Hậu Giang đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo động lực mới để phát triển bền vững
Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề 'Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui'.
Hội nghị có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện các hiệp hội, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực.
Tại Hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cơ hội đầu tư; những định hướng cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới. Theo đó, Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự có mặt của đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư; tin tưởng những dự án được trao quyết định đầu tư, những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay sẽ khởi nguồn cho dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Hậu Giang trong thời gian tới.
Hậu Giang là tỉnh có vị trí địa kinh tế quan trọng; vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo của vùng ĐBSCL; vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, lễ hội; con người Hậu Giang năng động, nghĩa tình, thủy chung; có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất; cùng với đó là sự quyết tâm, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hậu Giang như: phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cao; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để không bị “lỡ nhịp”, đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo bứt phá, động lực mới cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang và các bộ, cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý tập trung giải quyết, xử lý ngay các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng mong các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. “Các doanh nghiệp đã ký kết đầu tư tại Hậu Giang thì phải triển khai dự án; tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, chứ không nên chỉ ưu tiên phát triển bất động sản; biến cam kết đầu tư thành của cải vật chất, để người dân Hậu Giang được hưởng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng lưu ý.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, với tổng số vốn 19 ngàn tỷ đồng; chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204 ngàn tỷ đồng; chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức với tỉnh Hậu Giang; chứng kiến các doanh nghiệp Nhà nước trao 28 tỷ đồng tài trợ xây dựng các trường học và tặng quà cho người có công tỉnh Hậu Giang.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tại Trung tâm Điện lực Sông Hậu, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ
Sáng 16/7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng và đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ đi trước vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Toàn tỉnh Hậu Giang có gần 36.000 người có công với cách mạng, hơn 12.000 liệt sĩ, hiện có hơn 7.600 hài cốt liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn.