Hậu Giang hội nhập và phát triển - Tăng tốc, tạo đột phá phát triển
Hậu Giang đã và đang có những bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Hậu Giang vẫn xác định nỗ lực nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội để hòa nhịp cùng sự phát triển của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết những “gam màu sáng” được xem là bước đột phá của tỉnh Hậu Giang trong những tháng đầu năm 2023, nhất là trong quý 1, khi tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,67%?
Ông ĐỒNG VĂN THANH: Tỉnh đã tập trung quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chăn nuôi phát triển, quy mô và diện tích nuôi thủy sản được mở rộng. Cùng với nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL, nông dân Hậu Giang rất phấn khởi khi vụ lúa đông xuân vừa qua khá trúng mùa và bán lúa giá cao, ổn định. Nông dân đã thu hoạch trên 75.000ha lúa, năng suất trung bình gần 7,8 tấn/ha, giá lúa dao động trên mức 6.000 đồng/kg giúp nông dân đạt lợi nhuận cao.
Công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả được phát triển và nhân rộng. Số lượng doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tăng; nhiều trang trại, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mới có quy mô và hiệu quả cao hơn.
Tình hình thị trường, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các loại hình kinh doanh dịch vụ khác đều tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả tốt, giải ngân đầu tư công được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt kế hoạch.
Theo tôi, những nỗ lực của tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Năm 2022, tỉnh đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi đứng đầu vùng ĐBSCL và thứ 4 cả nước. Năm 2023, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) của tỉnh đạt 12,67%, tăng cao so với cùng kỳ (quý 1-2022 là 4,69%), lần đầu tiên tăng trưởng GRDP của tỉnh được xếp vào mức cao nhất cả nước.
Tỉnh Hậu Giang xác định, cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đón tin vui khác khi cả 4 chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR Index) và hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS) năm 2022 đều tăng thứ hạng so với năm 2021. Đáng chú ý, chỉ số PCI Hậu Giang lần đầu tiên tăng 26 bậc, đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng.
Điều này minh chứng cho kết quả nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Những kết quả tích cực trên là sự nỗ lực của lãnh đạo, hệ thống chính trị toàn tỉnh và các cấp ngành gắn với cả một quá trình: tổ chức nhiều đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương làm tốt; xây dựng kế hoạch gắn với các hoạt động thiết thực trên tinh thần “làm hết việc để phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp được quan tâm, sắp xếp đủ năng lực làm việc, ngang tầm nhiệm vụ đã phát huy được kết quả.
- Hậu Giang sẽ tập trung các biện pháp nào để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như vừa qua, thưa ông?
Tỉnh Hậu Giang xác định, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm tăng tốc, đột phá trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm cả hệ thống chính trị của tỉnh quyết tâm lập nhiều thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh.
Tỉnh tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hóa tối đa các dự án cam kết đầu tư. Huy động nguồn lực (vốn, nhân lực, cơ chế) cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ. Nỗ lực, phấn đấu để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%. Quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị mặt bằng đất sạch và các điều kiện cần thiết để khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tập trung triển khai thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành sớm hơn chỉ đạo của Chính phủ.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các đợt phát động thi đua đặc biệt trong hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1-1-2004 – 1-1-2024). Đặc biệt là triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023. Phấn đấu thu ngân sách (nguồn thu nội địa) đạt và vượt chỉ tiêu năm 2023 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Tập trung cho chuyển đổi số, năm 2023 tỉnh Hậu Giang tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023. Ông có thể cho biết đâu là điểm nhấn - mục tiêu chính mà tuần lễ này hướng đến?
Tỉnh Hậu Giang xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện liên tục và quyết liệt trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Đến nay, mọi công tác tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 (diễn ra từ ngày 18 đến 20-5) đã sẵn sàng.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, tỉnh đã chuẩn bị chu đáo các hội thảo quan trọng như: thúc đẩy CĐS và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế vùng ĐBSCL năm 2023; giải pháp CĐS thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghệ số khu vực ĐBSCL; Kết nối cung - cầu công nghệ, khảo sát mức độ sẵn sàng đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp và công bố kết quả vòng bán kết cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023; giải pháp CĐS nâng cao công tác quản lý và chất lượng giảng dạy…
Trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để các địa phương trong vùng và cả nước trao đổi, học tập những kinh nghiệm hay, vận dụng vào cuộc sống giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Dịp này, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động để đại biểu có thể tham quan các nông trại, nhà vườn tiêu biểu, các nhà máy, doanh nghiệp và giao lưu, trao đổi với đại diện HTX Trái cây sinh học OCOP, HTX Kỳ Như, Trang trại dê Ngọc Đào…
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: “UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Cụ thể là các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023… Đồng thời, chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh trong triển khai thực hiện”.