Hậu Giang: Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 13/5, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là khai thác tiềm năng phát triển các khu kinh tế ban đêm ở trung tâm thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhằm tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, tạo nhiều việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững cho kinh tế ban đêm và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư. Mang lại nhiều cơ hội phát triển nhiều ngành nghề mới, đặc biệt là ngành bán lẻ, ẩm thực, đồ uống, du lịch, giải trí… Kích thích tiêu dùng nội địa tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thu hút khách du lịch, quảng bá tạo dựng hình ảnh văn hóa và con người Hậu Giang đến với du khách trong và ngoài nước.
Đề án chỉ tập trung vào các hoạt động thương mại, dịch vụ chủ yếu là ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm, lễ hội, tham quan du lịch… diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau tại các đô thị, như: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ. Đối với cấp huyện: huyện Châu Thành A (thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc), huyện Châu Thành (thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm), huyện Phụng Hiệp (thị trấn Cây Dương, xã Tân Long), huyện Vị Thủy (thị trấn Nàng Mau). Các đô thị còn lại: thị trấn Rạch Gòi, thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Kinh Cùng, thị trấn Búng Tàu, thị trấn Vĩnh Viễn, đô thị Cái Sơn, đô thị Xà Phiên, đô thị Lương Nghĩa do chưa phát triển nhiều, nên chỉ định hướng phát triển theo quy hoạch.
Các ngành nghề phát triển kinh tế đêm ở Hậu Giang là: ăn uống, ẩm thực; nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú; thương mại, mua sắm; dịch vụ du lịch vui chơi giải trí; logistic… Định hướng phát triển không gian kinh tế ban đêm cho các đô thị: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc, thị trấn Mái Dầm, thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Nàng Mau, thị trấn Cây Dương và xã Tân Long.
Lộ trình thực hiện đề án: Năm 2021, phê duyệt dự án kinh tê đếm ở Hậu Giang. Năm 2022 - 2023: Triển khai Đề án làm thí điểm tại thành phố Vị Thanh (phường I, III, IV, V, VII, Tổ hợp khách sạn bốn sao và Chợ du lịch Xà No). Năm 2023 - 2025: Triển khai mô hình kinh tế đêm tại thành phố Ngã Bảy (phường Ngã Bảy) và thị xã Long Mỹ (phường Thuận An, phường Bình Thạnh).
Giai đoạn 2 (2026 - 2030), trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế ban đêm và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở giai đoạn 1 để định hướng cho giai đoạn 2: Mở rộng không gian khu kinh tế ban đêm tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Huyện Châu Thành A: thị trấn một Ngàn, thị trấn Cái Tắc. Huyện Châu Thành: thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm. Huyện Phụng Hiệp: thị trấn Cây Dương, xã Tân Long. Huyện Vị Thủy: thị trấn Nàng Mau.
Để triển khai thực hiện Đề án kinh tế ban đêm ở tỉnh Hậu Giang, Đề án đưa ra các giải pháp, như: Phát triển các ngành nghề dịch vụ liên quan đến kinh tế ban đêm; Quy hoạch mạng lưới chợ đêm và các dịch vụ đi kèm; Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá khu kinh tế ban đêm; Đưa ra phương án phát triển các tuyến, địa điểm tổ chức du lịch và công trình phục vụ du lịch khu kinh tế ban đêm; Xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở yếu tố văn hóa đặc sắc của địa phương như: ẩm thực đặc trưng địa phương, văn hóa dân tộc, giải trí lành mạnh, hàng hóa mang đậm nét truyền thống của tỉnh và đặt trưng của Việt Nam; Kêu gọi đầu tư nhà hàng, các cơ sở kinh doanh và các cơ sở lưu trú, chợ đêm, kho bãi logistic, các khu du lịch; Đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị và các trung tâm xã, phường, thị trấn; Đầu tư điện chiếu sáng, công viên, cây xanh… Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ gần 883 triệu đồng để thực hiện triển khai Đề án kinh tế ban đêm ở Hậu Giang trong năm 2021.