Vì sao vẫn còn thanh tra trong công an, quân đội, Ngân hàng Nhà nước?

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết còn quy định tổ chức thanh tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Ngân hàng Nhà nước là bởi phù hợp với tính đặc thù mô hình tổ chức ngành dọc của ngành.

Cuối phiên thảo luận tại hội trường sáng 22/5 về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình làm rõ một số vấn đề các ĐBQH quan tâm.

Về các cơ quan thanh tra, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc quy định hệ thống cơ quan thanh tra tại Điều 7 của dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định tại khoản 3 Điều 7 về việc còn quy định tổ chức thanh tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, quy định này được căn cứ 3 lý do: Một là, Kết luận số 134 của Bộ Chính trị không nêu kết thúc hoạt động của các cơ quan thanh tra này. Hai là, kế thừa quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Thanh tra năm 2022.

Ba là, phù hợp với tính đặc thù mô hình tổ chức ngành dọc của ngành công an, quân đội, Ngân hàng Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Tổng Thanh tra cho biết, theo Kết luận số 134, các cơ quan không còn thanh tra thì thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Để thể chế hóa chủ trương này, tại khoản 1 Điều 61 của dự thảo luật quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước.

"Để tạo điều kiện, cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tại khoản 1 Điều 61 của dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định về hoạt động kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực", ông Đoàn Hồng Phong nói.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, dự thảo luật đã có những quy định nhằm xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể là quy định tại Điều 56, Điều 57, Điều 58 của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó khoản 1 Điều 56 quy định rõ "khi tiến hành hoạt động thanh tra, Kiểm toán Nhà nước nếu phát hiện chồng chéo, trùng lắp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước để xử lý, đảm bảo một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan Kiểm toán Nhà nước".

Dự thảo luật không quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành, do đây là các hoạt động có sự hoạt động khác nhau về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Đoàn Hồng Phong cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, trong đó có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành.

Về tiến hành thanh tra, về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định "ngày làm việc" trong dự thảo luật mà chỉ quy định là "ngày".

Thanh tra Chính phủ tiếp thu quy định là "ngày" như Luật Thanh tra năm 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về kế hoạch thanh tra hằng năm của thanh tra tỉnh phải báo cáo xin ý kiến Thanh tra Chính phủ để xử lý chồng chéo trong các cơ quan thanh tra.

Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ chỉnh sửa theo hướng hàng năm, Thanh tra Chính phủ gửi kế hoạch thanh tra cho thanh tra tỉnh để thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra không chồng chéo với kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

"Vấn đề này thực hiện cũng là phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành đối với các địa phương", Tổng Thanh tra cho hay.

Dự thảo luật bổ sung quy định: "Tạm dừng thanh tra trong trường hợp tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền".

Theo ông Đoàn Hồng Phong, quy định này là dựa vào cơ sở thực tiễn trong thời gian qua do lực lượng của cơ quan thanh tra có hạn, trong khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch, vừa phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra đột xuất.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đối với tỉnh là theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cấp tỉnh.

Vì vậy, phải tạm dừng một số cuộc thanh tra đang tiến hành theo kế hoạch để tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Trước đó, tham gia ý kiến, ĐBQH Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, trong dự thảo luật lần này, chúng ta đang lược bỏ 2 khái niệm "thanh tra hành chính" và "thanh tra chuyên ngành". Theo đại biểu, cần phải cân nhắc lại vấn đề này, bởi hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, kể cả về nội dung, về trình tự, thủ tục tiến hành các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

"Hơn nữa, thực tế vẫn đang còn thanh tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cũng phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Cho nên, theo tôi chúng ta cần phải nghiên cứu, xem xét việc lược bỏ 2 khái niệm là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành", ông Hải nêu ý kiến.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-van-con-thanh-tra-trong-cong-an-quan-doi-ngan-hang-nha-nuoc-204250522134417915.htm