin hỗ trợ cho đề xuất tăng lương của bạn: bảng đánh giá hiệu suất làm việc xuất sắc, các dự án thành công lớn và dữ liệu bên lề mà bạn thu thập được.
Bạn nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đàm phán với quản lý, nhưng đồng thời phải quyết tâm giữ vững lập trường của mình.