Hậu Giang khởi công nhà máy chế biến nông sản công suất 30.000 tấn/năm
Sau khi hoàn thành, nhà máy Westfood Hậu Giang có công suất 30.000 tấn thành phẩm/năm sẽ sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng cao, hướng đến các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản...
Sáng ngày 27/9, tại Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), CTCP Westfood Hậu Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng Tổ hợp Nhà máy chế biến nông sản thực phẩm Hậu Giang (Nhà máy Westfood Hậu Giang).
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 7 ha, đạt chuẩn châu Âu, với tổng vốn đầu tư hơn 666 tỷ đồng. Dự kiến quý I/2025, Nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, sản xuất các sản phẩm đạt chứng chỉ quốc tế như FDA, IFS, KOSHER, BRC, HALAL; vươn đến các thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dự kiến, Westfood Hậu Giang sẽ là một trong những nhà máy chế biến dứa lớn nhất miền Tây Nam Bộ; sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng cao bên cạnh những dòng sản phẩm Westfood hiện có; tạo nên những sản phẩm đặc sản miền Tây, góp phần đưa nông sản miền Tây vươn ra thế giới.
Nhà máy Westfood Hậu Giang là một thành viên của CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây - Westfood. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành thực phẩm, Westfood đang sở hữu một trong những nhà máy chế biến trái cây hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Cần Thơ.
Hiện Westfood sở hữu 150 ha vùng nguyên liệu dứa King MD2 tại huyện Phụng Hiệp, trong đó, 30% diện tích đạt chuẩn Global Gap; công ty cũng đang làm Dự án phát triển 200 ha dứa MD2 tại Nông trường Mùa Xuân.
Công ty đã ký kết với huyện Phụng Hiệp hợp đồng hợp tác phát triển vùng nguyên liệu cây dứa MD2 với diện tích 2.000 ha, trong vòng 5 năm tới. Việc xây dựng nhà máy Westfood Hậu Giang sẽ là động lực để Westfood tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, không chỉ dứa King MD2 mà còn nhiều loại nông sản khác.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cho rằng, việc doanh nghiệp và nông dân hợp tác vừa mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất. Đây được xem là sự phát triển bền vững, là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Hậu Giang hướng đến để doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi.
Bên cạnh đó, dự án sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cam kết, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng cũng như khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 3.000 ha dứa, chủ yếu ở thành phố Vị Thanh và 2 huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp. Cùng với cá thát lát, dứa Cầu Đúc là đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang. Theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, diện tích trồng dứa của tỉnh đạt 3.500ha với sản lượng 45.000 tấn/năm.