Hậu Giang: Chủ động triển khai chính sách, quyết liệt trong sắp xếp đơn vị hành chính

Kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc. Kỳ họp đã thông qua 6 nghị quyết quan trọng về tài chính, đất đai và đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Cụ thể, các nghị quyết được thông qua có nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai, chính sách hỗ trợ đất trồng lúa; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm hiện hành, đầu tư công trung hạn; điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Tại lễ bế mạc, ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: “Ngay sau kỳ họp, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa chiến lược. Trong đó, nhiệm vụ sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã là yêu cầu tất yếu để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở”.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh với hạn định rõ ràng là đến ngày 15/8/2025, các đơn vị mới phải chính thức đi vào hoạt động. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động trong mọi khâu từ tuyên truyền, chuẩn bị nhân sự, sắp xếp lại bộ máy tổ chức đến việc bố trí cơ sở vật chất, ngân sách và cơ sở pháp lý liên quan. UBND tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tổ chức các hội nghị, diễn đàn, truyền thông đa phương tiện để giải thích rõ về lý do và tác động tích cực của việc sắp xếp hành chính.

Song song với việc sắp xếp đơn vị hành chính, Hậu Giang đang triển khai đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ quyền làm chủ của người dân cũng như trách nhiệm của các đại biểu dân cử. Theo đó, quá trình lấy ý kiến sẽ được tỉnh tổ chức dân chủ, công khai, hiệu quả với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan Nhà nước. Hình thức tổ chức linh hoạt, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến qua các nền tảng số như VNeID, cổng thông tin điện tử, hội thảo, tọa đàm, khảo sát giấy...

Tỉnh rà soát toàn diện các nghị quyết đã ban hành nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những nghị quyết không còn phù hợp. Đây được xem là bước chuẩn bị pháp lý quan trọng, không chỉ phục vụ cho việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã mà còn tạo nền tảng cho việc triển khai sáp nhập cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương. Việc đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp giảm thiểu xung đột pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động.

Tin, ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hau-giang-chu-dong-trien-khai-chinh-sach-quyet-liet-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-20250522120834984.htm